Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), thị trường Việt Nam đã tiêu thụ hơn 3,1 triệu chiếc xe máy trong năm 2016. Mức doanh số này tăng 9,5% so với kết quả bán hàng 2.849.060 xe máy của năm 2015.
Dù sản lượng xe máy đang có xu hướng giảm dần qua các năm, nhưng mỗi năm, người Việt vẫn mua và đăng ký mới khoảng từ 2,7 triệu chiếc đến 3,3 triệu chiếc.
Cụ thể, năm 2011 có 3,3 triệu xe máy được bán ra, năm 2012 giảm 200.000 chiếc, còn 3,1 triệu xe, năm 2013 bán được 2,8 triệu chiếc, năm 2014 tiếp tục sụt giảm với 2,7 triệu xe được bán ra, trở lại mốc gần 2,8 triệu xe trong năm 2015. Đến năm 2016 vừa qua lại tăng lên 3,1 triệu chiếc.
Bình quân mỗi năm thị trường Việt Nam "khai sinh” thêm hơn 3 triệu chiếc xe máy. Tổng số lượng xe máy lưu thông trên đường hiện nay lên tới hơn 40 triệu chiếc.
Con số này vượt xa chỉ tiêu sử dụng xe máy đến 2020 đã được phê duyệt với tổng số lượng ở mức 36 triệu chiếc. Chỉ số ấy (tương đương 3:1) được coi là tương đối hợp lý.
Vấn đề đặt ra là lượng xe máy ở nước ta đã quá ngưỡng, thậm chí thừa nhưng vì sao lượng tiêu thụ hằng năm vẫn cao?
Điều này có thể giải thích bởi 3 lý do:
Một là, đa số người Việt dùng xe máy để mưu sinh, kiếm tiền hằng ngày. Đến thời điểm này, số lượng xe máy được sử dụng trên địa bàn cả nước lên đến xấp xỉ 39 triệu chiếc.
Nếu tính một cách tương đối thì có đến hơn 1/3 dân số nước ta đang đi xe máy và có nhiều triệu người dùng xe máy làm công cụ kiếm sống hằng ngày.
Hai là, xe máy vẫn là phương tiện chuyên chở chính trong các thành phố lớn. Xe máy hiện nay đang đảm nhiệm khoảng hơn 80% các chuyến đi trong thành phố.
Vì đơn giản là hệ thống giao thông của chúng ta chưa có giải pháp thay thế, hay nói đúng hơn là chưa có giải giải pháp thay thế bằng hoặc tốt hơn giải pháp hiện nay cho cả người dân và xã hội.
Ba là, ôtô quá đắt. Ôtô vượt xa tầm với của đại đa số người dân nên họ phải tìm đến phương tiện cá nhân rẻ hơn và phổ thông hơn đó là xe máy.