Thông tin trên Báo Vietnamnet, Bộ Giao thông vận tải cho biết, tư vấn Pháp sau khi hoàn tất báo cáo đánh giá đã chỉ ra những thủ tục dự án cần hoàn thành. Phía tổng thầu đang cung cấp theo yêu cầu để đảm bảo thủ tục vận hành chạy tàu an toàn.
“Tàu đã chạy an toàn hơn 2 năm nay, nhưng vấn đề quan trọng nhất là hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của tư vấn. Tư vấn chỉ ra một số tình huống đặt ra trong khai thác và tổng thầu cần có giải pháp trước các tình huống đó”, đại diện Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Còn Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, những vướng mắc liên quan đến quá trình làm thủ tục, quản lý vận hành không phải là những vấn đề lớn nên sẽ được các bên trao đổi thống nhất, hoàn thiện trước khi hoàn tất bàn giao dự án cho Hà Nội.
Hiện Metro Hà Nội vẫn cho chạy luân phiên 2 đoàn tàu mỗi ngày để đào tạo nhân viên tiếp nhận vận hành và duy trì thiết bị hoạt động.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết, việc tiếp nhận vận hành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông diễn ra bình thường, không có gì vướng mắc.
"Trong quá trình tiếp nhận, đội ngũ nhân viên vận hành đoàn tàu một cách bình thường, khi gặp sự cố nhỏ có thể tự khắc phục được. Đối với những vấn đề phức tạp, dù nhân viên chưa tự xử lý được nhưng trong quá trình vận hành 1 năm đầu sẽ có chuyên gia hỗ trợ nên không đáng lo ngại", ông Trường nói.
Đây không phải là lần đầu tiên dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông “lỡ hẹn”, mà kể từ khi được khởi công tháng 10/2011 đến nay, dự án này đã rất nhiều lần được Bộ Giao thông vận tải hứa đưa vào khai thác đúng tiến độ nhưng đều không thể.
Cụ thể, dự kiến dự án được đưa vào khai thác tháng 6/2015, nhưng tháng 7/2015, tổng thầu EPC - công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc báo cáo mới đạt 30-50% khối lượng và xin lùi tiến độ.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải lúc này đã yêu cầu thay lãnh đạo tổng thầu và yêu cầu phải đưa dự án đúng mốc 30/6/2016. Tuy nhiên, đến giữa năm 2016, dự án lại lỗi hẹn vì thi công quá chậm. Lúc này, Bộ Giao thông vận tải phải ra "tối hậu thư" 31/12/2016, tổng thầu phải hoàn thành xây lắp, cuối quý 2/2017 sẽ vận hành chính thức.
Nhưng đến hẹn, tổng thầu EPC lại thất hứa và xin lùi đến đầu năm 2018.
Đến đầu năm 2018, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng xin lùi tiến độ trong quý 4/2018 và đưa ra thời hạn 3-6 tháng để vận hành chạy thử trước khi đưa vào khai thác thương mại.
Tháng 9/2018, dự án đưa vào chạy thử liên động toàn hệ thống. Các đơn vị chức năng cam kết thúc đẩy quá trình này đưa vào khai thác thương mại trước Tết âm lịch Kỷ Hợi.
Nhưng cam kết này không thực hiện được, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đặt mốc vận hành mới vào tháng 4/2019. Thế nhưng dịp 30/4/2019, dự án tiếp tục “quên” vận hành theo cam kết.
Sau nhiều lần cam kết, Bộ Giao thông vận tải “chốt” dự kiến tháng 2/2020 bắt đầu vận hành thử hệ thống nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các chuyên gia, kỹ sư dự án người Trung Quốc của Tổng thầu, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vẫn chưa xác định được thời điểm cụ thể trở lại để tiếp tục công việc. Do vậy, dự án bị ảnh hưởng đến tiến độ vận hành như đã cam kết.
Chiều ngày 28/10/2020, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đưa ra cam kết sẽ cố gắng tối đa để đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tháng 1/2021). Tuy nhiên, đến nay dự án lại thêm một lần “lỡ hẹn”.