Trong cuộc họp với các tướng lĩnh cấp cao của Nga hôm 3/4, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã công bố kết quả các cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác cao của Moscow nhằm vào mục tiêu quân sự của Ukraine.
"Lực lượng quân đội Nga đã sử dụng nhiều loại vũ khí chính xác cao tấn công vào các cơ sở quân sự của Ukraine. Đòn đánh đã khiến việc sản xuất nhiều vũ khí và cung cấp đạn dược, nhiên liệu cho lực lượng ở tiền tuyến của Kiev bị gián đoạn", Bộ trưởng Shoigu nói.
Cùng với tuyên bố về kết quả, ông Shoigu còn cho công bố hình ảnh về một số vũ khí dẫn đường chính xác đã được lực lượng Nga sử dụng trong chiến dịch đặc biệt, trong đó có hệ thống Iskander-K.
Theo National Interest, loại tên lửa này rất có thể là 9M729 - loại đạn Mỹ từng nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF (khi còn hiệu lực).
Nếu thông tin này chính xác thì đây là loại tên lửa tầm xa nhất đã được Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Báo Mỹ cho biết, Nga bắn thử 9M729 lần đầu vào năm 2008 tại bãi thử Kapustin Yar, vùng Astrakhan. Đến năm 2014, Nga hoàn tất các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước đạn tên lửa này cùng các phiên bản cải tiến và phóng thành công một năm sau đó với khoảng cách xấp xỉ 500km.
Hiện giới quân sự Nga chưa công bố bất cứ thông tin nào liên quan đến các vụ thử tên lửa 9M729 ngoài tầm bắn không quá 500km. Đây là phiên bản tăng tầm của tên lửa tầm ngắn 9M728 được trang bị trên tổ hợp Iskander-M.
Phiên bản 9M729 được trang bị cánh định hướng mở ra sau khi phóng, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn và có khả năng mang đầu đạn thông thường và hạt nhân.
Hệ thống điều khiển và dẫn hướng của 9M729 được cho là hoạt động tự động với các cảm biến điều chỉnh góc tấn công theo hệ thống định vị vệ tinh GLONASS hoặc GPS.
Ở pha cuối, đầu tự dẫn radar chủ động của tên lửa được kích hoạt, tìm kiếm mục tiêu và lao tới tấn công với đầu đạn nặng 450kg. Tên lửa 9M729 có thể được phóng từ tổ hợp 9K720 Iskander.
Nếu phóng từ Moskva hoặc Kaliningrad, tên lửa 9M729 có tầm bắn bao phủ toàn bộ khu vực Tây Âu. Nếu phóng từ vùng cực đông của Nga, tên lửa này có thể bắn trúng mục tiêu tại khu vực bờ biển phía tây nước Mỹ.
Nhưng do tầm bắn có thể lên tới hơn 5.000km của tên lửa 9M729 khiến giới quân sự Mỹ đặt câu hỏi về mục tiêu chiến thuật hoặc chiến lược của tên lửa này bởi Nga sở hữu nhiều tên lửa khác đủ bao phủ các khu vực nói trên.
Báo Mỹ cho rằng tên lửa 9M729 có liên hệ mật thiết, thậm chí là phiên bản phóng trên đất liền của tên lửa hành trình Kalibr-NK đang có mặt trên các chiến hạm Nga.
Với những thông tin Mỹ tuyên bố có được về loại tên lửa này, Đại tướng John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, thừa nhận 9M729 của Nga có khả năng xuyên thủng lá chắn phòng thủ của Mỹ và các đồng minh châu Âu, đặc biệt khi được phóng với số lượng lớn.
Không những vậy, hồi cuối năm 2018, đại sứ Mỹ tại NATO khi đó là Kay Bailey Hutchison cho biết "nếu các hệ thống tên lửa mới của Nga (9M729) đi vào hoạt động, Mỹ sẽ cân nhắc khả năng tiêu diệt những loại vũ khí mà Nga có thể sử dụng để tấn công Mỹ và các đồng minh châu Âu".
Hình ảnh Iskander khai hỏa tên lửa tầm xa được Nga công bố. |
Không phản hồi lại tuyên bố của phía Mỹ nhưng Nga có cách phản ứng riêng của mình bằng việc sử dụng 9M729 trong chiến dịch quân sự đặc biệt của mình. Chỉ có điều Moskva luôn khẳng định, loại tên lửa này có tầm bắn không quá 500km.