Vì sao trẻ em cũng bị đột quỵ?

GD&TĐ - Đột quỵ ở trẻ em không liên quan đến lối sống, chủ yếu là do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ.

Triệu chứng dễ nhầm lẫn

Tháng 12/2020, bé Thành Nhân (3 tuổi), ngụ Vĩnh Long đang chơi với bạn thì đột ngột ngã xuống sàn, lên cơn co giật và bất tỉnh. Khi đưa vào Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TPHCM), bé được các bác sĩ khoa   Cấp cứu làm xét nghiệm và chụp CT scan sọ não. Kết quả cho thấy, bệnh nhi có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện rất nhiều. 

Sau khi hồi sức ổn định, bệnh nhi được chụp DSA mạch máu não để tìm nguyên nhân gây đột quỵ. Nguyên nhân xuất huyết não là Thành Nhân có túi phình mạch máu não. Vốn dĩ, túi phình mạch máu não là bệnh thường gặp và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở người già, lớn tuổi.

Tuy nhiên, hiện nay, các bệnh lý túi phình mạch máu não ngày càng xuất hiện ở tuổi trẻ hơn. Ba tuổi là độ tuổi trẻ nhất mắc bệnh túi phình mạch máu não được ghi nhận.

Sau khi được hồi sức ổn định, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh lên kế hoạch điều trị nguyên nhân cho bệnh nhân. Mục tiêu là tắc hoàn toàn túi phình để tránh tình trạng xuất huyết não. 

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định đặt stent chuyển dòng cho bệnh nhi để tắc hoàn toàn túi phình. Đây là một phương pháp điều trị kĩ thuật cao và là phương pháp không cần phẫu thuật. BS Huỳnh Hữu Danh - khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã luồn ống thông vào trong mạch máu của bệnh nhân qua lỗ chích kim nhỏ ở ngoài da, đi theo các mạch máu đến vị trí túi phình. Sau đó, thả stent chuyển dòng gây tắc túi phình. Đến nay, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định.

“Triệu chứng của bệnh đột quỵ ở trẻ cũng giống như người lớn. Đó là méo miệng, yếu tay chân và không nói được. Thậm chí là nhanh chóng hôn mê, co giật khi xuất huyết não. Do bệnh rất hiếm nên dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác, đặc biệt là viêm màng não. Nếu không được chuyển viện và điều trị kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ tàn tật rất cao, thậm chí đe dọa đến tính mạng” - bác sĩ Huỳnh Hữu Danh chia sẻ.
Nguyên nhân phần lớn do bẩm sinh

Đây không phải trường hợp trẻ em đột quỵ đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi bị đột quỵ. Lý giải về tình trạng này, ThS.BS Nguyễn Duy Khải - Điều hành Nội ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi đồng thành phố cho biết, đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính.

Có hai dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Đột quỵ ở trẻ em chiếm 2,5/100.000 trường hợp.

Theo bác sĩ Khải, đột quỵ ở người lớn liên quan đến lối sống (ăn nhiều dầu mỡ, hút thuốc, lười vận động...) và các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường... Trong khi đó, đột quỵ ở trẻ em không liên quan đến lối sống, chủ yếu là do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não...

Theo các bác sĩ, đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông của máu ở não bị tắc nghẽn làm chết những tế bào não ngay tại vùng bị tắc. Những tế bào não ở vùng kế cận sẽ bị giảm lượng máu đến nuôi chúng. Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ.
Đột quỵ ở người lớn có các dấu hiệu ban đầu điển hình dễ nhận biết như miệng méo, nói ngọng, yếu liệt chân tay...

Tuy nhiên, ở trẻ em, dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt. Do đó, căn bệnh này dễ bị nhầm với những bệnh lý thông thường như: Co giật, mất ý thức ngắn, hành động vụng về, yếu   tay chân... Thậm chí, trên thế giới từng ghi nhận những trường hợp trẻ sơ sinh đột quỵ, còn gọi là đột quỵ  chu sinh.

Theo Hiệp hội Đột quỵ có trụ sở tại Mỹ, nhồi máu đột quỵ ở trẻ em còn chia theo tuổi. Từ 28 tuần thai đến 28 ngày sau sinh ra đời còn gọi là đột quỵ chu sinh. Từ 28 ngày đến 18 tuổi, sẽ được gọi là đột quỵ trẻ em. Nguy cơ đột quỵ ở trẻ sơ sinh (đột quỵ chu sinh) có cả nguyên nhân từ con và cả mẹ.

Thời gian “vàng” để cấp cứu 

Theo ThS.BS Khải, đột quỵ trẻ em (28 ngày đến 18 tuổi) sẽ có triệu chứng giống người lớn như: Yếu chi, động kinh, méo mặt, rối loạn thị lực, rối loạn phối hợp vận động, ở trẻ lớn thì có rối loạn ngôn ngữ…

Để nhận diện nhanh những người mắc bệnh đột quỵ, trước hết cần chú ý tới khuôn mặt. Hãy yêu cầu người bệnh cười để xem một bên mặt có bị chảy xệ xuống hay không. Ngoài ra, người bệnh cần giơ cùng lúc cả hai tay lên. Liệu bên tay có bị rũ xuống hay là không thể giơ lên? Bên cạnh đó, nếu trẻ nói lắp, hoặc nói không rõ từng lời, hay nói khó hiểu, đó cũng là dấu hiệu đột quỵ.

Đặc biệt, nếu có những biểu hiệu trên, nhiều khả năng là người bệnh đã bị tai biến mạch máu não. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, gia đình cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu. Bởi, thời gian cấp cứu rất quan trọng, chỉ tính bằng giây.

“Ngoài các dấu hiệu trên, bệnh tai biến mạch máu não có thể có biểu hiện khác như yếu hoặc tê một nửa người, giảm hoặc mất thị lực, đau đầu đột ngột dữ dội nhưng không có nguyên nhân rõ ràng và kèm theo nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt…”, ThS.BS Khải cho biết.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh khi thấy dấu hiệu bất thường của con, nên đưa ngay đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời. ThS Khải lưu ý, trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi nếu có dấu hiệu đột quỵ thông qua biểu hiện ở tay nên gặp bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nhi khoa và bác sĩ thần kinh nhi khoa. Vì vậy, khi trẻ em có triệu chứng đau đầu, co giật, động kinh… gia đình cần sớm cho trẻ đi tầm soát mạch máu não, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ