Vị thế của phụ nữ vùng cao Quảng Trị nâng lên nhờ được xóa mù chữ

GD&TĐ - Nhiều phụ nữ Pa Kô, Vân Kiều sau khi hoàn thành các lớp xóa mù chữ đã tự tin hơn, biết nắm bắt thông tin để áp dụng trong đời sống, sản xuất.

Phụ nữ các xã vùng Lìa Quảng Trị thu hoạch nông sản bán cho nhà máy. Ảnh: Hoàng Sỹ.
Phụ nữ các xã vùng Lìa Quảng Trị thu hoạch nông sản bán cho nhà máy. Ảnh: Hoàng Sỹ.

Biết chữ mang đến nhiều lợi ích

Bây giờ, đối với những phụ nữ Pa Kô, Vân Kiều sinh sống dọc các xã biên giới tỉnh Quảng Trị, việc biết chữ không còn là ước mơ quá xa xôi. Bởi hiện nay, việc tham gia các khóa học xóa mù chữ đã giúp chị em phụ nữ tự tin hơn, biết nắm bắt thông tin để áp dụng trong đời sống, sản xuất và nuôi dạy con cái.

Có thể nói rằng, việc mở các lớp xóa mù chữ cho phụ nữ không dừng lại ở việc giúp các chị em biết đọc, viết, hay biết ký tên mình, mà cao hơn là nhằm mục đích nâng cao dân trí, nhận thức cho người dân vùng biên giới.

Khi đã biết chữ, những phụ nữ vùng biên có cơ hội tiếp cận các thông tin khoa học để áp dụng vào đời sống, vào quá trình sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình. Mặt khác, những phụ nữ này có thể nuôi dạy con cái tốt hơn. Nhờ đó, vị thế trong gia đình lẫn ngoài xã hội của những phụ nữ vùng cao cũng được nâng lên.

Chị Hồ Thị Ngưm, trú tại xã Ba Tầng chia sẻ: “Bao nhiêu năm nay tôi luôn ao ước được đi học để biết con chữ. Muốn chính tay mình viết tên bản thân, tự kí tên khi làm thủ tục, giấy tờ vì xưa nay chỉ toàn lăn tay, điểm chỉ. Cả nhà ai cũng biết chữ, các con đều học giỏi và có giấy khen. Mình làm mẹ không biết chữ thì con cái ngại với bản làng lắm. Chính vì thế, từ khi cán bộ vận động, nhà trường mở lớp học xóa mù chữ tôi rất mừng và đã đăng ký tham gia ngay”.

Trước đây, do cuộc sống gia đình khó khăn, đông con nên chị Hồ Thị Ơn (38 tuổi, trú tại thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi) phải tập trung lo cơm ăn, áo mặc nên không có điều kiện học chữ.

Vào năm 2022, Đồn Biên phòng Ba Tầng (Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị) xây dựng kế hoạch, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các xã A Dơi, Ba Tầng (huyện Hướng Hóa) mở lớp “xóa tái mù chữ”, chị Ơn đã đăng ký tham gia.

Vài tháng sau, khóa học kết thúc, chị Ơn tự tin vì bản thân đã biết chữ, tiếp cận thông tin, chủ trương, chính sách của địa phương dễ dàng hơn.

“Trước đây, mình không biết chữ nên chỉ lăn dấu tay. Bây giờ, lên xã làm giấy tờ mình có thể tự tin ký tên vào các văn bản”, chị Ơn hồ hởi nói.

Đối với chị Hồ Thị Thoong, việc biết chữ mang đến cho chị nhiều ý nghĩa lớn lao hơn. 4 năm trước, chị Hồ Thị Thoong lấy chồng ở bản A Dơi Đớ rồi nhập quốc tịch Việt Nam. Ở tuổi 25, quanh năm với nương rẫy, làm việc nhà lại không biết đọc, biết viết tiếng Việt khiến chị Thoong phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

Chị Hồ Thị Thoong cho biết, may mắn được Nhà nước quan tâm, cho nhập Quốc tịch và được hưởng các chính sách để ổn định cuộc sống. “Tôi rất muốn được đi học để biết đọc và viết chữ Việt, biết được văn hóa, lối sống của địa phương, biết chữ để ký vào các giấy tờ. Mặt khác, biết chữ cũng sẽ có ích trong việc nuôi dạy con cái”, chị Thoong nói.

Phụ nữ vùng biên Quảng Trị hăng hái tham gia lớp xóa mù chữ.

Phụ nữ vùng biên Quảng Trị hăng hái tham gia lớp xóa mù chữ.

Chị Hồ Thị Nữ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã A Dơi cho biết, các lớp dạy chữ đã đáp ứng nguyện vọng của hầu hết chị em. Các chị rất muốn đi học chữ, nhưng nhiều năm qua do bận con cái, lo chuyện làm ăn nên chưa có cơ hội đến lớp.

Việc mở lớp dạy chữ cho chị em Pa Kô - Vân Kiều nhằm góp phần thúc đẩy sự bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phát triển kinh tế - xã hội. “Trước đây, các chị chưa đi học, chưa biết chữ, không biết tính toán thì hầu hết mọi việc đều giao cho chồng. Nay các chị biết quản lý trong gia đình, lo toan cho cuộc sống”, chị Nữ cho hay.

Huy động các ban ngành, đoàn thể tham gia xóa mù chữ

Thời gian qua, Sở GD&ĐT Quảng Trị với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCGD-XMC đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả công tác PCGD-XMC và đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Tại huyện Hướng Hóa, công tác xóa mù chữ luôn được chính quyền, đoàn thể quan tâm, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Phòng GD&ĐT phối hợp các Đồn Biên phòng, chính quyền địa phương đã tích cực triển khai xóa mù chữ. Nhờ đó đạt được những kết quả rất khả quan.

Trong công tác xóa mù chữ cho người dân các xã biên giới, lực lượng biên phòng đóng vai trò nòng cốt.

Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập (BĐBP Quảng Trị) cho biết, thực hiện kế hoạch xóa mù chữ, đơn vị phối hợp với Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hướng Lập xây dựng kế hoạch tổ chức lớp học xóa mù chữ cho một số người dân trên địa bàn. Lớp học được khai giảng và tổ chức thực hiện tại thôn Cù Bai, xã Hướng Lập. Lớp học do các thầy, cô giáo của nhà trường và cán bộ Đồn Biên phòng trực tiếp tham gia đứng lớp.

Lớp học có 21 học viên tham gia, chủ yếu là các mẹ, các chị đã lớn tuổi mù chữ hoặc tái mù chữ tham gia.

“Sau khi triển khai lớp học, đến nay cơ bản bà con tham gia đã biết đọc, biết viết, ý thức trách nhiệm trong tuyên truyền, giáo dục con cháu được phát huy. Ngoài việc phối hợp dạy học xóa mù chữ cho bà con, đơn vị còn phối hợp với địa phương, nhà trường tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật, tổ chức tiết học biên giới cho các em học sinh trên địa bàn”, Trung tá Hồ Lê Luận thông tin.

Hội LHPN xã A Dơi phối hợp Đồn Biên phòng Ba Tầng mở lớp xóa mù chữ.

Hội LHPN xã A Dơi phối hợp Đồn Biên phòng Ba Tầng mở lớp xóa mù chữ.

Đồng hành cùng lực lượng biên phòng, Hội phụ nữ các địa phương cũng tích cực phối hợp với ngành giáo dục để vận động chị em tham gia các lớp học xóa mù chữ.

Chị Y Theo – Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Tầng cho biết, được tham gia lớp học, các chị em đều rất phấn khởi. Các chị tham gia lớp học trong độ tuổi từ 18 - 55. Nhiều chị có con nhỏ trong độ tuổi đi học cũng đến lớp học chữ.

“Sau vài tháng đến lớp, các chị đã đọc và viết được tiếng Việt. Từ đó, các chị ứng dụng trong đời sống, biết tính toán chi tiêu và đặc biệt là biết trao đổi hàng hóa, cây trái, nông sản do mình làm ra đúng với giá trị của nó”, chị Y Theo chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ