Trong những năm qua, kiểm tra, đánh giá có nhiều đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Hình thức đánh giá đa dạng hơn; giáo viên có thể sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá. Yêu cầu về số đầu điểm kiểm tra cũng giảm đi, từ đó giảm bớt áp lực cho học sinh.
Đơn cử, Thông tư 22 về đánh giá học sinh trung học quy định đánh giá định kỳ chỉ gồm đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ. Như vậy, mỗi môn học ở trung học chỉ có 4 đầu điểm kiểm tra định kỳ, bên cạnh các điểm kiểm tra thường xuyên; việc kiểm tra cũng đa dạng, linh hoạt và giao chủ động cho giáo viên.
Ở tiểu học, Thông tư 27 quy định chỉ có bài kiểm tra định kỳ vào cuối học kỳ I và cuối năm học đối với các môn học bắt buộc (Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ); với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I, giữa học kỳ II.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, hình thức dạy học thay đổi. Các nhà trường linh hoạt giữa dạy học trực tiếp, trực tuyến, hoặc kết hợp đồng thời trực tiếp và trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh. Kiểm tra, đánh giá bởi vậy cũng có những xáo trộn nhất định.
Trên bình diện chính sách chung, Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý, tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên cho phép đánh giá định kỳ theo hình thức trực tuyến trường hợp học sinh không thể đến trường tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
Nếu như trước đây, hầu hết các trường đều “trung thành” với bài kiểm tra viết trên giấy, thì điều kiện dịch bệnh là cú hích thúc đẩy nhiều nơi mạnh dạn áp dụng hình thức kiểm tra đa dạng. Không ít trường sử dụng sản phẩm học tập (bài luận/ bài tập/ kết quả dự án học tập, đề tài nghiên cứu…) thay cho bài kiểm tra định kỳ. Thời gian kiểm tra cũng hết sức linh hoạt, các cơ sở giáo dục được chủ động, căn cứ tình hình thực tiễn của nhà trường để quyết định thời gian tổ chức kiểm tra phù hợp…
Mặc dù vậy, trên thực tế, do điều kiện của từng cơ sở giáo dục, kiểm tra đánh giá trực tuyến đâu đó không hẳn được “xuôi chèo, mát mái”, đặc biệt ở thời kỳ đầu dịch bệnh. Nguyên nhân ở hạ tầng công nghệ; lo lắng chưa đủ điều kiện để bảo đảm tính khách quan, công bằng; lúng túng trong ra đề kiểm tra; thêm nữa là thay đổi thói quen khiến cả cô và trò đều có cảm giác áp lực trước một hình thức kiểm tra mới mẻ.
Cũng cần nói đến những xáo trộn quá lớn vì dịch bệnh khiến nhiều học sinh bị tác động nặng nề đến tâm sinh lý, trở nên nhạy cảm, đặc biệt với các áp lực. Đã có một số sự việc đáng tiếc xảy ra với các em, mà nguyên nhân được cho là áp lực học hành, thi cử. Bởi vậy, sự thấu hiểu của nhà trường, thầy cô, gia đình về ý nghĩa hoạt động kiểm tra đánh giá; đồng cảm và quan tâm sát sao học trò vô cùng quan trọng; để làm sao kiểm tra, đánh giá không phải tạo áp lực và thực sự là vì sự tiến bộ của học trò.