Bác sĩ nói gì về phương pháp chích máu cấp cứu bệnh nhân đột quỵ?

GD&TĐ - Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên gọi cấp cứu ngay, tránh mất thời gian làm theo những phương pháp chữa bệnh không có căn cứ khoa học.

Bác sĩ nói gì về phương pháp chích máu cấp cứu bệnh nhân đột quỵ?

Tránh phương pháp chữa bệnh không có căn cứ khoa học

Cảnh báo những lưu ý tuyệt đối không được làm khi người thân bị đột quỵ, thông tin trên SKĐS, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hội sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khuyến cáo người dân tuyệt đối không được làm những việc dưới đây khi người thân bị đột quỵ như không được tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió hay chích nặn máu vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.

Bác sĩ cho biết, người nhà khi thấy bệnh nhân đột quỵ cũng tuyệt đối không cho người bệnh ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, người bệnh hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.

Theo bác sĩ Tuấn, cần lưu ý không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 220/120 mmHg.

Đặc biệt, người nhà không dùng thuốc Aspirin hay các thuốc chống đông máu, tan máu vì lúc này chưa xác định được người bệnh bị loại đột quỵ não nào, nếu bị xuất huyết não thì dùng các thuốc trên sẽ làm cho người bệnh càng thêm nguy kịch.

Theo các chuyên gia, cũng đã có nhiều sự cố vô cùng đáng tiếc khi người thân tự ý cho bệnh nhân uống An cung ngưu hoàng hoàn khiến xuất huyết trầm trọng hơn, bệnh nhân rơi vào nguy kịch.

Các bác sĩ cũng nhấn mạnh, chích máu bệnh nhân đột quỵ là phương pháp chữa bệnh không có căn cứ khoa học.

Chuyên gia y tế cho biết, đột quỵ não đã từ lâu không còn là cái tên xa lạ với nhiều người, tuy nhiên vẫn còn một số người dân chưa hiểu rõ về căn bệnh này, thường nhầm lẫn nó với một số bệnh lý khác và chậm trễ đưa người bệnh đến bệnh viện.

Khi bản thân bị đột quỵ hoặc những người xung quanh có biểu hiện của bệnh đột hãy nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị được đột quỵ để được cứu chữa kịp thời.

“Nếu đến viện càng sớm, tỷ lệ điều trị thành công càng cao. Các triệu chứng cần nghĩ ngay tới đột quỵ là méo miệng một bên, nói ngọng, thất ngôn, yếu liệt hoặc tê bì tay chân một bên, mất thị lực đột ngột một hoặc hai mắt... Chúng ta không được phép để mất một giây phút nào nằm bất động đợi chờ tự hồi phục hay tự điều trị theo phương pháp dân gian truyền miệng”, PGS-TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai chia sẻ trên VNN.

Cách phòng căn bệnh dễ lấy đi mạng sống

Theo các chuyên gia y tế, để phòng ngừa đột quỵ và đột quỵ tái phát, người dân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc; Ăn nhạt, giảm muối mắm; Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh; Hạn chế các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường; Uống nhiều nước lọc, nước trái cây...

Bên cạnh đó, người dân cần tăng cường tập thể dục thường xuyên. Bởi tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.

Các bác sĩ chỉ ra rằng, nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Do đó, cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.

Đặc biệt, việc hút thuốc là là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Thuốc lá còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc lá trong vòng từ 2 - 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc.

Theo các chuyên gia y tế, để giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp.

Lưu ý dấu hiệu nhận biết bệnh nhân bị đột quỵ là: xệ mặt, tay rủ, nói khó, nói lắp hoặc nói khó hiểu.
Ngoài ra, các triệu chứng khác gồm: yếu hoặc tê một nửa người, bao gồm cả hai chân; giảm hoặc mất thị lực, đặc biệt là ở một bên mắt; đau đầu dữ dội, đau đầu đột ngột, đau đầu không có nguyên nhân rõ ràng; chóng mặt, đứng không vững hoặc đột ngột ngã mà không rõ nguyên nhân...
Đặc biệt, cần nghĩ đến đột quỵ khi xuất hiện các triệu chứng trên ở người có huyết áp cao, người có tiền sử bị đột quỵ, hút thuốc lá, có bệnh đái tháo đường và tim mạch, người lớn tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.