Vì sao nhiều nước châu Á kém tiếng Anh?

GD&TĐ - Phương pháp giảng dạy, mục đích giảng dạy hay văn hóa là những thách thức của các quốc gia châu Á kém tiếng Anh.

Một tiết học Tiếng Anh của học sinh tiểu học Nhật Bản.
Một tiết học Tiếng Anh của học sinh tiểu học Nhật Bản.

Trong khi Singapore, Philippines đều đạt thứ hạng cao về khả năng sử dụng tiếng Anh thì Nhật Bản, Hàn Quốc đang gặp rào cản khi giảng dạy tiếng Anh tại trường học. Phương pháp giảng dạy, mục đích giảng dạy hay văn hóa là những thách thức của các quốc gia châu Á kém tiếng Anh.

Thành tích thấp

Bộ Giáo dục Nhật Bản mới đây công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực học tập toàn quốc được tổ chức hồi tháng 4. Trong đó, kết quả đáng chú ý là phần lớn học sinh lớp 9 không thể hoàn thành bài thi nói Tiếng Anh.

Cụ thể, học sinh lớp 9 chỉ trả lời đúng trung bình 12,4% câu hỏi trong bài kiểm tra nói tiếng Anh. Con số này giảm 18,4 điểm phần trăm so với năm 2019, khi học sinh lớp 9 lần đầu tham gia khảo sát.

Hơn 60% học sinh không trả lời đúng bất kỳ câu hỏi nào trong bài thi nói. Trong 3 phần thi khác, phần nghe hiểu có tỷ lệ trả lời đúng trung bình cao nhất là 58,9%. Theo sau là phần đọc hiểu (51,7%) và phần viết (24,1%).

Nội dung phần thi nói gồm 5 câu hỏi dựa trên chương trình giảng dạy phổ thông, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của cách diễn đạt, chia sẻ ý kiến và cảm xúc bằng tiếng Anh. Đơn cử, một câu hỏi yêu cầu thí sinh nghe một đoạn văn về vấn đề môi trường rồi trình bày quan điểm bằng tiếng Anh.

Bài thi dành cho 420.000 học sinh tại gần 500 trường phổ thông Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên nước này tổ chức thi nói với công cụ hỗ trợ trực tuyến. Thí sinh sẽ nghe đoạn văn rồi ghi âm giọng nói của mình.

Nhiều chuyên gia cho rằng cách đặt câu hỏi và mức độ khó của phần thi nói là không phù hợp để đánh giá kỹ năng sử dụng ngoại ngữ của học sinh Nhật Bản. Do đó, không thể dựa vào kết quả này để đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh đang kém đi.

Đây không phải lần đầu tiên thành tích tiếng Anh của Nhật Bản được đem ra thảo luận.

Theo bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh tại các quốc gia không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ của EF English năm 2022, Nhật Bản xếp hạng 80, nằm trong nhóm có trình độ thấp.

Khả năng sử dụng tiếng Anh của người Nhật đã rơi xuống gần cuối trong số các nước châu Á và các nước phát triển, bất chấp việc nước này liên tục cải tiến chương trình giáo dục Tiếng Anh phổ thông.

Trong nhóm trình độ thấp, một số quốc gia châu Á khác góp mặt là Trung Quốc, Indonesia, Mông Cổ, Israel... Hàn Quốc và Việt Nam lần lượt xếp hạng 36 và 60, nằm trong nhóm có trình độ tiếng Anh trung bình. Có nhiều lý do khiến các nước châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng khó có thể đạt trình độ tiếng Anh cao.

Hồi năm 2021, tờ Nippon (Nhật Bản), thực hiện một khảo sát trong 1.000 học sinh trung học. Kết quả cho thấy môn học mà các em thấy hữu ích nhất cho tương lai là môn Tiếng Anh, theo sau là Tin học (gồm Khoa học thông tin và lập trình). Điều này chứng tỏ học sinh Nhật Bản nhận thức rằng các kỹ năng ngôn ngữ và CNTT là cần thiết trong thế giới toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, với câu hỏi về môn học không thích, 48,3% nữ sinh và 45,9% nam sinh chọn Tiếng Anh. Kết quả này cho thấy mặc dù biết Tiếng Anh sẽ giúp ích cho tương lai, học sinh vẫn gặp khó khăn ở môn học này.

Học sinh Nhật Bản làm bài kiểm tra nghe nói tiếng Anh.

Học sinh Nhật Bản làm bài kiểm tra nghe nói tiếng Anh.

Học để kiểm tra đánh giá

Tiếng Anh được đưa vào giảng dạy tại Nhật Bản từ tiểu học và là môn học bắt buộc ở THCS, THPT. Tuy nhiên, mục tiêu giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường là chuẩn bị cho học sinh tham gia các bài kiểm tra, kỳ thi tuyển sinh đại học.

Do đó, chương trình học tập trung vào đọc hiểu, ngữ pháp và từ vựng, ít chú trọng đến việc phát triển các kỹ năng giao tiếp. Cách tiếp cận này dẫn đến một bộ phận học sinh có thể viết tốt tiếng Anh nhưng gặp khó khăn khi nói và nghe hiểu.

Nhiều lớp học tiếng Anh ở Nhật Bản vẫn sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống như giảng bài, học thuộc, ghi nhớ. Những cách tiếp cận này phù hợp với kỹ năng đọc, viết, ngữ pháp hơn là nghe và nói. Hầu hết chương trình học nằm trong sách giáo khoa nên hạn chế khả năng tìm hiểu ngoại ngữ của học sinh.

Một rào cản khác liên quan đến văn hóa là việc tiếng Anh và tiếng Nhật là hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau. Tiếng Nhật là ngôn ngữ tượng hình, hoàn toàn khác với tiếng Anh nên việc học tiếng Anh quả thực là một khó khăn với người Nhật. Chưa kể cấu trúc câu, ngữ pháp, từ vựng của hai ngôn ngữ này có sự khác biệt lớn, dễ gây nhầm lẫn cho người học khi diễn đạt.

Bên cạnh đó là vấn đề tính cách. Người Nhật nổi tiếng là những người khiêm tốn, im lặng nhưng điều này không phù hợp với môi trường học tiếng Anh vốn khuyến khích bày tỏ quan điểm, không ngại mắc lỗi và sửa sai từ việc sử dụng sai.

Để giải quyết những thách thức mà người học gặp phải, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã cải cách phương pháp dạy tiếng Anh, trong đó nhấn mạnh kỹ năng nghe và nói. Ví dụ tăng cường các hoạt động tương tác, giao tiếp trong lớp học như đóng vai, tranh luận, thảo luận nhóm nhằm khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục thúc đẩy các chương trình trao đổi ngôn ngữ, du học để người Nhật có cơ hội tiếp xúc với môi trường sử dụng tiếng Anh. Khi các hạn chế Covid-19 được nới lỏng ở nhiều quốc gia trên thế giới, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua “Kế hoạch cơ bản về xúc tiến giáo dục lần 4”, trong đó nêu rõ khuyến khích học sinh trung học đi du học. Nước này đặt mục tiêu 120.000 học sinh trung học du học trong 10 năm tiếp theo.

Tại Hàn Quốc, những rào cản học tiếng Anh cũng có nhiều điểm tương tự với Nhật Bản. Là quốc gia coi trọng điểm số, học sinh Hàn Quốc học tiếng Anh nhằm mục tiêu đạt điểm cao trong các kỳ thi tuyển sinh.

Việc học mang tính cạnh tranh nên các em không dành nhiều thời gian thực hành và rèn luyện tiếng Anh. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, khi văn hóa Hàn Quốc mở rộng ra quốc tế, giới trẻ Hàn Quốc cũng dần đón nhận các sản phẩm giải trí nước ngoài và dần thôi thúc họ có nhu cầu học tiếng Anh.

Về vấn đề văn hóa, tiếng Anh có xu hướng hướng tới quần chúng trung lưu bởi cấu trúc và cách sử dụng khá nhất quán, không kể địa vị xã hội. Nhưng Hàn Quốc là xã hội phân tầng cao. Thay cho cấu trúc phong kiến cũ, Hàn Quốc chia làm giai cấp tư sản và giai cấp lao động, người học đại học và những người còn lại. Xã hội giai cấp theo chiều dọc của Hàn Quốc khó chấp nhận xu hướng sử dụng tiếng Anh theo chiều ngang.

Học sinh Singapore luyện nói tiếng Anh theo nhóm.

Học sinh Singapore luyện nói tiếng Anh theo nhóm.

Học để hội nhập

Trái ngược với nhiều nước Đông Á, việc giảng dạy tiếng Anh ở Philippines, Malaysia hay Singapore đạt nhiều kết quả tích cực. Trong bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh tại các quốc gia không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ của EF English năm 2022, Singapore xếp thứ 2, chỉ sau Hà Lan và là quốc gia châu Á duy nhất nằm trong nhóm sử dụng tiếng Anh rất thành thạo.

Philippines và Malaysia lần lượt đứng ở vị trí 22 và 24, nằm trong nhóm sử dụng tiếng Anh cao.

Philippines đang theo đuổi chính sách giáo dục song ngữ, trong đó tiếng Philippines được sử dụng cho các môn học như Tiếng Philippines, Nghiên cứu Xã hội, Giáo dục Thể chất, Sức khỏe. Tiếng Anh dành cho các môn Tiếng Anh, Khoa học và Công nghệ, Kinh tế Gia đình, Giáo dục Sinh kế.

Philippines dạy song ngữ tiếng Anh.

Philippines dạy song ngữ tiếng Anh.

Về việc giảng dạy tiếng Anh, nước này áp dụng 3 phương pháp dạy tiếng Anh (ELT). Một là Giảng dạy Ngôn ngữ Giao tiếp (CLT – Communicative Language Teaching) giúp người học rèn luyện khả năng giao tiếp hiệu quả, phù hợp với nhiều tình huống khác nhau. Hai là Tiếng Anh chuyên ngành (English for Specific Purposes – ESP), không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản về tiếng Anh, mà còn giúp người học phát huy khả năng tự tìm tòi và học hỏi bằng ngôn ngữ này.

Cuối cùng là phương pháp Giảng dạy Ngôn ngữ thông qua các nhiệm vụ (Task-Based Language Teaching – TBLT) giúp người học thực hành tiếng Anh từ bài tập, nhiệm vụ học tập. Ngoài ra, giáo viên tiếng Anh được khuyến khích giới thiệu các phương pháp giảng dạy ngôn ngữ mới, sáng tạo.

Tại Singapore, khả năng sử dụng tiếng Anh của người dân địa phương luôn nằm tốp đầu châu Á và trên thế giới. Về phương pháp giảng dạy, tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong trường học.

Sách giáo khoa các môn như Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Khoa học kỹ thuật là sách phổ thông của Anh. Nước này cũng sử dụng phương pháp dạy tiếng Anh CLT. Ở các môn học khác, giáo viên khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh khi tư duy, nghiên cứu nhằm hình thành phản xạ với ngôn ngữ này.

Ngoài đầu tư cho giáo dục, chất lượng đội ngũ giảng dạy cũng rất được Bộ Giáo dục Singapore quan tâm. Giáo viên dạy ngôn ngữ được đào tạo chuyên nghiệp, nhận được sự hỗ trợ tối đa từ phía chính phủ.

Giáo viên nước ngoài tại Singapore được trả lương hậu hĩnh cũng rất được coi trọng. Singapore cũng có nhiều chính sách thu hút người sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ đến làm việc trong lĩnh vực sư phạm.

Tương tự tại Malaysia, từ năm 2003, chính phủ đã thực hiện chính sách giáo dục song ngữ Anh – Malay, đưa văn học vào chương trình giảng dạy tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh để dạy Khoa học, Công nghệ.

Trong kế hoạch giáo dục Malaysia 2013 – 2025 đặt ra yêu cầu giáo dục tiếng Anh tại Malaysia theo các tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo thanh, thiếu niên nước này sử dụng tiếng Anh lưu loát như các quốc gia khác.

Có thể thấy, ở Philippines, Malaysia hay Singapore, giáo dục tiếng Anh giúp học sinh đạt được những kỹ năng sử dụng thuần thục ngôn ngữ này trong tương lai. Cách tiếp cận đó khác với Nhật Bản hay Hàn Quốc, nơi tiếng Anh được coi như một môn học trong trường, hơn là phương tiện giao tiếp.

Ngoài ra, các nước trên có quy mô dân số và diện tích quốc gia lớn, văn hóa lâu đời nên việc đưa tiếng Anh vào giáo dục hoặc giao tiếp thường nhật sẽ gặp khó khăn. Đây cũng là vấn đề của Ấn Độ, nơi người dân sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau và thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng.

Ngoài ra do quá tập trung vào ngữ pháp, trong các tiết học tiếng Anh, học sinh Nhật Bản ít có cơ hội được nói và thực hành sử dụng ngoại ngữ. Ngoài lớp học, các em nói tiếng Nhật với gia đình và mọi người xung quanh nên cũng không có nhiều cơ hội ứng dụng tiếng Anh vào đời sống thực tế. Từ nguyên do này, các em khó hình thành phản xạ tư duy và giao tiếp bằng tiếng Anh, đồng thời không có động lực hay hứng thú để học tiếng Anh nghiêm túc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ