Đây là định hướng chính trị quan trọng để các ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội sửa các quy định pháp luật liên quan. Thực tế cho thấy, xác định đúng tuổi nghỉ hưu là lời giải quan trọng cho bài toán kinh tế chính trị, cần được dựa trên một số nguyên tắc cơ bản như xu thế phát triển về nhân khẩu học, về tâm sinh lý học, về sức khỏe và đặc điểm của điều kiện lao động trong từng nhóm ngành nghề
Bên cạnh một số người lao động thực sự giảm sút sức khỏe do làm việc trong các ngành nghề nặng nhọc, độc hại (đối tượng này vẫn được nghỉ hưu trước tuổi theo quy định), thì có không ít người lao động dù vẫn còn đủ sức khỏe vẫn muốn nghỉ hưu sớm, sau khi nghỉ hưu lại tiếp tục tham gia vào thị trường lao động, và như vậy lý do không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu vì sợ thiếu việc làm cho lớp trẻ không còn hợp lý…
Trên thực tế, việc tăng tuổi nghỉ hưu thường vấp phải sự phản đối từ dư luận – điều này đúng với rất nhiều quốc gia trên thế giới chứ không chỉ riêng với Việt Nam. Cũng là dễ hiểu vì chế độ hưu trí của chúng ta đang rất có lợi cho người lao động. Thực tế, người lao động không chỉ nghỉ hưu đúng tuổi (55 đối với nữ, 60 đối với nam theo quy định hiện hành) mà thậm chí còn tìm mọi cách để về hưu sớm hơn. Theo tính toán từ điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê (2010), có tới từ 60% số người lao động trên 55 tuổi và 45% lao động trên 60 tuổi vẫn tiếp tục làm việc.
Điều này có nghĩa là người lao động không thực sự “nghỉ hưu”, mà chỉ muốn “hưởng hưu”. Một người về hưu sớm ở nước ta sẽ cùng một lúc được hưởng cả lương hưu và lương làm việc khi tiếp tục tham gia vào thị trường lao động, trong khi một người tiếp tục đi làm chỉ được hưởng một thu nhập duy nhất từ công việc của họ và lại còn trích đóng vào Quỹ BHXH, BHYT hàng tháng - khoản đóng góp mà người đã nghỉ hưu sớm không phải đóng.
Trong khi đó, ở các nước, người ta chỉ cho nhóm đối tượng hưu trí này đi làm với điều kiện tiền lương hưu được hưởng bằng phần chênh lệch giữa tiền lương thực sự và mức hưu trí đang hưởng, với lý luận rằng, khi người lao động đã nghỉ hưu, có một khoản thu nhập mà vẫn đi làm sẽ chiếm thêm một vị trí việc làm trong thị trường lao động. Vì vậy, vấn đề “hưu sớm” cần phải được ngăn chặn và trên thực tế, chỉ những người nào không đủ sức khỏe thì mới được hưởng hưu sớm.
Có một vấn đề tế nhị, và có lẽ là mối quan tâm lớn của mọi người, là việc kéo dài tuổi về hưu cho những người lãnh đạo, sẽ làm xáo trộn “quy hoạch” và mất cơ hội cho những người cấp dưới “chờ cho cấp trên về hưu để tiến lên”. Đó là nhu cầu cá nhân chính đáng, song có lẽ văn hóa “kế thừa” này hiện tại chỉ có trong khu vực nhà nước Việt Nam. Vị trí lãnh đạo ở mọi cấp, nên để mở cho mọi người, bao gồm cả người ngoài nhà nước, nếu thực sự chúng ta muốn có một người lãnh đạo tốt (nhiều tổ chức quốc tế còn có quy định là cấp trưởng phải được tổ chức thi tuyển rộng rãi). Do vậy, có lẽ thay vì quy hoạch cấp dưới, nên quy hoạch các tiêu chuẩn và hoàn thiện quy trình tuyển chọn lãnh đạo.
Hơn nữa, nếu như một người lãnh đạo thực sự tốt, thì việc kéo dài thời gian làm việc cũng có lợi cho cơ quan (đối với tổ chức, cơ quan thì quan trọng người lãnh đạo như thế nào, chứ không phụ thuộc họ là ai?). Hơn nữa, nếu cấp dưới thực sự có khả năng, thì họ có nhiều cơ hội, nhiều vị trí để đề bạt chứ không nhất thiết phải chờ cấp trên nghỉ hưu (bởi một người thực sự có năng lực và trình độ cũng như kinh nghiệm thực tiễn phải là người có thể đáp ứng được nhiều vị trí công việc chứ không thể chỉ là một hay một vài vị trí)… Như vậy, “rủi ro” do việc đề bạt lãnh đạo kém không phụ thuộc vào độ tuổi, mà phụ thuộc vào năng lực của những người lãnh đạo cụ thể, phụ thuộc vào hiệu quả của công tác tổ chức cán bộ.
Tất nhiên, câu chuyện này nên bao gồm cả văn hóa từ chức, cách chức. Đối với những người lãnh đạo không đảm bảo năng lực và phẩm chất thì phải có cơ chế buộc họ phải rời vị trí lãnh đạo sớm hơn. Ở Việt Nam, với các điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế lao động, tuổi nghỉ hưu bình quân nên được điều chỉnh vào khoảng 58 - 60 tuổi. Nếu người lao động nghỉ trước tuổi này, sẽ lãng phí trong xã hội (do họ không có điều kiện sản xuất ra giá trị thặng dư và Quỹ BHXH phải trả “lương hưu” cho họ quá sớm).
Như vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu của tất cả người lao động là một vấn đề khách quan. Tuy nhiên, việc thực hiện cần có lộ trình, chuẩn bị tâm lý cho tất cả mọi người. Xác định tuổi về hưu đúng đắn là một bài toán kinh tế chính trị, không đơn thuần là mong muốn của cá nhân hay ý chí của một nhóm lợi ích nào.
Nếu chúng ta xác định đúng được tuổi nghỉ hưu của người lao động thì sẽ tận dụng được tối đa thời gian làm việc, tối đa giá trị thặng dư mà họ đem lại cho xã hội, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW “điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực”./.