Vị Thám hoa làm mình điếc giữa thời nhiễu loạn

GD&TĐ - Thám hoa Trần Đình Thám cho rằng, thời vua tôi không thật bụng với nhau, thì sự ngờ nghệch đui điếc chính là chiếc áo giáp che chắn những con mắt cú vọ.

Lăng mộ của Tiến sĩ Đào Toàn Bân - thầy dạy của Thám hoa Trần Đình Thám.
Lăng mộ của Tiến sĩ Đào Toàn Bân - thầy dạy của Thám hoa Trần Đình Thám.

Học trò của danh sĩ Đào Toàn Bân

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trần Đình Thám (còn gọi là Trần Đình Thâm và Trần Đình Tham) có tên hiệu là Hủ Phố. Ông là nhà thơ và làm quan trong triều đình nhà Trần ở cuối thế kỷ 14. Quê ông ở làng Phúc Đa, xã Chí Tri, huyện Đông Triều (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh).

Sử liệu ghi chép khá ít ỏi về Thám hoa Trần Đình Thám, cho nên đến nay giới sử học vẫn chưa có manh mối kết luận về năm sinh và năm mất của ông. Một số nguồn sử đăng khoa ghi rằng, năm Giáp Dần (1374) niên hiệu Long Khánh năm thứ 2, đời vua Trần Duệ Tông tổ chức thi Đình, ban cho Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ Bảng nhãn, Trần Đình Thám đỗ Thám hoa.

Đối chiếu qua các tài liệu lịch sử, ba vị tam khôi trong kỳ thi này đều là học trò của danh sĩ Đào Toàn Bân. Dù làm quan to, nhưng Đào Toàn Bân vẫn dành thời gian dạy học. Thời đấy trường học còn ít, thầy giáo cũng hiếm, nên nhiều người đỗ đạt vẫn tham gia dạy học. Ông nói với học trò rằng bể học mênh mông trong khi đời người có hạn, nên tận dụng thời gian để học tập.

Đào Toàn Bân dạy học ở nhà, trong số các học trò có cả con trai ông là Đào Sư Tích. Năm 1374, triều đình mở khoa thi, cả kinh thành chấn động vì danh hiệu tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) đều lọt vào tay học trò của Đào Toàn Bân. Trạng nguyên thuộc về con trai ông là Đào Sư Tích, Bảng nhãn là Lê Hiến Phủ, Thám hoa là Trần Đình Thám. Còn một học trò khác của ông cũng đỗ tiến sĩ.

Sự kiện này được “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi chép như sau: “Giáp Dần năm thứ 2 (1347), Minh Hồng Vũ năm thứ 7. Mùa Xuân, tháng 2, Thượng hoàng về ở cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường. Tổ chức thi Đình cho các tiến sĩ. Ban cho Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ Bảng nhãn, Trần Đình Thám đỗ Thám hoa, bọn La Tu đỗ Hoàng giáp cập đệ và đồng cập đệ. Tất cả đều được ban yến và áo xếp, cho quan chức theo thứ bậc khác nhau. Dẫn ba vị đỗ đầu đi chơi phố 3 ngày”.

Kỳ thi năm Giáp Dần (1374), Trần Đình Thám cùng hai bạn đồng môn là Đào Sư Tích và Lê Hiến Phủ lần lượt chiếm bảng tam khôi. Ảnh minh họa: INT.

Kỳ thi năm Giáp Dần (1374), Trần Đình Thám cùng hai bạn đồng môn là Đào Sư Tích và Lê Hiến Phủ lần lượt chiếm bảng tam khôi. Ảnh minh họa: INT.

Nhà vua khen ngợi tặng hai cha con ông bức trướng có đề 5 chữ: “Phụ tử đồng đăng khoa”, tức hai cha con cùng thi đỗ.

Đào Toàn Bân cũng được Thượng hoàng nhà Trần rất tin tưởng. Nhà Trần có lệ khi Thái tử trưởng thành thì vua nhường ngôi cho con rồi lên làm Thượng hoàng, lui về ở Thiên Trường.

Đào Toàn Bân làm quan tại Thiên Trường, được cho phép xây dựng Hành cung của mình ở kế Cung Thiên Trường, lại được phong cho thái ấp làm bổng lộc ở Cổ Lễ (Nam Định).

Sau khi đỗ đạt, Trần Đình Thám được triều Trần bổ nhiệm chức quan Trung thư thị lang kiêm Tri thẩm hình viện sự, sau đó thăng dần lên Ngự sử trung tán, quyền Giám tu Quốc sử.

Năm 1376, chúa Chiêm là Chế Bồng Nga mang quân xâm lấn, đánh vào vùng Hóa Châu (Nghệ An). Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đi đánh, Chế Bồng Nga sợ hãi, xin dâng 10 mâm vàng tạ tội. Nhận vàng, Đỗ Tử Bình liền giấu vua Trần mà lấy làm của riêng, lại còn bịa đặt tâu vua rằng Chế Bồng Nga vô lễ, cần phải đem quân đi hỏi tội. Duệ Tông tưởng thật, giận lắm, cất quân đi đánh Chiêm Thành ngay.

Tháng 1 năm Đinh Tỵ (1377), vua Trần Duệ Tông thân cất quân Đại Việt đi đánh Chiêm Thành. Sau khi đánh dẹp nhiều đồn lũy của đối phương, quân Trần vây thành Đồ Bàn - kinh đô vua Chiêm. Thấy khó chống, quân Chiêm bèn lập mưu cho người trá hàng nói Chế Bồng Nga đã bỏ trốn và chấp nhận mất thành.

Vua Duệ Tông trúng kế, ra lệnh tiến quân vào thành. Khi quân Đại Việt đến chân thành thì quân Chiêm từ 4 phía đổ ra đánh. Đại quân của vua Duệ Tông vỡ trận đại bại, bản thân vua chết trong đám loạn quân. Cái chết giữa thành Đồ Bàn khiến vua Trần Duệ Tông trở thành vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam chết trên chiến trường.

Đi sứ bốn phương, rạng danh quốc thể

Sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá Trần Đình Thám 'đi sứ bốn phương không làm nhục mệnh vua'. Ảnh minh họa: INT.

Sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá Trần Đình Thám 'đi sứ bốn phương không làm nhục mệnh vua'. Ảnh minh họa: INT.

Các nhà sử học sau này đã có nhiều phán xét trái ngược nhau. Có ý kiến cho rằng, Trần Duệ Tông đáng chê trách vì sự hiếu thắng và chủ quan khinh địch dẫn đến hậu quả thảm khốc cho quân đội Đại Việt. Nhưng cũng có người khẳng định Duệ Tông phải được kính trọng vì bản lĩnh, khí phách và cái chết cho lý tưởng chấn hưng dân tộc.

Có một điều không thể phủ nhận, cái chết của vua Duệ Tông là một bước ngoặt lịch sử lớn đối với nhà Trần, và thậm chí là cả tiến trình lịch sử của dân tộc. Sau cái chết của ông, những người kế vị đều tỏ ra nhu nhược, triều đình ngày càng hỗn loạn. Vua anh Nghệ Tông vốn hoàn toàn dựa vào ông, nay phải dựa vào Hồ Quý Ly - kẻ quyền thần nắm quyền thao túng triều chính và sau này đã làm sụp đổ hoàn toàn cơ nghiệp nhà Trần.

Không còn một người cứng rắn như Trần Duệ Tông, quân Chiêm Thành được thể ngày càng lấn tới, trở thành một mối họa cho Đại Việt. Vua Trần Nghệ Tông tỏ ra bất lực hoàn toàn, sau này hễ Chế Bồng Nga tiến đánh lên phía Bắc là chỉ biết cùng Hồ Quý Ly bỏ thành tháo chạy.

Sau khi vua Duệ Tông tử trận, Thượng hoàng Nghệ Tông (tức anh của Trần Duệ Tông) lập con trưởng của vua là Kiến Đức đại vương Trần Hiện lên ngôi hoàng đế, tự xưng Giản Hoàng, tức Trần Phế Đế. Tháng 9, triều đình họp bàn cử sứ giả sang cáo phó với nhà Minh, nói là vua đi tuần ngoài biên giới bị chết đuối và báo tin lập vua mới.

Quan tư đồ Trần Nguyên Đán xin nhà vua cử người cao nhã, có tài biện bác sắc sảo, có bản lĩnh kiên cường, lại biết cả tiếng người Minh nữa, để không chỉ làm việc nghi lễ, mà còn phải dò tìm thêm ý tứ người Minh đối với nước ta, sau cùng chọn Trần Đình Thám đi sứ.

Đi sứ chuyến ấy, đoàn sứ Đại Việt do Thám hoa lang Trần Đình Thám dẫn đầu, hết đi ngựa lại đi thuyền ròng rã 6 tháng mới đến được thành Yên Kinh. Tới nơi, cả sứ đoàn phờ phạc ốm đứng ốm ngồi, non nửa tháng mới xin ra mắt Minh Hồng Vũ (niên hiệu của vua Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương, sau khi đánh bại nhà Nguyên lập ra nhà Minh và ở ngôi 31 năm từ 1368 - 1398).

Sứ đoàn Đại Việt dâng biểu thăm hỏi của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông, cùng danh mục các thứ đồ tiến cống lên vua Minh. Tiếp đó là biểu cáo phó việc vua Trần Duệ Tông đi tuần ngoài biên cương bị chết đuối, cùng với biểu xin tấn phong cho vua mới.

Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép lại sự việc này như sau: Triều đình sai Trần Đình Thám sang cáo phó với nước Minh và nói rằng Trần Duệ Tông đi tuần biên giới bị chết đuối và báo tin lập vua nối ngôi.

Người Minh từ chối việc đến viếng, lấy cớ rằng có ba thứ chết không có lễ viếng. Đó là chết vì sợ, hai là chết vì bị đè và ba là chết đuối. Đình Thám cãi lại, nói rằng người Chiêm gây loạn quấy nhiễu ở biên cương, còn Trần Duệ Tông có công chống nạn cứu dân, sao lại không viếng?

Bấy giờ vua Minh đang có âm mưu muốn thôn tính nước ta, định lợi dụng sơ hở đó để xua quân sang xâm chiếm. Nhưng ngay khi đó, Thái sư của nhà Minh là Lý Thiện Trường đã can rằng: Em chết vì nạn nước mà anh lập con của em lên, xem việc người như vậy thì có thể biết được mệnh trời. Việc ấy bèn bỏ đi.

Di tích thành Đồ Bàn còn gọi là Vijaya - nơi vua Trần Duệ Tông tử trận.

Di tích thành Đồ Bàn còn gọi là Vijaya - nơi vua Trần Duệ Tông tử trận.

Sau khi về nước, Trần Đình Thám được nhà vua thăng làm Trung thư thị lang và kiêm Tri thẩm hình viện sự. Lúc ấy, Hồ Quý Ly được Thượng hoàng Nghệ Tông tin dùng, thâu tóm quyền hành sai khiến thiên hạ.

Mượn danh nghĩa Nghệ Tông, thảo chiếu “cầu lời nói thẳng”, soạn sách Minh Đạo. Khi đó, Trần Đình Thám đang giữ chức quan Tri thẩm hình viện sự, đáng ra nắm trong tay mọi điều cơ mật của đất nước, nay chỉ là hữu danh vô thực, mọi quyền hành đều thuộc về phủ Thái sư do Hồ Quý Ly đứng đầu.

Nhận chiếu cầu lời nói thẳng, ông cùng Đào Sư Tích, Lê Hiến Phủ, Bùi Mộng Hoa, Đoàn Xuân Lôi bàn đối sách. Tất cả cùng quyết chí nói toạc âm mưu soán đoạt của Hồ Quý Ly và tội ác của cha con họ Hồ, nhằm chặn đứng âm mưu của Hồ Quý Ly và cảnh tỉnh Thượng hoàng.

Nhận tấu sớ hồi âm, cha con Hồ Quý Ly âm mưu trị tội những sĩ phu đã thẳng thắn vạch tội họ. Thoạt tiên là một người trong hoàng tộc, Thám hoa Trần Đình Thám bị biếm chức, từ hàng tam phẩm xuống hàng bát phẩm và bị đi đày Viễn Châu với tội trạng tiết lộ cơ mật.

Sau sự cố 'nói thẳng', Thám hoa Trần Đình Thám cùng một số sĩ phu bị xử tội. Ảnh minh họa: INT.

Sau sự cố 'nói thẳng', Thám hoa Trần Đình Thám cùng một số sĩ phu bị xử tội. Ảnh minh họa: INT.

Phẫn uất, Trần Đình Thám tự tay chọc thủng màng tai để không còn phải nghe bất cứ điều gì từ triều đình mà ông cho là thối tha nữa, ông thường thổ lộ với bạn bè rằng: Cái thời mà vua tôi không thật bụng với nhau, thì sự ngờ nghệch đui điếc lại chính là chiếc áo giáp che chắn những con mắt cú vọ của bọn thám tử triều đình.

Việc làm của ông bị trung thừa là Đồng Thức tố giác nên bị giáng làm Đồng giám tu quốc sử bí thư án. Tiếp sau lần lượt Đào Sư Tích, Đoàn Xuân Lôi, Lê Hiến Phủ đều bị xử tội, riêng Bùi Mộng Hoa tự vẫn để bảo toàn khí tiết.

Tiếc rằng cho đến nay, lịch sử vẫn chưa thể làm rõ năm sinh, năm mất cũng như hành trạng của Thám hoa Trần Đình Thám về sau này. Riêng tại Nam Định, có một con phố mang tên Trần Đình Thâm (Thám) để ghi công cùng những đóng góp của nhà khoa bảng đối với đất nước.

Về chuyến đi sứ nhà Minh của Trần Đình Thám, sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bình trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”: Kẻ sĩ lúc bé đi học là muốn biết những điều lớn lên mình sẽ làm, rồi lớn đi làm tức là làm những điều mình đã học, học ba trăm bài thơ trong Kinh Thi đi sứ bốn phương không làm nhục mệnh vua.

Đình Thám là người được như thế đó. Huống chi gặp thời gian thần tiếm vị, cướp ngôi, lại biết tự giấu mình để tránh quyền vị, thực đáng gọi là kẻ sĩ, không phụ với học vấn của mình vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ