Chia sẻ những thành tích nổi bật của các đoàn học sinh Việt Nam tham gia Olympic năm nay, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - đồng thời nhấn mạnh điều này khi trao đổi cùng báo Giáo dục và Thời đại.
Thành tích Olympic khẳng định những đổi mới giáo dục đúng hướng
- Năm nay, cả 3 đội thi Olympic quốc tế Toán học, Vật lí và Hóa học đều mang về thành tích cao nhất trong lịch sử dự thi Olympic quốc tế của Việt Nam. Ông có bất ngờ với thành tích này hay không?
Các đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic quốc tế các môn Toán học, Vật lí và Hóa học năm 2017 đạt được thành tích cao nhất từ trước đến nay.
Đội tuyển Toán học cả 6 thí sinh dự thi đoạt huy chương với 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng, đứng ở vị trí thứ 3;
Đội tuyển Vật lí cả 5 thí sinh dự thi đoạt huy chương, với 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, đứng thứ 5;
Đội tuyển Hóa học cả 4 thí sinh dự thi đoạt huy chương, với 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ.
Việc 100% thí sinh mỗi đội đoạt huy chương và đội tuyển vươn lên tốp đầu tại Olympic quốc tế các môn thi không bất ngờ với Bộ GD&ĐT.
Đây là kết quả của của những đổi mới trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trên cơ sở nâng cao chất lượng giáo dục đại trà để tạo điều kiện, tiền đề cho việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn theo định hướng của ngành giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.
- Thành tích này có ý nghĩa như thế nào với giáo dục Việt Nam, thưa ông?
Thành tích của các đoàn Olympic quốc tế năm nay có ý nghĩa về nhiều mặt.
Trước hết đây là sự tiếp nối kết quả dự thi thể hiện năng lực và nỗ lực vượt bậc của học sinh phổ thông Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế.
Đây cũng là minh chứng để khẳng định tuổi trẻ Việt Nam có đầy đủ năng lực, hoài bão để có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Thắng lợi hôm nay sẽ hun đúc ngọn lửa đam mê, giúp các em tiếp tục học tập, rèn luyện để mang tài năng và sức lực của mình cống hiến cho sự phát triển phồn vinh của quê hương đất nước.
Với Ngành Giáo dục, kết quả này một lần nữa đã khẳng định những đổi mới đúng hướng mà Ngành đã và đang triển khai, trong đó có chủ trương phát triển song song giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước.
Những yếu tố quan trọng dẫn tới thành công
- Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất giúp Việt Nam đạt được thành tích đỉnh cao ở nhiều môn thi trong kỳ thi Olympic quốc tế năm nay?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công của các đội tuyển Olympic năm nay, các nguyên nhân cơ bản là:
Thứ nhất, định hướng đúng đắn của Bộ GD&ĐT là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo đại trà để tạo điều kiện, tiền đề phát triển chất lượng mũi nhọn; chính sách đúng đắn của Bộ GD&ĐT trong việc phát triển hệ thống các trường THPT chuyên;
Thứ hai, là những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, đặc biệt là niềm đam mê khoa học và sự sáng tạo trong học tập, rèn luyện của các em học sinh trong các đội tuyển quốc gia;
Thứ ba, là những đổi mới trong công tác tuyển chọn học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, cụ thể như: Tổ chức thi các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế;
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác đề thi, coi thi, chấm thi các vòng chọn học sinh giỏi đảm bảo khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh để chọn được những học sinh giỏi nhất tham dự các đoàn học sinh giỏi khu vực và quốc tế.
Năm nay, các thí sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế đã mở rộng ra nhiều địa phương trong cả nước: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa thiên –Huế, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Bà rịa – Vũng tàu và Cần Thơ.
Thứ tư là những đóng góp của các thầy cô giáo, đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, đã tham gia bồi dưỡng, tập huấn và đưa các đội tuyển quốc gia dự thi; đã tạo điều kiện để các em tiếp xúc, làm việc với các phòng thí nghiệm hiện đại của các trường đại học, các Viện nghiên cứu; công tác tập huấn theo hướng tăng cường năng lực tự học, phát huy sáng tạo của học sinh;
Thứ năm, là sự quan tâm, chăm lo chu đáo, khích lệ động viên kịp thời từ cha mẹ học sinh, của các nhà trường, nhất là trường THPT chuyên và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, tập đoàn, doanh nghiệp,... đối với các em học sinh, các thầy cô giáo trong suốt quá trình học tập và thi cử.
Đầu tư đào tạo, sử dụng các học sinh đoạt giải Olympic quốc tế
- Thành tích của các học sinh Việt Nam trên “đấu trường” trí tuệ quốc tế khiến chúng ra tự hào. Nhưng điều quan trọng không dừng ở thành tích mà là chính sách để các em phát huy tài năng và cống hiến cho đất nước? Ông có thể chia sẻ về điều này?
Thành tích hôm nay của các em rất đáng tự hào, khích lệ. Tuy nhiên, dành huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế không phải là mục đích cuối cùng. Công tác đào tạo để các em tiếp tục thành công, cống hiến có hiệu quả trí tuệ của mình cho phát triển đất nước là mục tiêu quan trọng, lâu dài.
Bộ GD&ĐT đã có các chương trình học bổng thông qua các đề án để tạo điều kiện cho các em được đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước với các chuyên ngành phù hợp với năng lực của các em cũng như nhu cầu của đất nước.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nội dung về đầu tư cho công tác đào tạo, sử dụng các học sinh đoạt giải trong các Kỳ thi Olympic quốc tế.
Với kế hoạch này, các em đã đạt thành tích cao trong Kỳ thi Olympic quốc tế sẽ có thêm cơ hội để được đào tạo đại học, sau đại học ở các nước phát triển, giúp các em phát huy năng lực, trí tuệ để phục vụ đất nước trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông!