Vị tướng ấy là Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Việt Nam.
Sinh ra tại chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị), còn nhỏ đã tận mắt chứng kiến cái chết thương tâm của người cậu ruột bị địch giết hại dã man, rồi người mẹ thân yêu đi hoạt động cách mạng cũng bị địch giết, lửa căm thù ngùn ngụt cháy trong ông.
Thiếu tướng Trần Đình Dũng có nhiều đóng góp trong việc phân định cắm mốc đường biên giới Việt - Lào. Ảnh: Việt Văn. |
Năm 15 tuổi, (1968), ông đã gia nhập quân giải phóng và bắt đầu cuộc đời binh nghiệp, từng trải qua nhiều trận chiến ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ, và cuộc chiến giải phóng nhân dân Cam-pu-chia khỏi ách diệt chủng Pôn Pốt.
Ông tham gia các chuyên án đấu tranh với Fulro ở Tây Nguyên, với các nhóm Pôn Pốt trá hình trong dân vùng ven biên giới Việt Nam - Campuchia.
Thiếu tướng Trần Đình Dũng gặp lại những người bạn thân thiết. Bên phải là già làng Litthiphong, nguyên trưởng bản Đen-sa-vẳn (Lào) và bên trái là già làng Hồ Văn Còi, nguyên trưởng bản Ka-tăng. Cuộc gặp diễn ra nhân sự kiện Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào do Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức, diễn ra tại tỉnh Quảng Trị từ 20 - 30/7/2019. Ảnh: Việt Văn |
Năm 1988 làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng 220 đóng tại Thuận An, Bình Trị Thiên (nay là Thuận An, Huế), ông đã có những biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình hình người vượt biển ra nước ngoài ở địa bàn đồn phụ trách…
Thiếu tướng Trần Đình Dũng về chiến khu Ba Lòng được một cụ già ôm lấy xúc động như gặp lại người thân. Ảnh: Việt Văn. |
Đặc biệt, tướng Dũng có nhiều đóng góp trong việc phân định cắm mốc đường biên giới Việt - Lào và nảy sinh ra ý tưởng kết nghĩa các bản giáp hai bên biên giới, để tình hữu nghị được gắn kết.
Thiếu tướng Trần Đình Dũng sang thăm bản Đen-sa-vẳn (Lào) gặp gỡ trò chuyện với người dân Lào. Ông là người đưa ra mô hình trồng cây xanh và huy động được dân bản Ka-tăng giúp cho người dân bản Đen-sa-vẳn (Sê Pôn, Lào) nuôi trồng nhiều giống cây trồng mới. Ảnh: Việt Văn. |
Lễ ký kết nghĩa lịch sử giữa cặp bản – bản biên giới đầu tiên là Ka Tăng (Hướng Hóa, Quảng Trị) và Đen-sa-vẳn (Sê Pôn, Lào) vào tháng 4/2005… để đến nay đã có 100 bản - bản kết nghĩa toàn tuyến biên giới Việt- Lào.
Tướng Dũng nhấn mạnh: "Không gì bằng lòng dân biên giới, có được lòng dân đồng nghĩa với việc biên giới bền vững, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được đảm bảo. Và nhân dân chính là lũy thép, thành trì vững vàng nhất để bảo vệ chủ quyền quốc gia."
Thiếu tướng Trần Đình Dũng và vợ - bà Hoàng Thị Lộc, cũng người Quảng Trị cùng tấm ảnh hai người cách đây hơn 40 năm. Ảnh: Việt Văn. |
Thiếu tướng Trần Đình Dũng có một gia đình ấm êm hạnh phúc, con cái phương trưởng. Năm 1977, cô giáo Hoàng Thị Lộc - 19 tuổi đã yêu và lấy anh bộ đội 24 tuổi để rồi họ sống bên nhau hạnh phúc đến bây giờ.
Tướng Dũng (giữa) và hai con trai: Thượng tá Trần Tuấn Anh (phải) và đại úy Trần Thái Sơn (trái). Ảnh: Việt Văn. |
Hai người con của tướng Dũng đều nối nghiệp cha - đó là thượng tá Trần Tuấn Anh và đại úy Trần Thái Sơn. Tướng Dũng bảo, hai con trai mình chọn binh nghiệp như một lẽ tự nhiên mà ông không phải khuyên bảo gì.