Có thể nói gặt vàng trên đấu trường quốc tế không còn xa lạ đối với học sinh Việt Nam, bởi năm nào học sinh Việt Nam đi thi cũng mang về thành tích tốt, nhưng cũng lâu rồi cơn mưa vàng mới mang lại nhiều cảm xúc... ông lý giải gì về điều này?
Đúng là không chỉ năm nay mà liên tục nhiều năm vừa qua, thành tích của học sinh Việt Nam đi thi ở các kỳ thi Olympic quốc tế đều rất ấn tượng. Dịp này hàng năm chúng ta đều liên tiếp đón nhận tin vui này.
Năm 2016, chúng ta đã thành công với 6/6 học sinh môn Toán đoạt huy chương gồm 1 Vàng, 2 Bạc, 3 Đồng; 5/5 học sinh Vật lý đoạt huy chương với 2 Vàng, 2 Bạc, 1 Đồng; 3/4 học sinh môn Hóa đạt huy chương với 2 Vàng, 1 Bạc, 4/4 học sinh môn Sinh học đạt huy chương, 1 Vàng, 1 Bạc và 2 Đồng, cả 6 học sinh Tin học đi thi cũng đoạt huy chương với 2 Vàng, 2 Bạc, 2 Đồng. So sánh như vậy để thấy năm nay các em đã có thành tích vượt bậc về số lượng Huy chương Vàng.
Yếu tố quan trọng để có được thành công đó trước hết là do chất lượng GD phổ thông đại trà của chúng ta được nâng lên, trên nền tảng đó thì chất lượng GD mũi nhọn của chúng ta có những phát triển vượt bậc.
Hơn 40 năm tham dự Olympic Toán học quốc tế, đoàn học sinh Việt Nam luôn mang về thành tích ấn tượng, nhưng năm nay thành tích ấn tượng hơn nữa khi tổng số điểm các em đạt được cao nhất trong lịch sử và em Hoàng Quốc Hữu Huy đã trở thành một trong những em đoạt thành tích cao nhất trong cuộc thi. Theo ông đâu là nguyên nhân để đạt thành tích này?
Ngoài những yếu tố ở trên tôi đã nêu, thì việc em Huy ở Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được thành tích xuất sắc này cho thấy không chỉ công tác phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi của các địa phương đã được làm tốt, công tác thi tuyển đã được đổi mới cả về nội dung và hình thức.
Chính vì vậy đã chọn được chính xác các em có năng lực tốt nhất để tham gia vào đội tuyển, hơn thế nữa còn tạo được động lực để cho các em học sinh này có năng lực tự tìm tòi, tự nghiên cứu, phát triển tiềm năng của các em.
Như vậy, công tác tuyển chọn đã làm tốt, không chỉ trang bị cho các em kiến thức chuyên sâu bộ môn mà còn khuyến khích để các em phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu và mỗi cá nhân có thể phát huy tiềm năng của các em đạt trình độ quốc tế. Điều đó có thể lý giải được em Huy đạt được thành tích cao như vậy.
Không chỉ Toán học mà Vật lý cũng đoạt được kết quả ấn tượng tại kỳ thi Olympic vừa qua và thành tích này của đội tuyển Olympic quốc tế đã khẳng định hướng đi đúng của ngành Giáo dục trong công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi thời gian qua. Hướng đi đó có gì nổi bật?
Công tác phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi vẫn luôn được chú trọng và là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Giáo dục. Điều đó thể hiện ở việc đầu tư phát triển hệ thống trường phổ thông chuyên trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay chúng ta có 80 trường THPT chuyên trên toàn quốc với chế độ chính sách rất cụ thể, chúng ta có cả một Thông tư 06 dành cho chế độ, chính sách phát triển trường chuyên.
Trong những năm vừa qua, việc đầu tư phát triển trường chuyên còn tiếp tục được tăng cường thông qua Đề án 959 của Chính phủ. Các trường chuyên đã được tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, từng bước tiệm cận được với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là việc phát triển đội ngũ nhà giáo của trường chuyên luôn luôn được quan tâm với những ưu đãi đặc biệt.
Bên cạnh đó, các nhà trường được từng bước giao quyền tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch của nhà trường. Trong việc đó, nhiều trường đã tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thực hiện chương trình, nhờ đó mà học sinh được tạo cơ hội bộc lộ hết những khả năng của mình trong học tập và công tác bồi dưỡng, phát hiện nhân tài.
Để có một đội tuyển tham dự Olympic quốc tế, thì các em phải trải qua rất nhiều vòng tuyển chọn, trong đó trước hết là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT. Những năm qua, kỳ thi này đã có những đổi mới để phù hợp hơn với yêu cầu đổi mới chung của toàn ngành. Ông có thể cho biết những đổi mới đó là gì?
Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục tôi vừa nói ở trên thì công tác thi học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển đi thi quốc tế trong nhiều năm qua đã được đổi mới hết sức quan trọng về cả nội dung và hình thức. Những đề thi vào đội tuyển quốc tế là những đề thi có tầm cỡ ngang tầm quốc tế, hình thức thi được đổi mới để đảm bảo tính tuyệt đối khách quan và minh bạch.
Trong phần thi thực hành, chúng ta càng nâng cao được chất lượng đối với các môn học thực nghiệm như Vật lý, Hóa học và Sinh học. Chính điều đó chúng ta đã lựa chọn được chính xác những học sinh có năng lực tốt nhất. Và trong quá trình bồi dưỡng cho đội tuyển đã làm cho các em phát huy được năng lực cao nhất của mình đi thi và đem lại vinh quang cho Tổ quốc.
Tự hào về thành tích không phải để chúng ta ngủ quên trên chiến thắng, chúng ta cần làm gì để giữ vững và phát huy những thành quả mà chúng ta đã đạt được? Ngành Giáo dục đang có những kế hoạch như thế nào để tiếp tục tạo ra những kỳ tích mới?
Mặc dù đã đạt được những thành tích chúng ta vừa mới kể, nhưng bao nhiêu năm nay chúng ta chưa bao giờ bằng lòng với những gì chúng ta đã đạt được. Để có được thành tích trên bền vững, chúng ta cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng GD phổ thông đại trà, trên nền tảng đó chúng ta mới làm tốt được chất lượng mũi nhọn để tập trung đào tạo, phát hiện những em có năng khiếu đặc biệt.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Chương trình GD phổ thông mới theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, với chương trình đó sẽ tạo điều kiện tốt hơn nữa cho việc thực hiện phương pháp giáo dục lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với thực tiễn để mỗi học sinh phát huy được năng lực bản thân và qua đó sẽ làm tốt hơn công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Đối với các trường phổ thông chuyên, Bộ trưởng đã chỉ đạo rất rõ trong nhiều hội nghị phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt quan tâm đến chất lượng đội ngũ để các giáo viên thực hiện tốt mục tiêu dạy học.
Xin cảm ơn ông!