Vì sao tuổi Âm nhiều hơn Dương lịch?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Theo hệ thống Âm lịch (tuổi ta, tuổi mụ) thì tuổi Âm luôn lớn hơn Dương một tuổi. Đa phần mọi người cho rằng trước đây tính 1 tuổi đó là thời gian “nằm trong bụng mẹ”. Đây là cách hiểu chưa hoàn toàn chính xác.

Cách tính tuổi Âm lịch và Dương lịch hiện nay có lỗi sai khá phổ biến.
Cách tính tuổi Âm lịch và Dương lịch hiện nay có lỗi sai khá phổ biến.

Tuổi Âm hơn tuổi Dương 2 đơn vị

Hãy lấy ví dụ một người sinh năm 2000, tương ứng với năm Canh Thìn trong Âm lịch. Vào thời điểm năm 2022, tính theo cách tính tuổi Dương lịch phổ biến (tức là tạm bỏ qua việc đợi đến ngày sinh nhật mà cứ lấy hiệu số năm) thì một người như vậy có tuổi là 22.

Nhưng ai cũng biết rằng về tuổi Âm thì người đó được tính là 23. Nhưng khoan đã, đừng quên rằng năm Canh Thìn đó chỉ bắt đầu vào ngày 5/2/2000 (ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm đó).

Điều đó có nghĩa là đến tận ngày 4/2/2000 thì Âm lịch vẫn đang là năm Kỷ Mão. Một người sinh vào thời điểm từ 1/1/2000 đến 4/2/2000 sẽ có tuổi Âm tương ứng với năm Kỷ Mão.

Thời điểm ra đời, một người như vậy được tính là 1 tuổi theo cách tính tuổi Âm. Nhưng chỉ ít ngày sau, Tết Nguyên đán tới và bước sang năm Canh Thìn, và như vậy cậu bé/cô bé đó lập tức được cộng thêm 1 tuổi và được coi là đã 2 tuổi - dù mới ra đời được ít ngày.

Trong khi đó, theo cách tính của Dương lịch, dù chỉ lấy hiệu số năm thì người như vậy chưa đủ 1 tuổi vì vẫn đang là năm 2000.

Những người sinh trong khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán thì hầu hết thời gian trong năm có tuổi Âm hơn tuổi Dương 1 đơn vị, còn sau Tết Dương lịch tiếp theo nhưng chưa tới Tết Nguyên đán thì hai cách tính tuổi cho kết quả bằng nhau (vì năm Dương lịch đã tiến thêm 1, nhưng chưa sang năm mới Âm lịch).

Còn những người sinh vào khoảng giữa hai lần đón năm mới Dương - Âm thì có tuổi lệch nhau 1 đơn vị ở khoảng đó hàng năm, nhưng tuổi Âm hơn tuổi Dương những 2 đơn vị vào khoảng thời gian còn lại (chiếm xấp xỉ 11 trong số 12 tháng của năm).

Vậy giải thích điều này thế nào? Có 2 năm trong bụng mẹ?

Rõ ràng là cho dù có cố ý làm tròn việc nằm bụng mẹ thành 1 năm đi nữa, thì cách giải thích phổ biến về tuổi nêu trên là rất có vấn đề, vì nó chỉ mang tính giải thích tạm cho có, không có khả năng bao quát những vấn đề tương tự.

Lịch sử của số 0

Về mặt lý thuyết Toán học, cách tính tuổi Dương (có xuất xứ phương Tây) sử dụng số đếm (cardinal number) để tính tuổi. Nói dễ hiểu thì nó gồm tất cả các số tự nhiên, trong đó có số 0.

Còn hệ thống tính tuổi phương Đông mà Việt Nam, Trung Quốc và một số nước Đông Á khác áp dụng thì dùng số thứ tự (ordinal number), tức là chỉ bắt đầu tính từ số 1, chứ không có số 0.

Nếu đi sâu hơn về lịch sử, thì số 0 không hề tồn tại trong giai đoạn sớm của lịch sử loài người. Trước đây người ta cho rằng cái gì không tồn tại, không có mặt thì không cần được đếm.

Trong căn phòng không có ai, người ta nói căn phòng đó không có người, chứ không nói rằng có 0 người ở trong đó. Các khảo cứu lịch sử cho biết số 0 đã ra đời ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 5 (hoặc có thể sớm hơn một chút).

Cũng có những khảo cứu cho thấy con số này từng được nhắc tới ở một số nền văn hóa khác. Nhưng vấn đề là tận thời điểm nêu trên, người Ấn Độ mới là những người đầu tiên đưa nó vào toán học và dùng nó như một con số chính thức để định lượng.

Trước khi số 0 ra đời, ngay cả trong Dương lịch - khi đó là lịch Julius, cũng không hề có năm số 0, tức là sau năm số 1 trước Công nguyên (năm -1) thì tới năm số 1 Công nguyên (năm +1, hay chỉ đơn giản là 1), không hề có năm số 0 trên trục thời gian của nhân loại.

Mặc dù vậy thì tuy không nói một đứa trẻ là 0 tuổi, người phương Tây vẫn có thói quen chỉ tính 1 tuổi khi đứa trẻ tới ngày sinh nhật đầu tiên, hay ít ra là khi năm mới tới, còn trước đó chỉ tính theo ngày và tháng.

Ở phương Đông, mọi hệ thống tính số đều dùng số thứ tự ngay khi thứ gì đó xuất hiện. Khi một đứa trẻ ra đời, người ta nói rằng cậu bé/cô bé này 1 tuổi, có hàm ý đó là tuổi đầu tiên, năm đầu tiên của cuộc đời.

Khi ngày Tết Nguyên đán tới, người ta mặc nhiên là năm thứ hai của cuộc đời, cho dù đứa trẻ vừa ra đời ngay trước đêm Giao thừa ít phút (có nghĩa là có những đứa trẻ được tính là 2 tuổi sau khi chào đời mới có vài giờ).

Tất nhiên, những đứa trẻ như vậy không nằm trong bụng mẹ 2 năm, nên cách giải thích phổ biến là sai.

Cách giải thích rất dễ hiểu và logic này có thể giúp bạn dễ dàng hiểu. Một người mất vào ngày thứ Bảy, thì đó là ngày thứ nhất. Như vậy ngày Chủ nhật là ngày thứ Hai và ngày thứ Hai được coi là ngày thứ Ba tính từ khi qua đời.

Trên đây là một giải thích mà tôi đã cố gắng diễn giải một cách đủ ngắn gọn và dễ hiểu để người đọc hiểu rõ hơn một vấn đề mà theo tôi rất nhiều người chưa nắm rõ.

Cũng xin nhấn mạnh rằng ở đây tôi không hề đưa ra ý kiến cá nhân về việc hệ thống tính toán nào là tiến bộ hay thú vị hơn mà chỉ đối chiếu để đưa ra cách giải thích chính xác.

Những câu chuyện truyền miệng thì có thể thú vị nhưng vấn đề là đôi khi chúng có thể sai với chính lịch sử thật của chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…