Vị thế của Nga trong cuộc xung đột Nagorno - Karabakh

GD&TĐ - Sáng sớm 27/9, các đơn vị lực lượng vũ trang của Azerbaijan dùng máy bay và xe bọc thép tấn công vào các căn cứ quân sự của nước Cộng hòa “đòi độc lập từ Armenia” là Nagorno - Karabakh (NKR).

Nước Cộng hòa tự trị Nagorno - Karabakh nằm trong lãnh thổ của Azerbaijan.
Nước Cộng hòa tự trị Nagorno - Karabakh nằm trong lãnh thổ của Azerbaijan.

Hậu quả là hàng trăm người, trong đó có cả dân thường thiệt mạng. Đến nay, cuộc chiến giữa AzerbaijanArmenia vẫn tiếp diễn. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tin chắc, Matxcơva sẽ sử dụng quân đội để bảo vệ an ninh cho Armenia. 

Bài toán hóc búa 

Xét về mức độ dữ dội, trình độ kỹ thuật và thậm chí cả mức độ tham gia của các tác nhân bên ngoài, xung đột ở Nagorno - Karabakh lần này đã vượt xa lần đầu tiên cách đây 30 năm. Với Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan là đồng minh – “những người bạn thực sự”. Vấn đề cần giúp đỡ Azerbaijan đang được thảo luận ở Ukraine… Còn đối với Nagorno - Karabakh (Armenia), đồng minh là Hy Lạp, Síp và Ấn Độ.

Nếu cho rằng tất cả các quốc gia được liệt kê trên đây sẽ tham gia vào cuộc chiến là ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, tình hình sẽ trở nên đáng ngại nếu nhớ tới câu cửa miệng của Heydar Aliyev (người khai sinh ra Azerbaijan hiện đại), rằng quan hệ Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ - “Một dân tộc, hai nhà nước” đã trở thành phương châm hành động của hai quốc gia trong những ngày này.

Tổng thống thứ 12 của Thổ Nhĩ Kỳ-Erdogan đã chèn ép một số chính trị gia của “liên minh lớn thế giới”, đồng thời tuyên bố mục tiêu toàn cầu của Ankara: Thổ Nhĩ Kỳ là một đế chế mới kéo dài từ Balkan đến Trung Quốc.

Cả Azerbaijan và Armenia đều thuộc không gian hậu Xô Viết, vốn được coi là “sân sau” của Nga. Matxcơva có quan hệ tốt đẹp với Baku (thủ đô của Azerbaijan), Tổng thống V.Putin có quan hệ thân thiện với người đồng cấp Ilham Aliyev (Tổng thống Azebaijan) và phần lớn vũ khí của
Azerbaijan có xuất xứ từ Nga…

Trong khi đó, Armenia là thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU) và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu. Trong trường hợp Armenia bị tấn công, Nga không thể khoanh tay đứng nhìn.

Nếu liên minh Azerbaijan - Thổ Nhĩ Kỳ giành chiến thắng trong chiến dịch này, việc gia tăng ảnh hưởng của Ankara ở khu vực là chắc chắn. Mặt khác, Nga có thể mất Armenia, bởi trong trường hợp nước này thất bại, thất vọng về Nga với tư cách một đồng minh địa chính trị là rất lớn.

Khi đó, rất có thể Yerevan (thủ đô của Armenia) sẽ vội vã tìm kiếm một đồng minh khác đáng tin cậy hơn. Và không chỉ Armenia, các đồng minh khác của Nga sẽ nghĩ gì về “người anh cả” của họ trong khối CSTO? Tuy nhiên, nếu Nga đưa quân vào trợ giúp Armenia theo thỏa thuận của CSTO, Azerbaijan sẽ vĩnh viễn rơi vào vòng tay của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh xung đột ngày càng leo thang, các Tổng thống Nga, Pháp và Mỹ đã kêu gọi các bên tham chiến ở Nagorno - Karabakh chấm dứt bạo lực và ngồi xuống bàn đàm phán.

Tuy nhiên, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố, không thể thực hiện điều này cho đến khi chưa đạt được mục tiêu (trả lại Nagorno - Karabakh cho Baku). Đối tác và là đồng minh quan trọng của ông Aliyev - Tổng thống Erdogan thậm chí còn tuyên bố cần phải giải quyết vấn đề Armenia “một lần và mãi mãi”.

Về phía Armenia, trên trang Facebook của mình, Thủ tướng Nikol Pashinyan đã công bố một đoạn video về thông điệp của ông với quân đội, trong đó ông kêu gọi “phải giải quyết dứt điểm vấn đề Karabakh”. “Chúng ta không thể để vấn đề này lại cho các thế hệ sau… Chúng ta phải bảo vệ an ninh cho người dân, cho quyền lợi của chúng ta” - Nikol Pashinyan tuyên bố. Để làm gương, người con trai vừa xuất ngũ của Thủ tướng đã trở lại Nagorno - Karabakh với tư cách là một tình nguyện viên.

Giải pháp nào cho Matxcơva?

Một ngôi nhà ở Nagorno - Karabakh bị trúng pháo kích của Azerbaijan. Ảnh: The Moscow Times
Một ngôi nhà ở Nagorno - Karabakh bị trúng pháo kích của Azerbaijan.     Ảnh: The Moscow Times

Matxcơva luôn coi Nam Caucasus là khu vực địa chính trị và ảnh hưởng của mình nên kêu gọi giải quyết xung đột thông qua đối thoại - giải pháp vốn được sử dụng khá hiệu quả trong việc giải quyết các cuộc xung đột ở Nagorno - Karabakh trong 30 năm qua.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Nga tiếp tục thực hiện các nỗ lực hòa giải tích cực nhằm mục đích chấm dứt ngay lập tức các hành vi thù địch trong và xung quanh Nagorno - Karabakh, nối lại quá trình đàm phán dựa trên các nguyên tắc cơ bản hiện có và các văn bản pháp lý quốc tế”.

Ngay từ khi xung đột vừa nổ ra, Tổng thống Nga V. Putin đã kiểm soát tình hình và tổ chức ba cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, trong đó ông “nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và nối lại các nỗ lực chính trị và ngoại giao để giải quyết xung đột”. 

Ngày 9/10, với vai trò trung gian, Nga đã mời Ngoại trưởng Azerbaijan và Ngoại trưởng Armenia tới Matxcơva đàm phán nhằm đạt được một giải pháp hòa bình. Tại cuộc đàm phán này, các bên đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn ở Nagorno - Karabakh có hiệu lực từ trưa ngày 10/10.

Điều đáng tiếc là ngay sau đó, dưới áp lực của Thổ nhĩ Kỳ, Azerbaijan phá bỏ lệnh ngừng bắn và cuộc chiến ở Nagorno - Karabakh vẫn diễn ra nhưng theo chiều hướng khốc liệt hơn. Hãng TASS của Nga đưa tin, Tổng thống Ilham Aliyev tuyên bố quân đội Azerbaijan đã giải phóng được hơn 40 khu định cư, chiếm khoảng một nửa lãnh thổ Nagorno - Karabakh.

Xác định, Thỗ Nhĩ Kỳ là chỗ dựa vững chắc của Azerbaijan trong quyết định tấn công Nagorno - Karabakh, ngày 14/10, Tổng thống V.Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Theo tin từ Điện Kremlin, “tình hình trong khu vực xung đột Nagorno - Karabakh đã được thảo luận chi tiết. Cả hai bên đều tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn”. 

Nga không đơn phương trong vai trò trung gian hòa giải, họ tiến hành các cuộc tham vấn ngay lập tức về vấn đề này với Pháp và Hoa Kỳ (các quốc gia đồng chủ trì Nhóm OSCE Minsk về Nagorno - Karabakh). Các Tổng thống V. Putin, Donald Trump và Emmanuel Macron đã ra một tuyên bố chung “lên án mạnh mẽ sự leo thang bạo lực đang diễn ra trên đường biên tại khu vực xung đột Nagorno – Karabakh”. 

Theo các nhà phân tích, áp lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, trong đó, Nga giữ vai trò nòng cốt chắc chắn sẽ chặn đứng cuộc xung đột ở Nagorno - Karabakh, dập tắt nguy cơ xung đột lan rộng trong khu vực.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần ngọn của sứ mệnh giải quyết cuộc xung đột dai dẳng này. Điều quan trọng, Azerbaijan và Armenia phải đạt được những thỏa thuận cốt lõi, bởi Nagorno - Karabakh là vùng đất hết sức nhạy cảm, không khác gì Crưm trong quan hệ giữa Nga và Ukraine.             

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.