Theo chính lời ông Hưng, việc giáo viên mắc kẹt là bởi ông đang bận tổ chức… đại hội.
Vì đại hội mà chậm quyền lợi của giáo viên
Ngày 28/7, Báo GD&TĐ làm việc với ông Nguyễn Quang Hưng - Bí thư Huyện ủy Mường Nhé để làm rõ lý do vì sao nhiều giáo viên đang công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, có nguyện vọng được chuyển công tác về gần với gia đình, chồng con, nhưng không được giải quyết thỏa đáng.
Ông Nguyễn Quang Hưng khẳng định: Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Nhé sẽ "tạo điều kiện" cho các giáo viên chuyển công tác theo nguyện vọng.
"Hiện, huyện ủy cũng đã nhận được 3 - 4 trường hợp đề nghị xin chuyển. Quan điểm của huyện là đồng ý cho chuyển thôi! Không giữ làm gì cả", ông Hưng nói.
Lý giải về nguyên nhân chưa thể "giải quyết" cho giáo viên đi ngay, ông Hưng cho rằng, cần phải xem lại toàn bộ quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm đối với những cán bộ, giáo viên có nguyện vọng.
"Bây giờ còn tồn đọng cỡ khoảng 50 hồ sơ liên quan kể cả quy trình bổ nhiệm, điều động đi, đến. Trước khi anh vào (được điều động từ Chánh Văn phòng UBND tỉnh vào làm Bí thư Huyện ủy Mường Nhé) vẫn còn khoảng 50 hồ sơ gì đấy. Như vậy, thì phải xem lại, rà soát lại quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, đầu vào, đầu ra. Ban Thường vụ vẫn phải làm một cuộc rà soát toàn bộ. Nhưng thời điểm này thì chưa thể làm được vì đang tập trung cho đại hội(?)".
"Ban tổ chức Huyện ủy thì cũng đang thế (Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy bị kỷ luật). Bộ phận giúp việc cho thường trực đang lùm xùm như thế. Còn bên UBND huyện thì Trưởng phòng GD&ĐT đang kỷ luật như thế. Trưởng phòng Nội vụ thì đang như thế (Đơn thư khiếu nại, tố cáo), nên rất khó để giải quyết trước thềm đại hội được", ông Hưng lý giải.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo GD&TĐ trước đó, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên khẳng định việc những giáo viên ở Mường Nhé xin chuyển vùng không hề liên quan đến việc tổ chức Đại hội Đảng.
"Việc tuyển dụng, luân chuyển là việc làm thường xuyên. Nhưng Bí thư huyện ủy không cho chuyển. Đồng chí ấy bảo sau Đại hội Đảng mới cho chuyển. Còn việc chuyển đi hay không đó là nguyện vọng của người ta. Người ta có nguyện vọng chuyển là chính đáng. Việc này chẳng liên quan gì đến đại hội", lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên cho biết.
Chấm dứt hợp đồng thì dễ, chuyển đi thì khó
Sau khi Báo GD&TĐ đăng tải bài viết: Bí thư huyện Mường Nhé (Điện Biên) ra quyết định nửa vời: 14 giáo viên "mắc kẹt", phóng viên Báo GD&TĐ nhận được tin nhắn của chủ Facebook với nickname "Lien Nguyenhong". Nội dung tin nhắn: "Mày là thằng có ăn học sủa ra những lời vu khống không sợ trời tru đất diệt hả! Khẩu nghiệp là có thật đấy nó sẽ sớm đến với ngày (mày) thôi".
Thông tin trang cá nhân trên thể hiện chủ tài khoản "Lien Nguyenhong" làm việc tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên, được cho là vợ ông Nguyễn Quang Hưng.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Mùa A Vảng - Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên xác nhận: Qua kiểm tra trang Facebook nói trên thấy có hình ảnh bà Nguyễn Hồng Liên (vợ của ông Nguyễn Quang Hưng). Bà Liên là Trưởng phòng Tổ chức, Hành chính, Quản trị - Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên.
Một trong những lý do ông Nguyễn Quang Hưng đưa ra, đó là nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp phòng, ban của huyện đang trong thời gian thi hành kỷ luật. Vì thế chưa thể xem xét, quyết định cho giáo viên chuyển công tác. Trong khi ông Trần Ngọc Kiên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé thì khẳng định, dù đang trong thời gian thi hành kỷ luật, song bản thân ông Kiên vẫn hoàn toàn có thể đảm đương công việc mà mình phụ trách.
"Tôi bị kỷ luật chứ tôi có bị đuổi việc đâu? Ở bất cứ cương vị nào, dù chỉ còn một ngày đang làm việc thì tôi vẫn sẽ trách nhiệm, nỗ lực hết mình để thực hiện tốt công việc được giao. Nói thế vì tôi hưởng chế độ của Nhà nước để làm việc chứ có phải hưởng lương để chơi, để bỏ bê công việc đâu?", ông Trần Ngọc Kiên cho biết.
Ông Hưng nói rằng: "Chúng tôi đang tính 11/8 đại hội xong, thì khoảng 15 - 16/8 sẽ tập trung làm (giải quyết nguyện vọng cho giáo viên). Thời điểm đó vẫn là dịp giáo viên đang nghỉ hè, chứ chưa phải là đã vào năm học mới".
Thế nhưng, trong Thông báo số 460-TB/HU kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác cán bộ, công tác đảng viên do chính tay ông Hưng ký lại không có mốc thời gian cụ thể. Mục 4 của kết luận trên nêu rõ: "Về việc chuyển vùng và tiếp nhận công chức, viên chức: Giao Ban tổ chức Huyện ủy chủ trì, phối hợp UBND huyện rà soát tổng thể biên chế toàn huyện, căn cứ đề án vị trí việc làm của huyện để báo cáo và tham mưu chủ trương cho Ban Thường vụ Huyện ủy theo quy định".
"Tôi đồng tình với việc phải làm theo quy định. Nhưng "quy định" trong thông báo trên đó là quy định nào(?). UBND huyện trình sang Ban Thường vụ, nhưng Ban Thường vụ không cho thông. Vì thế UBND huyện chẳng dám ký duyệt nhất trí cho giáo viên đi. Trong số những người xin đi, người ta đủ điều kiện, tiêu chuẩn cả. Có người còn trình từ tháng 3, đến bây giờ vẫn không cho người ta đi thì bao nhiêu cơ hội người ta lỡ đi rồi còn đâu?", một lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé chia sẻ.
Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé khẳng định những giáo viên xin đi đều đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của Luật. UBND huyện nhất trí tạo điều kiện cho giáo viên chuyển vùng (Tuy nhiên, đã bị vướng bởi Kết luận 460-TB/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy nên không thể trình). Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên cũng khẳng định số giáo viên xin đi là nguyện vọng chính đáng, cần phải tạo điều kiện.
Còn Bí thư Huyện ủy Mường Nhé vẫn hoài nghi. Ông Hưng nói: "Nếu cho chuyển đi thì mình rất khó để ký vì họ đủ điều kiện, tiêu chuẩn chưa?... Nguyên tắc, khi giáo viên vào thì phải cam kết phục vụ mấy năm? Thế còn để chuyển hay không thì phải xét điều kiện thực tiễn và bảo đảm nhiệm vụ ổn định, phát triển. Nếu chấm dứt hợp đồng lại khác".