Sau gần 2 năm triển khai áp dụng thu phí không dừng, nhiều trạm trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 nhưng tỷ lệ người dùng dịch vụ vẫn còn rất thấp. Trong khi đó, không thể phủ nhận tính ưu việt của thu phí tự động không dừng là giúp minh bạch, hạn chế gian lận, giảm chi phí nhân lực và thời gian thu phí tại các trạm BOT.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, những năm 2015 - 2016, một loạt dự án giao thông theo hình thức BOT được đưa vào khai thác và thực hiện thu tiền dịch vụ thông qua các trạm thu phí. Cùng đó, một số tuyến quốc lộ, đường tỉnh và đường chuyên dụng cũng được đầu tư theo hình thức BOT.
Trên địa bàn cả nước có khoảng trên 90 trạm thu phí BOT. Hiện chúng ta đang áp dụng hình thức thu phí thủ công, chủ yếu là con người và hệ thống máy tính thực hiện. Qua thực tiễn, bộc lộ một số khiếm khuyết khi thực hiện thu phí. Đó là chuyện ùn tắc giao thông trước và sau trạm thu phí, đặc biệt là trạm cửa ngõ các thành phố lớn.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho cho hay, khi thu phí thủ công, lực lượng tham gia thu phí rất lớn, dẫn đến chi phí bị đội lên rất cao. Việc thu phí hoàn trả theo phương án tài chính rất cần sự công khai minh bạch doanh thu trên đầu phương tiện đi qua trạm thu phí. Cùng đó là vấn đề môi trường, an ninh trật tự ở trạm thu phí cũng bộc lộ những bất cập.
Qua tìm hiểu ở các nước trong khu vực, trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng, thu phí tự động không dừng là tất yếu. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ nghiên cứu áp dụng công nghệ thu phí không dừng ở Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ GTVT triển khai.
“Hiện các nước cũng đang áp dụng nhiều công nghệ khác nhau. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy công nghệ của Đài Loan là khả thi, phù hợp nhất với thực tiễn của Việt Nam. Do đó, Bộ GTVT đã nghiên cứu, lập dự án đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện.
Trong bối cảnh việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng còn rất mới mẻ nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn rất thiếu. Khi tổ chức triển khai chưa đồng bộ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã lựa chọn hình thức đầu tư thu phí không dừng là PPP.” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này, năm 2015 dù Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT vẫn chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, hết thời gian công khai đăng tải danh mục, chỉ có duy nhất một nhà đầu tư là Tasco - VETC đăng ký. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT quyết định lựa chọn nhà đầu tư này.
Về lộ trình áp dụng, trong Quyết định 07, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chậm nhất đến 31/12/2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành để thực hiện thu theo hình thức điện tử tự động không dừng. Lộ trình cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
Bộ GTVT xây dựng kế hoạch chi tiết, quyết tâm lấy mốc 31/12/2019 để thu phí tự động không dừng trên tất cả các dự án trên tuyến quốc lộ 1 A, đường Hồ Chí Minh và một số tuyến khác. Cùng đó, Bộ GTVT cũng phối hợp với địa phương để phấn đấu đưa các trạm do địa phương quản lý áp dụng thu phí không dừng vào 31/12/2019.