Hiện, các nhà trường triển khai song song 2 chương trình giáo dục (năm 2006 và năm 2018); tương ứng với đó là các quy định kiểm tra, đánh giá. Cụ thể, lớp thực hiện Chương trình GDPT 2006 ở tiểu học, hoạt động kiểm tra, đánh giá theo quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT. Lớp tiểu học thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT. Với giáo dục trung học, lớp học thực hiện chương trình 2006 áp dụng quy định về kiểm tra, đánh giá theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT; lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo quy định tại Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT.
Quan điểm hiện đại về kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh chú trọng đến đánh giá quá trình để phát hiện kịp thời sự tiến bộ của học sinh và vì sự tiến bộ của các em; từ đó điều chỉnh, tự điều chỉnh kịp thời hoạt động dạy - học. Quan điểm trên thể hiện ở việc coi mỗi hoạt động đánh giá như là học tập và đánh giá vì học tập của học sinh. Ngoài ra, đánh giá kết quả học tập cũng được thực hiện tại thời điểm cuối quá trình giáo dục để xác nhận những gì học sinh đạt được so với chuẩn đầu ra. Điều này được thể hiện rõ trong các thông tư quy định về kiểm tra, đánh giá khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Riêng với trung học, Thông tư 22 (trong đó có các điểm mới, từ mục đích đánh giá, nội dung, hình thức đánh giá…) đã đi vào cuộc sống sau một năm triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 6. Phản hồi từ giáo viên, cơ sở giáo dục là tích cực, cho thấy học sinh hứng thú với việc học. Các em được thể hiện bản thân và học tốt các môn theo năng lực của mình. Giáo viên nắm bắt được tiến trình học tập của học sinh, đánh giá và thúc đẩy sự tiến bộ của từng em.
Bên cạnh đó, từ thực tiễn triển khai, một số giáo viên các bộ môn vừa nhận xét, vừa cho điểm còn lúng túng khi thực hiện và mong được hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn. Tiêu chí đánh giá mới, hình thức mới nên thầy cô mong muốn được tập huấn, hướng dẫn kỹ lưỡng hơn nữa công tác ra đề, xây dựng ma trận đề thi phù hợp với tiêu chí đánh giá…
Có thể thấy, mặc dù với những mục đích khác nhau, nhưng các hoạt động kiểm tra, đánh giá trong dạy học đều thực hiện bốn chức năng cơ bản: Định hướng, tạo động lực, phân loại và cải tiến dự báo ở những mức độ khác nhau. Thực hiện hiệu quả đổi mới kiểm tra, đánh giá có vai trò vô cùng quan trọng của người trực tiếp dạy học.
Ngay trong quá trình lập kế hoạch, triển khai từng đơn vị bài giảng, thầy cô cần liên tục thu thập thông tin về người học và hoạt động học tập để tự điều chỉnh quá trình dạy học nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Hoạt động đánh giá càng phù hợp, người dạy càng thu được thông tin tin cậy, có giá trị; từ đó thực hiện được mục đích của đánh giá vì sự tiến bộ của người học. Thêm đó, đánh giá năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề/tình huống thực tiễn cần tăng cường hơn nữa.
Với các cấp quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện quy chế nhằm thực hiện hiệu quả kiểm tra, đánh giá theo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất và vì sự tiến bộ của HS. Hoàn thiện quy trình kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học, bảo đảm sự phù hợp, thuận tiện trong thực hiện và kiểm tra, giám sát quá trình, kết quả đánh giá; bảo đảm tính khoa học, chính xác, công khai, minh bạch.
Tăng cường đổi mới quản lý việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục theo hướng phân cấp, giao quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục; củng cố kỷ cương, nền nếp trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi. Giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục và giáo viên trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ...