Vì sao xe hợp đồng trá hình vẫn khó xử lý?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo cơ quan quản lý Nhà nước, một trong những khó khăn trong xử lý vi phạm xe hợp đồng trá hình là các chế tài về xử lý vi phạm còn chưa mạnh.

Toàn cảnh buổi toạ đàm.
Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Mới đây, tại buổi tọa đàm "Quản lý xe hợp đồng, nâng chất lượng vận tải khách: Cần siết hay mở?", các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra nhiều nhận định về việc bùng nổ "xe dù bến cóc" và bài toán quản lý xe hợp đồng.

Nở rộ xe hợp đồng "trá hình"

Theo ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), trong dịch Covid-19, việc đi lại của người dân hạn chế nên một số đơn vị lợi dụng sơ hở để chở hàng, chở người. Sau dịch thấy có lợi thì phát triển rộng. Nguyên nhân xe dù, bến cóc phát triển mạnh là do công tác quản lý chưa kịp thời bám sát thực tiễn.

Có một số ý kiến cho rằng, việc bố trí hướng tuyến xe kinh doanh vận tải theo hướng Bắc - Nam - Đông - Tây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe dù, bến cóc phát triển, ông Lập cho rằng: "Quan điểm này chưa đúng".

Theo ông Lập, ngày xây dựng lộ trình, rất nhiều các cơ quan của Hà Nội đã cùng vào cuộc mới đưa ra được kế hoạch. Mục đích lớn nhất là để giảm tình trạng mua bán lốt xe. Thực tế, đến nay không còn tình trạng mua bán lốt xe và cho thấy rõ hiệu quả của cách bố trí trên.

Do đó, việc coi đây là nguyên nhân dẫn đến xe dù bến cóc là không hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm. (Ảnh: Báo GT)

Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm. (Ảnh: Báo GT)

Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm nhìn nhận: “Tôi là người quản lý của bến xe, khi nhắc đến câu chuyện xe hợp đồng trá hình, tôi cũng tâm tư rất nhiều. Tại sao xe hợp đồng trá hình lại nở rộ mạnh mẽ như vậy?

Tôi cũng thống nhất với các quan điểm cho rằng xe trá hình xuất phát từ trong và sau dịch bệnh. Trước đó, xe dù bến cóc hoạt động không nhiều nhưng sau dịch là nở rộ".

Chia sẻ về khó khăn trong việc xác định xe hợp đồng vi phạm để xử lý của lực lượng chức năng, Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, thực hiện chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, trong 11 tháng của năm 2023, lực lượng CSGT TP Hà Nội đã xử lý hơn 12.000 trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động vận tải khách.

Trong đó, xử lý hơn 7.000 xe khách vi phạm, xe hợp đồng là hơn 2.000 xe, taxi hơn 3.000 xe. Còn lại là xe buýt và các loại xe khác, tước giấy phép lái xe gần 1.500 trường hợp.

Các lỗi phổ biến đã bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý như: Dừng đỗ sai quy định gần 11.000 trường hợp, đón trả khách sai quy định gần 1.000 trường hợp; không chấp hành tín hiệu đèn gần 300 trường hợp, không đóng cửa khi xe đang chạy hơn 300 trường hợp; vi phạm đi vào đường cấm, đi sai làn đường gần 200 trường hợp, vi phạm tốc độ gần 100 trường hợp.

Thời gian qua, tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định vẫn diễn biến phức tạp và gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Điển hình là việc cá nhân, tổ chức kinh doanh xe hợp đồng sử dụng nền tảng mạng xã hội, website quảng cáo bán vé; tìm đủ chiêu trò hợp thức hóa hợp đồng.

Các đối tượng cũng sử dụng văn phòng đại diện, điểm kinh doanh đặt giáp các bến xe, tuyến đường trọng điểm, huyết mạch để đón trả khách. qua mặt lực lượng chức năng.

"Để xử lý các trường hợp xe hợp đồng trá hình, lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian theo dõi, ghi hình, đấu tranh với hành khách đi xe mới lật tẩy được chiêu trò.

Đảm bảo hiệu quả xử lý, chúng tôi cũng đã nhờ Cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình", ông Tuấn chia sẻ.

Xử lý vi phạm gặp nhiều thách thức

Ông Tuấn cho rằng: "Một khó khăn nữa trong xử lý vi phạm xe hợp đồng trá hình là các chế tài về xử lý vi phạm còn chưa mạnh. Đặc biệt là việc xử lý đối với những xe vi phạm nhiều lần".

Về hệ thống camera giám sát, ông Tuấn cho hay, TP.Hà Nội cũng được trang bị từ rất sớm, song còn hạn chế. Hệ thống camera chủ yếu tập trung các tuyến chính, đường vành đai, nhiều tuyến nhánh, khu đất trống của dự án chưa thi công không có camera. Đây là các địa điểm phương tiện xe hợp đồng trá hình lợi dụng đón - trả khách.

Ngay cả trên các tuyến đường trọng điểm có hệ thống giám sát, nhà xe vẫn lợi dụng các điểm mở, đỗ ngay dưới chân hệ thống giám sát là “điểm mù”, các khu vực cây cối um tùm để che chắn hành vi vi phạm.

Nhiều đơn vị kinh doanh cũng sử dụng đội ngũ cộng tác viên hay còn gọi là “cò” theo dõi lực lượng chức năng để thông tin cho nhà xe, hành khách những vị trí đón.

"Những chiêu trò này khiến công tác phát hiện, xử lý vi phạm gặp nhiều thách thức", ông Tuấn chia sẻ.

Việc khai thác dữ liệu từ giám sát hành trình phục vụ xử phạt hiện vẫn rất thủ công. Hệ thống này có lượng truy cập rất lớn, không chỉ là ngành GTVT, Cục CSGT mà còn có cả lực lượng công an địa phương.

Thực tế này đặt ra yêu cầu, tới đây, cơ quan chức năng cần đầu tư nâng cấp, nâng cao chất lượng đường truyền, giúp lực lượng chức năng thuận lợi khi truy cập lấy dữ liệu làm cơ sở xử phạt.

Để tăng cường biện pháp xử lý xe hợp đồng trá hình, thời gian tới, lực lượng CSGT - Công an TP Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát; tích cực phối hợp đơn vị chức năng phát hiện, xử nghiêm các trường hợp xe chạy sai hành trình, dừng đỗ không đúng quy định, vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ