Vị Tiến sĩ có 3 con rể đỗ đại khoa

GD&TĐ - Không chỉ là nhà khoa bảng lớn, quan đại thần của triều Lê, Tiến sĩ Trần Ân Triêm còn là bố vợ của các vị đại khoa nổi tiếng.

Tên của nhà khoa bảng Trần Ân Triêm được chọn để đặt cho trường học đường phố tại Yên Định (Thanh Hóa).
Tên của nhà khoa bảng Trần Ân Triêm được chọn để đặt cho trường học đường phố tại Yên Định (Thanh Hóa).

Tấm bằng Tiến sĩ từ hơn 300 năm trước

Trần Ân Triêm sinh năm 1673, người xã Yên Lâm, huyện Yên Định (nay là khu phố Bối Lim, thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Ông trước thi đỗ khoa Sĩ vọng, đến ngoài 40 tuổi ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) đời vua Lê Dụ Tông.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1715 có đoạn chép rằng: “Bấy giờ số dự thi đông đến hơn 2.500 người. Vào đến trường bốn, chọn hạng xuất sắc được 20 người. Hữu ty ghi tên dâng lên.

Bèn cho lính đưa voi tới cửa trường chở bảng mực nhạt ra treo ở đình Quảng Văn ngoài cửa Đại Hưng. Sĩ tử bốn phương kéo đến xem như mây tụ, tiếng hô reo như sấm dậy đất bằng, đều ngợi khen khoa thi tiến sĩ này lại được nhiều người giỏi.

Qua ngày 11 tháng 6 vào Điện thí. Hoàng thượng đích thân ra đề thi văn sách, hỏi về điều cốt yếu của đạo trị nước. Ngày hôm sau, quan Độc quyển nâng quyển đọc, Hoàng thượng xếp định thứ bậc cao thấp. Loa xướng tên người đỗ, bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa nhà Quốc học.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715).

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715).

Kế đó lại ban áo mũ phẩm phục để được hiển vinh, ban yến Quỳnh hoa bạc để tỏ lòng sủng ái, ơn lớn đãi ngộ xem chừng chẳng khác gì thời trước. Nay lại cho khắc đá đề danh, theo đúng như quy chế cũ, không sớm không muộn, cho khắc bia đúng lúc, đúng là cuộc tao ngộ đầy vinh hạnh”.

Trải qua hơn 300 năm kể từ khoa thi ấy, đến nay Trần Ân Triêm là nhà khoa bảng hiếm hoi còn lưu giữ lại được bằng Tiến sĩ. Vào tháng 8/2015, trong cuộc triển lãm tại Tử Cấm Thành - Đại nội Huế, nhiều tư liệu quý hiếm về thi cử được trưng bày. Trong đó, tấm bằng Tiến sĩ của Trần Ân Triêm khiến mọi người tò mò.

Theo đó, tấm bằng cấp cho Trần Ân Triêm (người xã An Lâm, huyện An Định chức Tri huyện, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, khoa thi Ất Mùi), vào năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), triều vua Lê Dụ Tông (trị vì từ năm 1705 đến 1729) do bộ Lại vâng mệnh nhà vua cấp văn bằng.

Bên cạnh tấm bằng tiến sĩ này còn có bản sắc phong cho Trần Ân Triêm, chức Triều liệt đại phu Quốc Tử Giám Tế tửu, khuôn mỹ thiếu bản trung liệt, vì đã có công trung thành, cần mẫn theo thánh chỉ, vào năm Long Đức thứ nhất (1732) dưới triều vua Lê Thuần Tông (trị vì từ năm 1732 đến 1735).

Năm 1716, Trần Ân Triêm giữ chức Cẩn sự lang giám sát ngự sử đạo Sơn Tây. Ông được các đại thần trong triều đề đạt nên được thăng chức Đông các hiệu thư. Năm 1724, Trần Ân Triêm đã có công, có tâm, có đức làm việc xứng với chức vụ, trung thành, cẩn trọng khi cùng với các quan khâm sai tiết chế các sứ đi kiểm tra các doanh trại thủy quân, bộ quân... và được thăng lên chức Đông các học sĩ.

Kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, Trần Ân Triêm luôn giữ được sự thanh sạch của vị quan văn, và được bá quan văn võ kính trọng. Năm 1732, với khả năng hoạt động trong triều chính và cách ứng xử “Trung quân ái quốc”, các quan trong triều đề nghị và ông được sắc chỉ phong Làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm 1734, ông tiếp tục được thăng chức “Liệt đại phu Quốc Tử Giám Tế tửu”, tước Khuông mỹ Thiếu doãn trung chế.

Thầy giỏi tuyển rể tài

Bia ký Hà Tông Huân – một trong 3 người con rể của Trần Ân Triêm.

Bia ký Hà Tông Huân – một trong 3 người con rể của Trần Ân Triêm.

Ngoài cương vị là một đại quan, Trần Ân Triêm còn nổi tiếng là một người thầy giỏi với những học trò xuất sắc. Trong số rất nhiều học trò thành danh của ông, phải kể đến Hà Tông Huân, Trịnh Đồng Giai và Đỗ Huy Kỳ. Cả ba người đều đỗ đại khoa, trong đó có 2 người vào bậc tam khôi đỗ đầu Đình nguyên là Hà Tông Huân và Đỗ Huy Kỳ.

Theo “Việt sử giai thoại”, nhận thấy 3 học trò của mình tư chất hơn người, Trần Ân Triêm muốn gả 3 cô con gái cho 3 học trò này và nghĩ ra cách kén rể. Hà Tông Huân vốn ở làng Kim Vực, thầy lấy chữ Kim (vàng); Trịnh Đồng Giai xuất thân làng Ngọc Hoạch, thầy mới trích chữ Ngọc; Đỗ Huy Kỳ quê làng Thử Cốc, thầy mượn chữ Cốc (ngũ cốc), rồi gọi 3 con gái vào hỏi.

Có 3 món lúa, ngọc và vàng, mỗi con chỉ được chọn một thứ. Sau lời ông nghè, cô cả chọn lúa, ông gả cho Đỗ Huy Kỳ. Cô thứ chọn ngọc, ông gả cho Trịnh Đồng Giai. Riêng cô út chọn vàng, thầy gả cho người vùng Kim Vực (làng vàng), tức Hà Tông Huân.

Sách “Công dư tiệp ký” chéo rằng, trong 3 chàng rể của ông nghè Trần Ân Triêm thì Hà Tông Huân là người thông minh, mẫn tiệp hơn cả, nhưng lúc còn trẻ lại rất ham mê cờ bạc. Một hôm, biết tin con rể đi đánh bạc, ông nghè sai người đi tìm. Hà Tông Huân về ngang qua ruộng nhà thì thấy bố vợ và mấy người con trai đang làm lụng rất vất vả.

Bố vợ giơ đòn lên toan đánh, nhưng rồi lại không nỡ, bèn ra cho vế đối, bảo phải lấy việc trước mắt mà đối, đối được mới tha cho. Vế đối như sau: “Học bác tài xa dự nhập tứ môn chi tuyển” (học rộng tài cao, dự cả 4 kỳ thi tuyển). Hà Tông Huân đối lại rằng: “Phụ canh tử nậu, kỳ thu bách mẫu chi công” (Cha cày, con bừa nên thu công cả trăm mẫu).

Dù lời đối chưa thật sắc sảo, bố vợ nghe thế cũng yên lòng nên tha cho. Tuổi trẻ nghịch ngợm, tuy nhiên sau khi thi cử đỗ đạt, trưởng thành, bước ra làm quan, Hà Tông Huân đã hoàn toàn thay đổi. Ông trở thành vị quan hết lòng vì nước, vì dân.

Hà Tông Huân sinh ra tại làng Vàng, xã Kim Vực (nay xã Yên Thịnh), huyện Yên Định. Năm 1724 đời Lê Dụ Tông, ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa thi đình. Vì khoa thi này không có Trạng nguyên và Thám hoa nên ông chính là người đỗ đầu (Đình nguyên Bảng nhãn). Người đương thời vẫn quen gọi ông là ông Bảng Vàng, tức là Bảng nhãn làng Vàng.

Hà Tông Huân được làm Thị thư viện Hàn lâm, sau đó ra Đốc đồng Sơn Nam, kế đó ra trấn thủ An Quảng. Hà Tông Huân giỏi giải quyết việc biên cương khiến người Trung Quốc phải khuất phục.

Con rể cả của ông nghè Trần Ân Triêm là Đỗ Huy Kỳ người Thử Cốc, nay là Phong Cốc, xã Xuân Minh (Thọ Xuân) đỗ Thám hoa năm 1731 niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3. Ông làm quan đến chức Tham nghị, rồi Thừa chính sứ Hải Dương, tước Hoa Nhạc bá.

Ông từng được triều đình cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Năm Cảnh Hưng Mậu Thìn (1748), sứ bộ của ông lên đường. Tuy nhiên, khi mới đi đến trạm Lã Côi (nay thuộc xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) thì lâm bệnh mất. Ông được triều đình thương tiếc, truy tặng chức Lễ bộ Hữu thị lang.

Con rể thứ ba của Trần Ân Triêm là Trịnh Đồng Giai người Ngọc Hoạch xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721), làm quan trải đến chức Hàn lâm viện Đãi chế.

Tấm bằng tiến sĩ cấp cho nho sinh Trần Ân Triêm, năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715).

Tấm bằng tiến sĩ cấp cho nho sinh Trần Ân Triêm, năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715).

Mở ra định chế mới ở tuổi về hưu

Tuy là một đại quan, một nhà giáo dục có nhiều công trạng trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước, nhưng Trần Ân Triêm luôn nghĩ đến thế hệ trẻ, muốn họ được cơ hội ra sức cống hiến cho triều đình và đất nước.

Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, phần Quan chức chí có chép rằng: Từ thời Lê trung hưng (tính từ Lê Thế Tông), thì lệ các quan văn võ đến 70 tuổi mới cho về hưu. Điều này cho thấy tuổi quan của quan lại thời Lê là rất cao. Theo quy định, viên quan nào đến 69 tuổi thì cuối năm làm tờ khải viện lệ bày xin, giao cho các quan bàn, trình lên Chúa Trịnh xem xét, để có thể thăng chức tước khi về hưu.

Một số trường hợp cụ thể có ghi lại về việc các quan trí sĩ đầu thời Lê trung hưng, như Thái phó Nguyễn Thực, Thiếu phó Nguyễn Minh Triết đều về hưu ở tuổi 80. Bồi tụng Thượng thư bộ Binh Nguyễn Khải về hưu khi đã 78 tuổi.

Thời Lê Dụ Tông, năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719), ra quy định là quan võ, thì nội giám từ đồng tri giám sự trở lên, 70 tuổi được cho về hưu, từ lục phẩm trở xuống thì cho cáo lão. Định lệ cho quan văn cũng tương tự.

Thời Lê Ý Tông, năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737), quan văn là Hàn lâm thừa chỉ Trần Ân Triêm 65 tuổi xin về hưu. Chúa Trinh vương Trịnh Giang chuẩn y cho. Từ đấy, các quan văn được về hưu từ 65 tuổi.

Sau khi về trí sĩ, Trần Ân Triêm hồi hương trở về nơi chôn rau cắt rốn, mở lớp dạy học và mất năm 70 tuổi. Nghe tin ông qua đời, vua Lê chúa Trịnh thương tiếc, thảo điếu văn cùng nhiều sắc chỉ thăng chức cho ông là Hữu thị lang bộ Công và cho phép thôn Châu Bối lập đền để phụng thờ.

Đền thờ Trần Ân Triêm hiện nay thuộc thị trấn Quán Lào. Đền thờ tọa lạc trên một khu đất đẹp, phía trước có dòng sông Ngọc Chùy, phía sau là dòng Mạn Định.

Theo tài liệu của gia đình, lúc sinh thời gia đình tiến sĩ Trần Ân Triêm sinh sống trong một ngôi nhà gỗ 3 gian lợp tranh. Hiện đền thờ còn giữ được 10 sắc phong, 2 lệnh chỉ, 1 cuốn công đức ghi công trạng của nhà khoa bảng Trần Ân Triêm trong suốt sự nghiệp làm quan và hoạt động giáo dục.

Cả 3 người con rể của Trần Ân Triêm đều là những người lỗi lạc, thi cử đỗ đạt, được triều đình bổ vào các chức vụ quan trọng, và đều có những cống hiến to lớn đối với triều đình và đất nước. Phần đáng quý trọng, đó là cả 3 con rể đều là học trò, được Trần Ân Triêm dạy dỗ, truyền thụ. Vì vậy, ngoài tình cha con, giữa họ còn tình nghĩa thầy - trò, trên - dưới. Thế nên họ cũng để lại những giai thoại bất hủ trong cách đối nhân xử thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ