Vì sao Pan Khèo nghèo dai dẳng

GD&TĐ - Mặc dù đã có rất nhiều chính sách, dự án hỗ trợ bà con bản Pan Khèo, xã Thèn Sin (Tam Đường, Lai Châu) với mục tiêu giảm nghèo. Thế nhưng, đến nay 56 hộ, 284 nhân khẩu với 100% là đồng bào dân tộc Mông nơi đây vẫn còn hơn 90% là hộ nghèo, 10% là hộ cận nghèo.

Cả bản Pan Khèo chỉ có duy nhất một máy tuốt lúa được Nhà nước hỗ trợ từ Chương trình 135 vào năm 2015.
Cả bản Pan Khèo chỉ có duy nhất một máy tuốt lúa được Nhà nước hỗ trợ từ Chương trình 135 vào năm 2015.

Được anh Bùi Đình Thành, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Thèn Sin dẫn đường, chúng tôi vào Pan Khèo. Trời khô ráo nên con đường đất duy nhất nối bản Pan Khèo với trung tâm xã Thèn Sin cũng không quá khó đi, nhưng với khoảng cách 8 km cũng mất gần tiếng đồng hồ đi xe máy chúng tôi mới vào đến bản.

Trong câu chuyện với Trưởng bản Thào A Phổng, chúng tôi được biết, bản Pan Khèo có 56 hộ, 284 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Dù bà con đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm nhưng đến nay cả bản có 56 hộ thì 50 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo.

Là một trong những hộ nghèo của bản, anh Giàng A Dềnh, sinh năm 1987 cho biết: Cùng với các hộ khác trong bản, năm 2015 tôi được được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng từ Chương trình 135. Tôi đã dùng số tiền đó mua 2 con trâu vừa để sinh sản vừa để phục vụ cày cấy. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt chỉ sau đó 1 năm 2 con trâu đều lần lượt bị dịch và chết. Đến nay gia đình tôi vẫn là 1 trong những hộ nghèo của bản.

Lác đác, rải rác vài ngôi nhà ở bản Pan Khèo.
 Lác đác, rải rác vài ngôi nhà ở bản Pan Khèo. 

Cũng như anh Dềnh, gia đình anh Hảng A Kỷ, sinh năm 1983 là một trong những hộ đã được Nhà nước hỗ trợ từ rất nhiều Chương trình như 135, 30a,…thế nhưng đến nay, gia đình anh Kỷ vẫn nằm trong số hộ nghèo nhất của bản.

“Từ Chương trình 135 gia đình tôi cũng được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua vật nuôi tăng gia sản xuất, thế nhưng do mua về không biết cách chăm sóc dẫn đến dịch bệnh mà chết hết, cuộc sống hằng ngày giờ chỉ trông chờ vào 2 sào lúa, gần như thiếu ăn”, anh Kỷ chia sẻ.

Lý giải về nguyên nhân Pan Khèo vẫn chiếm trên 90% là hộ nghèo mặc dù bà con đã được hưởng rất nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Thèn Sin, huyện Tam Đường (Lai Châu), cho biết: Sinh kế của dân bản chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên việc chăn nuôi, trồng trọt lại gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước, đất đai cằn cỗi, thời tiết khắc nghiệt dẫn đến các loại cây trồng, vật nuôi khó sinh trưởng và phát triển.

Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác lạc hậu; giao thông cách trở, thiếu vốn, thiếu thông tin, thiếu tư liệu, phương tiện sản xuất; mặt khác nhận thức bà con hạn chế, phần lớn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước là những cản trở làm cho tỷ lệ hộ nghèo của cả bản còn cao, hơn 90% theo tiêu chí mới.

“Chỉ cách đây một năm, để vào được bản chỉ có duy nhất một con đường dân sinh. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tỉnh tuyến đường lên bản Pan Khèo đang được đầu tư với tổng vốn 33 tỷ đồng. Hiện đang được thi công. Hy vọng khi tuyến đường từ trung tâm xã lên bản hoàn thành sẽ là động lực để người dân nơi đây vượt khó vươn lên thoát nghèo”, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Bắc, kỳ vọng.

Cùng với sự kỳ vọng đó, để tạo bước đà giúp dân bản Pan Khèo thoát nghèo, ông Nguyễn Văn Bắc cũng mong muốn Đảng, Nhà nước sẽ tạo điều kiện tăng nguồn vốn phát triển sản xuất nông nghiệp và có cơ chế đào tạo kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con để bà con có điều kiện tăng thu nhập, cải thiện đời sống và từng bước thoát nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.