Vì sao nhiều người khó thở sau khi mắc Covid-19?

GD&TĐ - Những người không có các triệu chứng Covid-19 trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị bệnh vẫn có thể gặp hậu Covid. Trong đó, khó thở là một triệu chứng phổ biến ở những người bị hậu Covid-19.

Người bị khó thở hậu Covid cần kết hợp uống thuốc và tập luyện để điều trị tình trạng này.
Người bị khó thở hậu Covid cần kết hợp uống thuốc và tập luyện để điều trị tình trạng này.

Liên quan đến chức năng cơ quan hô hấp

PGS.TS Nguyễn Văn Kình – Cố vấn cao cấp Trung tâm Gen trị liệu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ, khi khó thở sâu, mọi người có thể cảm thấy mệt mỏi, hoặc như không thể đưa đủ không khí vào phổi. Khó thở là một trong những triệu chứng nổi bật của Covid-19 và còn kéo dài sang cả hậu Covid.

“Không giống như nhiều bệnh khác gây khó thở, triệu chứng này có thể tồn tại và nhanh chóng leo thang ở những người mắc bệnh Covid-19. Khó thở là trạng thái cơ thể cảm thấy khó khăn khi hít vào và thở ra.

Đồng thời, có thể khiến chúng ta hổn hển, ngực cảm thấy quá căng khi hít vào hoặc thở ra. Với một hơi thở nông cũng cần nỗ lực rất nhiều và khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi. Chúng ta có cảm giác như đang thở qua một ống hút. Khó thở có thể xảy ra khi ta đang hoạt động hoặc nghỉ ngơi.

Nó có thể đến dần dần hoặc đột ngột. Khi hoạt động với cường độ cao thì càng khó thở, hoặc sự lo lắng cũng có thể dẫn đến những thay đổi trong nhịp thở và cách thức thở”, PGS Kình cho biết.

Theo chuyên gia này, căng thẳng cấp hoặc lo lắng có thể kích hoạt các phản ứng sinh học của cơ thể. Hệ thống thần kinh phản ứng bằng cách tung ra một loạt phản ứng sinh lý để đáp ứng với mối đe dọa nhận thức.

Chẳng hạn, khi tim đập nhanh, hơi thở cũng nhanh và nông hơn. Dây thanh âm có thể co lại khi gắng thở. Lý do là bởi, các cơ trong ngực đều dành cho việc thở. Trong khi đó, lúc thư giãn, cơ thể thở chủ yếu với sự trợ giúp của cơ hoành, cho phép hít thở sâu, đầy đủ hơn.

“So với các triệu chứng như đau, các cơ chế sinh lý học của sự khó thở ít được hiểu rõ hơn. Chúng liên quan đến việc kích hoạt các thụ thể trong thành ngực, nhu mô phổi và đường thông khí, cũng như sự kích thích của trung tâm hô hấp trong thân não bởi các thụ thể hóa học (chemoreceptor) trung tâm và ngoại biên.

Như vậy, việc xử lý khó thở cần được xem xét kỹ lưỡng, tỉ mỉ và chi tiết vì có rất nhiều yếu tố tạo nên hội chứng này”, PGS Kình lý giải.

Theo đó, tình trạng này liên quan đến cấu trúc, chức năng cơ quan hô hấp. Đồng thời, liên quan đến các yếu tố thần kinh. Vì thế, ông Kình nhấn mạnh, việc lựa chọn các phương thức điều trị cụ thể cho từng người bệnh là vô cùng quan trọng.

Việc điều trị khó thở không đơn thuần là uống thuốc, mà còn cần kết hợp với các biện pháp khác như yoga, thiền, bấm huyệt, châm cứu, cũng như một số phương pháp luyện tập khác.

Triệu chứng sau 4 tuần nhiễm bệnh

Trong khi đó, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn – Bệnh viện Bỏng Quốc gia, người sáng lập Nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ F0, cho biết, một vài người gặp phải các tình trạng hậu Covid. Đó là một loạt các rối loạn, di chứng sau khi mắc Covid-19 mà mọi người có thể gặp phải trong khoảng từ bốn tuần sau nhiễm bệnh.

Thậm chí, những người không có các triệu chứng Covid-19 trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị bệnh vẫn có thể gặp hậu Covid. Những tình trạng này có thể xuất hiện ở các dạng khác nhau. Chúng có thể xuất hiện cùng lúc hay trong khoảng thời gian khác nhau.

“Các bệnh sau khi mắc Covid có thể được biết đến như di chứng Covid, hội chứng Covid kéo dài, Covid-19 hậu cấp tính, tác động lâu dài của Covid hoặc Covid mãn tính. Những triệu chứng này có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị Covid-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ, hoặc không có triệu chứng ban đầu”, TS Tuấn chia sẻ.

Theo TS Tuấn, một số triệu chứng hậu Covid có thể bao gồm: Khó thở hoặc hụt hơi; Mệt mỏi, chóng mặt; Các triệu chứng sẽ trầm trọng hơn sau hoạt động thể chất hoặc tinh thần (tình trạng khó chịu sau khi gắng sức); Khó suy nghĩ hay tập trung (đôi khi còn được gọi là “đám sương mù trong não”);

Ho; Đau ngực hoặc dạ dày; Đau đầu; Tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực; Đau cơ hay khớp; Cảm giác tê râm ran; Tiêu chảy; Gặp vấn đề về giấc ngủ; Sốt; Chóng mặt khi đứng dậy hay thay đổi tư thế đột ngột (choáng váng); Phát ban; Thay đổi tâm trạng; Thay đổi về vị giác và khứu giác; Thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt.

“Cách tốt nhất để ngăn ngừa các di chứng Covid là phòng tránh mắc bệnh Covid-19. Với những người đủ điều kiện, tiêm vắc-xin ngay khi có thể là cách tốt nhất để phòng tránh Covid-19”, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ