Ba đời Tiến sĩ, công hầu một họ

GD&TĐ - Trong nhiều làng khoa bảng, dễ thấy việc đỗ đạt thường nối tiếp trong mạch nguồn dòng họ.

Làng Cổ Đôi xưa (xã Hoàng Giang nay) có tới 11 vị Tiến sĩ nho học.
Làng Cổ Đôi xưa (xã Hoàng Giang nay) có tới 11 vị Tiến sĩ nho học.

Ở làng khoa bảng Hoàng Giang (Nông Cống, Thanh Hóa) có dòng họ Lê Sỹ được vua khen: “Tiến sĩ ba đời lừng đất Việt/ Công hầu một họ ánh trời Nam”.

Làng Cổ Đôi (nay là xã Hoàng Giang) là đất phát khoa bảng nổi tiếng xứ Thanh. Với 11 vị Tiến sĩ, xuất thân chủ yếu từ các dòng họ khoa bảng đã phần nào chứng minh “sự học cũng có nếp nhà”. Trong số đó, nổi tiếng nhất là dòng học Lê Sỹ với bốn đời khoa bảng, ba đời kế tiếp đỗ đại khoa ghi danh trên văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Khuyến học thời xưa

Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Bảo - Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên làng khoa bảng Hoàng Giang chính từ những quy ước khuyến khích học tập, truyền thống giáo dục trong các gia đình, dòng họ.

Trong bản hương ước của làng đã dành những mục rất quan trọng để khuyến khích học hành khoa cử, như việc làm nhà học trên “vườn ký thí”, cung cấp tiền cho người đi thi và thưởng tiền, tổ chức ăn uống cùng nhiều đặc lợi khác cho người đỗ đạt.

Bản hương ước ở Hoàng Giang cho biết, những người học hành đỗ đạt không chỉ được làng xã trọng vọng, treo thưởng, mà con được miễn lao dịch. Hoàng Giang xưa có khu được gọi là “vườn ký thí” có từ thời Lê trung hưng.

Mỗi khi gần đến khoa thi, tất cả trai tráng trong làng cùng bỏ công sức, đóng góp về vật chất để làm nhà học, khu vườn rộng trên 1 sào đất (hơn 500m), được trồng cây kè, và các loại cây xà cừ để lấy bóng mát.

Khu mộ của Tiến sĩ Lê Sỹ Triệt.

Khu mộ của Tiến sĩ Lê Sỹ Triệt.

Nhà học được chia làm nhiều gian, mỗi gian dành cho một thí sinh đến luyện tập văn bài, cách ly gia đình vợ con để chuyên tâm vào văn chương, chữ nghĩa. Vào mỗi kỳ thi Hương, những người dự thi sẽ được làng cấp cho tiền lệ phí. Nếu thi cử đỗ đạt “nhất cử thành danh” thì sẽ được làng thưởng tiền ba quan, rượu một vò để làm lễ cáo yết tổ tiên.

Những người đỗ đại khoa vinh quy bái tổ, thì làng đứng ra phục dịch và có lễ khao, lễ tổ tiên và yết tạ ở miếu Thần Đồng. Những người đỗ đạt không chỉ được làng xã trọng vọng mà còn được hưởng nhiều phúc lợi khi tham gia việc làng hay khi trong nhà có việc hiếu, hỉ...

Chính những động lực đó đã thôi thúc các sĩ tử ra sức học hành để thành đạt. Nhờ vào việc coi trọng sự học của Hoàng Giang xưa, đã khuyến khích những người trong làng xã hăng hái học tập.

Từ đó, trong làng có nhiều người đỗ đạt cao từ Tiến sĩ đến Hương cống, Cử nhân. Những người đỗ đạt không chỉ góp phần làm rạng danh cho gia đình, dòng họ, mà còn góp sức không nhỏ cho triều đình, quốc gia, ghi danh vào lịch sử dân tộc.

Một làng có 11 Tiến sĩ

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Ất Sửu (1565) đời Lê Anh Tông ghi danh Lê Sỹ Trạch (Lê Nghĩa Trạch) đỗ Đệ nhị giáp Đồng chế khoa xuất thân.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Ất Sửu (1565) đời Lê Anh Tông ghi danh Lê Sỹ Trạch (Lê Nghĩa Trạch) đỗ Đệ nhị giáp Đồng chế khoa xuất thân.

Theo thống kê từ các nguồn đăng khoa lục, thời kỳ phong kiến huyện Nông Cống có 19 người đỗ đại khoa, riêng Hoàng Giang có tới 11 Tiến sĩ. Người đầu tiên là Đỗ Phi Tần (sinh năm 1508) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn niên hiệu Quảng Hòa thứ 4 (1544) đời vua Mạc Phúc Hải.

Sau khi đỗ đạt, ông làm quan dưới thời nhà Lê đến chức Thượng thư, hàm Thiếu bảo, tước Văn Trường bá. Sau khi mất, được tặng hàm Thái bảo, tước Nông Quận công.

Người thứ hai là Đỗ Tất Đại (sinh năm 1514) là em trai Đỗ Phi Tần, ông đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân khoa Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình 6 (1554) đời Lê Trung Tông. Ông làm quan đến chức Đông các đại học sĩ, tước Văn Hoành bá.

Người thứ ba là Đỗ Tế Mỹ (1535 - 1586) là con của Đỗ Tất Đại, ông đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Trị 8 (1565) đời Lê Anh Tông. Ông làm quan đến chức Tả thị lang bộ Hộ. Sau khi mất được phong tặng Thượng thư, gia phong Thái Bảo, tước Quận Công.

Tiếp đến là Lê Sỹ Trạch (1536 - 1614) có sách chép là Lê Nghĩa Trạch, 30 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Đồng chế khoa xuất thân khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Trị thứ 8 (1565) đời Lê Anh Tông. Ông làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang. Sau khi mất được tặng Thượng thư bộ Binh, Thái bảo, tước Nham Quận Công, gia phong Kiệt tiết tuyên lực công thần.

Lê Trất Dục (sinh năm 1570), năm 31 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi niên hiệu Hoàng Định 8 (1607) đời Lê Kính Tông. Ông làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu thảo.

Lê Sỹ Triệt (sinh năm 1612), có sách viết là Lê Nhân Triệt, ông là cháu của Lê Sỹ Trạch. Năm 29 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Dương Hòa 6 (1640) đời Lê Thần Tông. Ông làm quan đến chức Tả thị lang bộ Hình, tước Quế Hải hầu.

Năm Quý Mùi (1693) ông theo hầu Văn tổ nghị vương Trịnh Tráng phò giá vua Lê Thần Tông đi đánh giặc phương Nam. Năm Đinh Hợi (1647) lại theo hầu Dương vương Trịnh Tạc. Ông làm quan trải qua các chức Bồi tụng, Hữu thị lang bộ Hình, tước Quế Hải hầu trong triều đình Lê trung hưng.

Sau khi ông về trí sĩ được vua ban cho một cây cờ gấm, ngự chế 6 câu đối và một bài thơ vinh quy. Gia phả dòng họ Lê Sỹ còn ghi lại, trong đó có những câu như: Phụ tử đồng triều phu cộng khánh/ Quân thần tương hội ích hoàng công (Cha con đồng triều phúc vui chung/ Vua tôi đồng hội thêm cương trọng); Thiên tải huân danh thự trúc bạc/ Nhất môn quý thịnh hách quan thân (Sự nghiệp ngàn năm lưu sử sách/ Quý quyền một họ rạng quan thân). Sau khi ông mất được truy tặng chức Tả thị lang bộ Binh, tước hầu.

Lê Văn Hy (sinh năm 1631), sau đổi thành Lê Thuần Hy thi Hương đỗ giải Nguyên, 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ 2 (1659) đời Lê Thần Tông. Ông làm quan đến chức Hàn lâm Hiệu thảo.

Lê Chí Đạo (sinh năm 1624), cha Lê Chí Tuân đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân năm 1685. Năm 36 tuổi thi đỗ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ 2 (1659) đời Lê Thần Tông. Ông làm quan đến chức Giám sát, Tham chính.

Đỗ Công Liêm (sinh năm 1631), năm 41 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670) đời Lê Huyền Tông. Ông làm quan đến chức Cấp sự trung.

Lê Sĩ Cẩn (sinh năm 1643), cha Lê Sỹ Triệt, cháu tằng tôn Lê Nghĩa Trạch. Năm 36 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thân niên hiệu Vĩnh Trị 5 (1680) đời Lê Hy Tông. Ông làm quan đến chức Tham chính, thăng Tự Khanh, tước nam.

Người cuối cùng là Lê Chí Tuân (sinh năm 1649), năm 37 tuổi đỗ khoa sĩ vọng, Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Hòa 6 (1685) đời Lê Hy Tông. Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ.

Ba đời nối tiếp đỗ đại khoa

Đền thờ ba Tiến sĩ họ Lê tại xã Hoàng Giang.

Đền thờ ba Tiến sĩ họ Lê tại xã Hoàng Giang.

Trong số 11 nhà khoa bảng, Hoàng Giang tự hào có những dòng họ kế thế đăng khoa. Nổi tiếng trong vùng là họ Lê Sỹ có nhiều người đỗ đạt, thành danh. Người đỗ đại khoa đầu tiên của dòng họ là Lê Nghĩa Trạch, tuy nhiên, người đặt nền móng cho khoa bảng dòng họ lại là cụ Lê Chính Xác (1510 – 1583). Năm 31 tuổi thi tam trường đậu phó bảng. Cụ vốn là người thông minh, thông thiên văn, tường địa lý, được triều đình nhà Lê phong tặng “Kiệt tiết tuyên lực công thần”.

Lê Nghĩa Trạch chính là con trai của cụ, năm 30 tuổi thi Hội đậu Tiến sĩ đồng xuất thân nhậm chức Hàn lâm (1564). Ông là vị Tiến sĩ đầu tiên của dòng họ, làm quan dưới thời vua Lê Gia Tông, do có nhiều công lao được phong tới Binh bộ Thượng thư.

Khoa thi Canh Thân 1640, cháu ruột cụ Lê Nghĩa Trạch là Lê Sỹ Triệt thi Hội đậu đồng Tiến sĩ xuất thân nhậm chức Hàn lâm tiến triều. Nhiều năm ở chốn biên thùy, ông góp công lớn trong việc khôi phục, giữ gìn, mở mang bờ cõi cho đất nước, được tiến triều nhậm chức Đô Ngự sử, sau phong là Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần, là một trong những trụ cột triều đình.

Năm 1868, ông mất tại quê nhà, thọ 75 tuổi. Khi mất, ông được triều đình ban điếu lễ và 100 quan tiền, được các quan về dụ tế. Ông là người văn võ song toàn, cuộc đời gắn bó với biên cương, một thời cùng cha là Lê Nhân Giáp làm quan trong triều.

Văn bia ghi chép công lao, danh thứ người đỗ đạt của dòng họ Lê Sỹ tại đền thờ ba Tiến sĩ họ Lê.

Văn bia ghi chép công lao, danh thứ người đỗ đạt của dòng họ Lê Sỹ tại đền thờ ba Tiến sĩ họ Lê.

Năm 17 tuổi, Lê Sỹ Cẩn - con trai Lê Sỹ Triệt thi Hương đậu tứ trường ra làm quan, năm 1670 là Tham nghệ xứ Hải Dương. Năm 1672 đi dẹp giặc Thuần Quảng cùng cha chung một chiến hào đánh giặc. Năm Canh Thân 1680, khi Lê Sỹ Cẩn 38 tuổi mới về thi Hội, đậu Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, phụng lệnh đi dẹp giặc ở nhiều nơi, có công lớn được phong chức Tham tri Bộ binh và thủy binh.

Năm 1714, Lê Sỹ Cẩn cùng em là Lê Sỹ Tuyền lập gia phả khắc tên tổ tiên lên tấm bia đá 4 mặt đưa về tiền đường tại làng Phù Huệ, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống.

Với truyền thống nối tiếp nhau đỗ đạt có nhiều công lao trong bảo vệ giang sơn và chấn hưng đất nước, để ghi nhớ công ơn của một dòng họ đại khoa, năm 1680 vua Lê Thần Tông ban câu đối thêu trên gấm: “Tiến sĩ ba đời lừng đất Việt/ Công hầu một họ ánh trời Nam”.

Hiện nay, đền thờ 3 đời Tiến sĩ họ Lê nằm ở thôn Phù Huệ, xã Hoàng Giang, bên cạnh đó là văn bia 3 đời Tiến sĩ, ghi chép công lao, danh thứ người đỗ đạt, về phả hệ nhà họ Lê làm quan.

Cùng với dòng họ Lê Sỹ, ở Hoàng Giang còn có họ Đỗ với người khai khoa là Đỗ Phi Tần, đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn (1544), em trai là Đỗ Tất Đại đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân khoa Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình 6 (1554) đời Lê Trung Tông. Tiếp đến Đỗ Tế Mỹ (con trai Đỗ Tất Đại) đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Trị 8 (1565). Đây là trường hợp hiếm có dưới thời phong kiến - trong một gia đình có 3 người đỗ đại khoa anh em, bố con liền đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dịch vụ viết thuê tiểu luận uy tín