Nhà khoa học người Pháp là John Faber đã từng làm thí nghiệm như sau:
Có một loại sâu sống theo kiểu bầy đàn, mỗi lần ra ngoài kiếm ăn đều sẽ do một con trong số đó dẫn đầu, những con khác thì xếp thành một hàng rất ngay ngắn đi lên phía trước. John Faber đã đặt những con sâu này bên cạnh chậu hoa, để chúng nối đuôi nhau tạo thành một vòng tròn, sau đó rắc thức ăn mà loại sâu này thích nhất ở cách chúng khoảng 15cm.
Những con sâu này cứ theo con sâu phía trước đi không ngừng, đi quanh chậu hoa hết vòng này đến vòng khác, không ăn không uống suốt mấy ngày, những con sâu giữ kỷ luật từ đầu đến cuối không làm loạn đội ngũ, cuối cùng đã chết đói. Trước khi chết chúng vẫn không biết thức ăn ở chỗ cách chúng gần như vậy.
Trong thí nghiệm trên, chỉ cần có một con sâu không hùa theo đám đông là có thể cứu sống mình và vận mệnh của những con sâu khác. Đáng tiếc là không có bất kỳ con sâu nào có thể làm được điều này.
Con người sống trong xã hội, nếu thiếu khả năng phán đoán và suy nghĩ độc lập mà nhắm mắt làm liều hoặc bị người khác ‘dắt mũi’ thì có lẽ cũng sẽ giống như những con sâu kia vậy. Những nhân vật thành công sẽ không ngoan ngoãn đi theo những ‘con sâu’ khác một cách mù quáng, họ sẽ phán đoán rồi mới đưa ra quyết định xem có đi theo người khác hay không.
Những nhân vật thành công sẽ không theo số đông. (Ảnh minh hoạ: pinterest.com) |
Vương Vĩnh Khánh được coi là “thần tài của Đài Loan” với tổng tài sản khi qua đời vào năm 2008 là 6,8 tỷ USD. Ông khởi đầu sự nghiệp với 200 đồng bạc vốn vay.
Nhà nghèo, nên tới năm 15 tuổi ông mới tốt nghiệp tiểu học và phải nghỉ học ở nhà giúp gia đình mưu sinh. Sau khi nghỉ học, ông đi làm tạp vụ cho nhiều nơi và cuối cùng làm tạp vụ cho cửa hàng bán gạo. Máu kinh doanh ngấm vào đầu lúc nào không biết. Ông nhờ cha chạy vạy đi vay được 200 tệ mở cửa hàng riêng bán gạo.
Cửa hàng bán gạo của ông đã nhỏ lại ở vị trí không đẹp và ra đời sau các tiệm gạo khác trong khu vực, vì vậy ông Vương đứng trước nguy cơ mất cả 200 đồng tiền vốn.
Từ cái khó, Vương Vĩnh Khánh liền nghĩ cách sinh tồn, vươn lên trong nghịch cảnh. Ông mang gạo tới từng gia đình, một việc mà các chủ cửa hàng gạo chưa bao giờ làm. Gạo thời đó nhiều tạp chất như trấu, sạn… nên ông đã cho sàng sảy lại, làm sạch bóng trước khi giao cho khách hàng. Gạo được mang tới từng gia đình, ngon, sạch, giá cả cạnh tranh làm khách hàng rất hài lòng.
Không chỉ sáng tạo trong kinh doanh, Vương Vĩnh Khánh còn là một người rất chú ý và chiều khách. Ông tìm hiểu tất cả các khách hàng của mình và đoán định thời điểm khách phải mua gạo để chủ động mang gạo đến cho khách mà không phải đợi khách gọi.
Đa số khách hàng của ông Vương là công nhân và người lao động nghèo, nhiều lúc họ không có tiền khi ông chủ tiệm gạo mang gạo đến định kỳ. Vì thế ông chủ Vương quyết định cứ đến hạn ông sẽ đem gạo đến cho khách hàng nhưng nếu khách chưa có tiền thì ông sẽ nhận tiền sau.
Sở dĩ, Vương Vĩnh Khánh có thể thành công như vậy ngoài vận may, bản thân ông vô cùng trung thực, có suy nghĩ riêng của mình, có thể tạo ra ưu thế cạnh tranh từ những chi tiết nhỏ nhặt. Đây chính là khả năng suy nghĩ độc lập.
Nhân vật thành công sẽ không theo số đông, nước chảy bèo trôi. Khi họ cảm thấy những quy phạm mà người đi trước lập ra không hợp lý thì họ sẽ đưa ra thay đổi khi điều kiện thích hợp. Vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, họ nhìn thấy chuyển biến từ trong nguy cơ, nhìn thấy cơ hội tiềm ẩn trong cái bình thường, sẽ không vì cảm xúc dao động hoặc hành vi của người khác ảnh hưởng đến khả năng phán đoán của mình.
Thứ hai, họ có thể phân biệt được sự khác biệt giữa sự thật với cảm giác, giả thiết, lời đồn. Sự thật là những chuyện đã xảy ra hoặc đang xảy ra, còn cảm giác, giả thiết hay lời đồn đều chưa được chứng thực. Trước khi chứng thực họ sẽ đặt dấu chấm hỏi trong lòng chứ không tùy tiện tin vào.
Thứ ba, khi tiếp thu lời bàn luận của người khác, họ sẽ dùng kinh nghiệm của bản thân để phán đoán giảm thiểu sự nhầm lẫn.
Thứ tư, khi có người muốn làm ảnh hưởng đến mình, họ sẽ đối mặt với thái độ thận trọng, suy đoán động cơ của đối phương, tìm kiếm sự thật để tìm hiểu chân tướng.
Vì thế, chúng ta cần bồi dưỡng khả năng tư duy rộng mở, linh hoạt, nhanh nhạy cho con để khơi dậy được trí tuệ của con. Vậy, cha mẹ cần bồi dưỡng khả năng suy nghĩ độc lập cho con như thế nào? Tích cực dẫn dắt con suy nghĩ độc lập là phương pháp chủ yếu để giúp con nhận thức và giải quyết vấn đề.
Rất nhiều trẻ khi gặp vấn đề nan giải thường hy vọng cha mẹ cho mình đáp án. Nếu cha mẹ trả lời ngay, mặc dù giải quyết được vấn đề lúc đó của trẻ nhưng xét về lâu dài, con sẽ hình thành thói quen ỷ lại vào cha mẹ. Khi con gặp vấn đề sẽ không suy nghĩ độc lập, không tự tìm đáp án, điều đó tất nhiên là không có lợi cho sự phát triển của con.
Mỗi cha mẹ hãy khích lệ để con có suy nghĩ độc lập, dẫn dắt con suy nghĩ, phân tích, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm mà mình có để tự tìm đáp án. Như thế thì khả năng tư duy của con sẽ được nâng cao.