Vì sao người dân Hà Nội “quay lưng” với nhà chung cư tái định cư?

GD&TĐ - Cùng với quy hoạch, quản lý đô thị thì chất lượng, quản lý và vận hành nhà chung cư tái định cư trên địa bàn Hà Nội luôn là vấn đề “nóng”.

Vì sao người dân Hà Nội “quay lưng” với nhà chung cư tái định cư?
Ngay tại kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 15 vừa diễn ra, thực trạng chất lượng nhà tái định cư một lần nữa được đưa ra chất vấn tại nghị trường.
Tuy nhiên, với những tồn tại kéo dài từ năm này qua năm khác, các cư dân ở tái định cư rất khó hi vọng về sự thay đổi ngay tại tòa nhà mình đang sống.Thống kê của ngành chức năng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 166 tòa nhà tái định cư với khoảng 14.000 căn hộ đã hoàn thành. Việc quản lý, sử dụng và vận hành nhà tái định cư luôn tồn tại những bất cập. Đó là tình trạng sụn lún, hư hỏng kéo dài, hệ thống phòng cháy, chữa cháy có cũng như không, nhiều căn hộ, diện tích tầng 1 bị sang nhượng, sử dụng trái quy định...
Bà Trần Thị Thu trú tại khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cho biết: “Ở đây không có hệ thống cứu hỏa. Bây giờ chúng tôi ở đây rất sợ. Nhà xe bị hàng quán gửi vào nhiều dẫn đến khả năng cháy nổ cao. Bây giờ lỡ có vấn đề gì xảy ra, chúng tôi chẳng biết giải quyết như thế nào. Chúng tôi cũng kiến nghị nhiều lần, nhiều nơi nhưng chưa giải quyết được”.
Thực trạng nhà tái định cư bị hư hỏng, xuống cấp kéo dài mà không được sửa chữa không chỉ xảy ra ở khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân), mà diễn ra ở hầu khắp các khu tái định cư trên địa bàn thành phố như Đồng Tầu, Đền Lừ (quận Hoàng Mai), Khu tái định cư Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm)...
Như khu tái định cư Đền Lừ là hiện tượng sụt lún, nứt nẻ tại tầng 1, tòa A1, buộc người dân phải “bỏ của chạy lấy người”. Tương tự tại khu tái định cư Đồng Tầu, quận Hoàng Mai cũng là tình trạng sụt lún, hệ thống phòng cháy chữa cháy tê liệt, nước thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường...
Trả lời câu hỏi, vì sao những hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng tại các khu chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố không được kịp thời sửa chữa, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (đơn vị được giao quản lý, vận hành nhà tái định cư) cho rằng, những tồn tại đó bắt nguồn từ chính sách đến thực tế. Hơn nữa, nhiều hạng mục không nằm trong danh sách được hỗ trợ, sửa chữa theo Nghị định 99 của Chính phủ.
Ông Cao Đức Đại, Phó Tổng giám đốc phụ trách, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nói: “Công ty có trách nhiệm tập hợp ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân kèm theo dự toán để báo cáo Sở xây dựng xem xét quyết định. Sở giao công ty có hỗ trợ hay không, thực hiện như thế nào thì phải chờ ý kiến cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều hạng mục cần sửa chữa vượt quá thẩm quyền của công ty”.
Một lần nữa các tồn tại, yếu kém, thực trạng buông lỏng quản lý, vận hành nhà tái định cư... lại được “hâm nóng” tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 15 vừa diễn ra ngày hôm qua (6/7).
Tuy nhiên, việc trả lời chung chung, thiếu quyết liệt của các thành viên ủy ban nhân dân thành phố về hướng khắc phục, xử lý các tồn tại, yếu kém gây hoài nghi trong cư dân.

Qua theo dõi nửa ngày chất vấn, trả lời chất vấn về nội dung này, ông Hoàng Minh Dũng, trú tại khu tái định cư Đồng Tầu, quận Hoàng Mai cho rằng, nỗi bất an của cư dân tái định cư sẽ còn kéo dài khi trách nhiệm quản lý, bảo trì vẫn chưa được làm rõ.

Ông Dũng nêu ý kiến: “Họp Hội đồng nhân dân thành phố, các đại biểu cũng chất vấn về tình trạng xuống cấp nhà chung cư, nhưng tôi thấy chất vấn xong, hứa hẹn xong nhưng đâu vẫn vào đấy. Vấn đề là phải có người nhận trách nhiệm, nếu không, cứ họp, cứ chất vấn rồi đâu lại vào đấy. Chúng tôi bây giờ chỉ mong bán được cái nhà đi để đi tìm chỗ khác ở yên tâm hơn, nhưng nhà này bán cũng khó”.
Bán nhà tìm nơi ở mới không phải là sự lựa chọn dễ dàng đối với các cư dân tái định cư vốn có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng đổi lại, những người dân như ông Dũng sẽ không còn bất an như phải sống trong những ngôi nhà sụt lún, hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Thực trạng đó cũng lý giải vì sao, tại Hà Nội, người dân đang “quay lưng” với nhà chung cư tái định cư và con số gần 1000 căn hộ tái định cư trên địa bàn thành phố đang bị bỏ trống...
Theo VOV.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Màng bảo quản thực phẩm từ hạt nhãn

Màng bảo quản thực phẩm từ hạt nhãn

GD&TĐ - Màng bảo quản thực phẩm phân hủy sinh học sử dụng chiết xuất polyphenol giàu hoạt tính sinh học từ hạt nhãn, kết hợp với các phụ gia hữu cơ.

Các trò chơi team building có thể thiết kế phù hợp với độ tuổi của trẻ. Ảnh minh họa: INT

Học thông qua chơi

GD&TĐ - Có thể tham khảo các trò chơi mang tính đồng đội để rèn luyện trí não, tư duy và tinh thần đoàn kết cho trẻ. 

Ảnh minh họa ITN.

Luyện trẻ mầm non làm việc nhóm

GD&TĐ - Để trẻ mầm non có thể rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, không gì tốt hơn là cho trẻ trải nghiệm trong các hoạt động có tổ chức.