Vui cho gặp, buồn thì thôi
Trải qua hai cuộc hôn nhân với hai đứa con, nhưng Dương Yến Ngọc đều sống xa những đứa con của mình. Ở cuộc hôn nhân đầu tiên, con gái Dương Yến Ngọc có nguyện vọng sống với bố và bản thân cô cũng nhìn nhận được chồng cũ đủ điều kiện chăm lo cho con tốt hơn mình, thỉnh thoảng thích gặp con lúc nào cũng được.
Tuy nhiên, sau khi chấm dứt cuộc hôn nhân thứ hai với anh Trần Thông (chồng cũ Dương Yến Ngọc – PV), nhiều lần cô đau khổ lên tiếng “tố” anh Thông cấm cản mẹ con gặp nhau theo kiểu “vui cho gặp, buồn thì thôi”.
Nữ diễn viên cũng cho biết, trong 7 lần tòa xử quyền nuôi con, chồng cũ đều vắng mặt. Cuối cùng, cô quyết định nhường quyền nuôi con cho chồng là vì nghĩ đơn giản, ai nuôi cũng được, chỉ cần tốt cho con thì mình tôn trọng.
Chấm dứt hôn nhân, vợ chồng Dương Yến Ngọc liên tục “tố” nhau: Chồng cũ “tố” cô bị hoang tưởng, thiếu trách nhiệm với con. Cô “tố” người đàn ông này bạo lực với mình ngay cả khi đã ly hôn và về gặp con.
Trước đó, cuộc hôn nhân giữa hai người đã đầy rẫy mâu thuẫn, từ chuyện người mẫu này cáo buộc ca sĩ Pha Lê ngoại tình với chồng, bị chồng “tố” thường xuyên lấy danh nghĩa của anh vay nợ khắp nơi, hay bỏ nhà đi “biệt tích” cả tháng trời…
Trong chia sẻ gần nhất của anh Trần Thông thì con trai đang sống với bố và được người giúp việc chăm sóc chu đáo. Anh cho rằng, mình hết mực yêu thương con trai và chưa bao giờ dọa giết con mình như lời vợ cũ nói.
Vì sự ích kỷ chứ không phải vì con?
Khác với cuộc hôn nhân đầu tiên, có rất nhiều tình tiết “nhì nhằng” ở cuộc hôn nhân lần thứ hai giữa Dương Yến Ngọc và chồng cũ. Cô từng tiết lộ với báo giới, sau ly hôn đã có một thời gian về sống chung với chồng cũ và con trai.
Đây cũng chính là thời điểm cô “tố” bị anh Trần Thông “đánh đập dã man” dẫn đến chấn thương nghiêm trọng về tinh thần lẫn sức khỏe nên quyết định bỏ đi. “Từ ngày bỏ đi, tôi không được gặp con trai nữa, thậm chí còn bị anh Thông quay lại đánh, đe dọa giết bé khiến tôi vô cùng hoảng sợ và đau khổ”, Dương Yến Ngọc nói.
Nhận định về mối mâu thuẫn dai dẳng trên, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ: "Về nguyên tắc, khi đã ly hôn thì hai người chấm dứt mối quan hệ vợ chồng, song việc quay về sống bên nhau cùng một mái nhà rồi phát sinh mâu thuẫn, cứ thế lời qua tiếng lại là hoàn toàn không ổn.
Chưa kể những mâu thuẫn giữa hai cá nhân có thể tác động xấu đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Pháp luật đã quy định rõ, bố mẹ ly hôn thì con cái vẫn cần được yêu thương, chăm sóc cả vật chất lẫn tinh thần, nếu mâu thuẫn của người lớn mà tác động xấu đến trẻ, vi phạm quyền trẻ em thì cả hai người đều phải đối diện trước pháp luật”.
Chia sẻ bên lề câu chuyện này, Luật sư Quách Thành Lực tâm sự, trong suốt những năm tháng làm việc, anh từng chứng kiến nhiều câu chuyện phức tạp tương tự và nếu hai bên dù đã ly hôn vẫn tiếp tục “tố” nhau bằng lời nói thì khó giải quyết dứt điểm mâu thuẫn cá nhân, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho trẻ nhỏ.
Luật sư Quách Thành Lực nói: “Có hai cách giải quyết mâu thuẫn là “lý” hoặc “tình”. Ở đây, hai người đã nhờ đến pháp luật – chính là cơ sở về “lý” - để ly hôn. Vậy tại sao khi phát sinh mâu thuẫn, họ không tiếp tục dùng “lý” với nhau nhỉ? Tôi nghĩ có nhiều lý do. Hoặc họ bị chi phối bởi tâm lý duy tình nói chung của người Việt với kiểu nghĩ quen thuộc nhưng không mấy thuyết phục bằng hai chữ “vì con”, hoặc thiếu hiểu biết về pháp luật hay sự hằn học kiểu: Cứ thích cãi nhau đấy, để xem ai hơn ai…
Dù nói gì chăng nữa, đó vẫn chỉ là những phán đoán ngoài cuộc qua nhiều trường hợp tôi đã chứng kiến, giải quyết. Nếu người trong cuộc họ cứ làm khổ nhau bằng lời nói thì bản thân mỗi người sẽ chịu thiệt thòi nhất định và thiệt hơn cả là đứa con chung.
Ở góc độ luật pháp hay đời sống, tôi đều không khuyến khích chuyện đôi co dai dẳng giữa hai người đã ly hôn, đồng thời cho rằng câu chuyện ấy hoàn toàn có thể giải quyết dứt điểm chứ không hề “vô phương cứu chữa”. Có chăng, nếu bị chi phối bởi sự ích kỉ, hằn học, sợ tổn thương… thì mỗi người cần vượt qua điều đó”.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về câu chuyện này, Luật sư Quách Thành Lực cho biết: “Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định rất rõ về quyền được thăm nom con sau ly hôn của người không trực tiếp nuôi dưỡng.
Theo đó, người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền thăm nom con, không ai được cản trở, trừ trường hợp người này lạm dụng việc thăm nom để tác động xấu đến việc chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng đứa trẻ và bị tố cáo với bằng chứng rõ ràng.
Nếu đúng diễn biến câu chuyện là người mẫu Dương Yến Ngọc bị cấm cản gặp con, chồng cũ chuyển nơi ở mà không thông báo thì anh này đã có dấu hiệu vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Để giải quyết câu chuyện này, cô ấy có thể trình báo chính quyền, công an sở tại hoặc làm đơn khởi kiện lên tòn án nhằm yêu cầu người chồng chấm dứt hành vi trên.
Trường hợp chồng cũ cho rằng Dương Yến Ngọc có vấn đề về bệnh lý hay tâm lý gây ảnh hưởng xấu đến con thì phải được chứng minh rõ ràng, yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người mẹ đang không trực tiếp nuôi con này”.