Vì sao không nên ép buộc trẻ phải chia sẻ?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc ép buộc trẻ chia sẻ sẽ không giúp dạy trẻ những kỹ năng xã hội mà cha mẹ muốn.

Phụ huynh không nên ép trẻ chia sẻ.
Phụ huynh không nên ép trẻ chia sẻ.

>>> Nhường nhịn mới là bảo vệ mình

>>> Xử trí thế nào với trẻ thích tranh giành?

>>> Dạy con biết chia sẻ - Kỹ năng không thể thiếu

Hầu hết các cha mẹ đều rơi vào tình huống không thoải mái khi con họ từ chối chia sẻ đồ chơi với một đứa trẻ khác ở sân chơi hoặc trong giờ giải lao. Phụ huynh sẽ có xu hướng ngồi đó và cố gắng dỗ dành con mình từ bỏ món đồ chúng thích. Lý do là bởi, một đứa trẻ khác cũng thích món đồ đó.

Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao các cha mẹ làm điều đó? Một trong những nguyên tắc của giáo dục mầm non là dạy trẻ chơi vui vẻ cùng nhau. Song, không ít phụ huynh cho rằng, điều đó có nghĩa là dạy con mình cách chia sẻ.

Tuy nhiên, mục tiêu của việc dạy con chia sẻ là gì? Các phụ huynh có nghĩ rằng, việc dạy trẻ chia sẻ sẽ giúp chúng hòa nhập không? Phụ huynh có muốn giáo dục con mình lớn lên thành người rộng lượng bằng cách đáp ứng nhu cầu của người khác không? Hay, chỉ đơn giản là vì phụ huynh muốn những người lớn khác thấy rằng, cha mẹ đang tuân theo các chuẩn mực xã hội?

Trong những năm đầu đời, trẻ học cách đáp ứng nhu cầu của bản thân. Các khái niệm chia sẻ, cho vay và mượn quá phức tạp đối với trẻ nhỏ. Trẻ mới biết đi chưa phát triển sự đồng cảm và không thể nhìn mọi thứ từ quan điểm của người khác. Do đó, việc ép buộc trẻ chia sẻ không giúp dạy trẻ những kỹ năng xã hội mà cha mẹ muốn. Thay vào đó, hành động này có thể làm tăng tần suất nổi cơn thịnh nộ ở trẻ.

Đừng gửi thông điệp sai

Theo nhà tâm lý học lâm sàng, Tiến sĩ Laura Markham – Trường Đại học Columbia (Mỹ), thay vì dạy trẻ tự lên tiếng, việc ép buộc chia sẻ thực sự sẽ truyền tải một số bài học sai lầm.

Khi đó, trẻ sẽ cho rằng, việc khóc to giúp con đạt được điều mình muốn. Hoặc, trẻ nghĩ rằng, cha mẹ chịu trách nhiệm về việc ai nhận được gì và khi nào sẽ nhận được. Một lầm tưởng khác là trẻ phải luôn gián đoạn việc mình đang làm để đưa thứ gì đó cho trẻ khác chỉ vì được yêu cầu.

Đây không phải là những thông điệp các phụ huynh muốn truyền tải đến con mình. Song, thật không may, khi bị buộc phải chia sẻ, đây thường là điều mà trẻ em có thể tiếp nhận.

Tiến sĩ Markham cho biết, thay vì ép buộc con phải chia sẻ, hãy cho chúng những công cụ để giải quyết xung đột. Mục đích là để con chú ý khi một đứa trẻ khác muốn chơi đồ vật của bé.

Dạy trẻ biện hộ cho chính mình

Bằng cách dạy trẻ sử dụng lời nói, tự bảo vệ mình và giải quyết mọi việc với những đứa trẻ khác, phụ huynh đang dạy con những kỹ năng sống quan trọng. Trẻ em không cần phải được nhắc nhở khi nào thời gian của chúng đã hết. Đồng thời, không cần phải chia sẻ ngay đồ chơi của chúng với người khác.

Nếu người lớn luôn tham dự mọi chuyện hoặc đặt ra giới hạn, trẻ sẽ mất khả năng học hỏi kinh nghiệm. Trẻ em cần học cách lên tiếng cho chính mình.

Điều quan trọng là cha mẹ cần sử dụng sự củng cố tích cực.

Điều quan trọng là cha mẹ cần sử dụng sự củng cố tích cực.

Khuyến khích sự tự điều chỉnh

Trẻ em phải được chơi thoải mái, cảm thấy hài lòng với trải nghiệm của mình. Đồng thời, sau đó, có thể đưa đồ chơi cho bạn khác khi chơi xong. Phương pháp này khuyến khích sự tự điều chỉnh, kỷ luật tự giác và khả năng biết khi nào một người cảm thấy hài lòng. Cách làm này cũng thúc đẩy sự hào phóng. Trẻ em thích làm cho những đứa trẻ khác vui vẻ. Khi có thể làm điều đó theo thời gian riêng của mình thay vì bị ép buộc, trẻ sẽ học cách trở nên tử tế và biết cho đi.

Việc cha mẹ dạy trẻ cách xin lượt, chờ đợi và cách thay phiên nhau là một trải nghiệm học tập. Khi trẻ không bị buộc phải chia sẻ, kết quả cuối cùng là bé sẽ học được tính kiên nhẫn và đồng cảm. Đồng thời, trẻ có khả năng xử lý những tình huống phức tạp hơn về mặt cảm xúc khi lớn lên.

Có một số từ trong vốn từ vựng của trẻ phần lớn sẽ luôn gắn liền với: “Không”; “Của con”; “Đưa con”;… Những từ này thường đi kèm với động tác kéo, tóm hoặc ôm vào ngực. Trong nhiều trường hợp, trẻ mẫu giáo sẽ giữ một món đồ và không muốn người khác có. Dạy trẻ chia sẻ điều gì đó mà chúng không muốn từ bỏ có thể là một nhiệm vụ khó khăn nhưng có thể thực hiện được.

Cha mẹ cũng cần chắc chắn rằng, trẻ biết chia sẻ là gì.

Cha mẹ cũng cần chắc chắn rằng, trẻ biết chia sẻ là gì.

Theo các chuyên gia, để trẻ biết chia sẻ, phụ huynh có thể áp dụng một số biện pháp:

Trở thành một ví dụ tốt

Nếu cha mẹ muốn trẻ mẫu giáo học cách chia sẻ thì trước hết, phụ huynh phải làm gương. Nếu cha mẹ đang ăn táo, hãy đưa cho trẻ một miếng. Nếu trẻ thích tô màu bằng bút đánh dấu của cha mẹ, hãy để bé vẽ một bức tranh với những chiếc bút đó. Biến việc chia sẻ thành hành động bằng cách làm gương cho những hành vi tốt.

Chia sẻ mọi thứ với vợ/chồng hoặc bạn đời và thu hút sự chú ý của trẻ vào hành động đó. “Cảm ơn anh vì đã chia sẻ bỏng ngô với em. Em rất thích khi chúng ta có thể chia sẻ đồ ăn nhẹ cùng nhau” là những câu mà phụ huynh có thể nói với nhau.

Hãy nhớ rằng, đồ vật và đồ chơi của trẻ mẫu giáo là thế giới của bé. Do đó, cha mẹ hãy tôn trọng điều đó. Chỉ vì trẻ còn nhỏ và không mua những món đồ đó, nhưng chúng vẫn là của bé. Nếu cha mẹ cần mượn thứ gì đó, hãy nhớ hỏi và nói lời cảm ơn khi sử dụng xong. Hãy chắc chắn rằng, mọi thành viên trong gia đình đều làm theo điều đó. Quan trọng nhất, hãy đảm bảo rằng, món đồ ở tình trạng tốt khi trả lại trẻ.

Cha mẹ cũng cần chắc chắn rằng, trẻ biết chia sẻ là gì. Hãy để con hiểu rằng, khi chia sẻ đồ chơi với ai đó, họ sẽ không giữ món đồ mãi mãi. Nếu trẻ không muốn chia sẻ búp bê của mình, hãy đặt đồng hồ hẹn giờ. Sau đó, giải thích rằng, khi nào đồng hồ hết giờ thì đã đến lúc để trẻ khác có lượt chơi.

Khi thấy rằng mình sẽ lấy lại được con búp bê, trẻ có nhiều khả năng sẽ đưa người khác mượn dễ dàng hơn. Phụ huynh cũng cần tìm hiểu lý do tại sao trẻ không muốn chia sẻ một món đồ cụ thể. Đó có phải là một món quà đặc biệt từ ai đó? Món đồ có hoàn toàn mới không? Trước khi kỷ luật con vì không hợp tác, hãy tìm hiểu lý do tại sao trẻ lại cư xử như vậy.

Tận dụng các cơ hội để giảng dạy

Đôi khi, trẻ có thể gặp trở ngại khi một đứa trẻ khác không chia sẻ với con. Song, đó vẫn là cơ hội tuyệt vời để giảng dạy. Hãy để trẻ đặt bản thân vào vị trí của bạn bè. Từ đó, tìm hiểu lý do tại sao bạn của bé không muốn chia sẻ. Hãy nói điều gì đó như: “Mẹ nghĩ món đồ chơi đó thực sự đặc biệt đối với bạn của con. Tại sao con không tìm thứ khác để chơi?”.

Cho trẻ thấy rằng, chia sẻ là một điều thú vị

Các thành viên trong gia đình có thể cùng nhau tham gia các hoạt động và trò chơi phù hợp cho hai người trở lên. Một số hoạt động có thể bao gồm: Giải câu đố, chơi trò board game hoặc cùng nhau nướng bánh quy. Khi mục tiêu đã đạt được - câu đố được giải hoặc bánh quy sẵn sàng để ăn - hãy nói về việc chia sẻ hoạt động đó với nhau thật tuyệt vời như thế nào.

Nhận biết khi nào thì không nên chia sẻ

Đôi khi có những món đồ mà trẻ chưa sẵn sàng từ bỏ. Cha mẹ cần hiểu rằng, điều đó hoàn toàn ổn. Nếu cha mẹ ép trẻ chia sẻ một món đồ mà bé chưa sẵn sàng từ bỏ, điều đó có thể phản tác dụng. Đồng thời, khiến trẻ bực bội thay vì trở nên hào phóng.

Trước khi buổi vui chơi bắt đầu, cha mẹ hãy đi khắp nhà và bảo trẻ chọn những món đồ mà bé không muốn cho người khác chơi cùng. Sau đó, cất những món đồ này ở một nơi đặc biệt. Tiếp theo, hãy xem qua và chọn ra những thứ tuyệt vời để chia sẻ, như: Đồ dùng nghệ thuật, trò chơi trên bàn.

Thêm ý tưởng để dạy trẻ chia sẻ

Điều quan trọng là cha mẹ cần sử dụng sự củng cố tích cực. Đưa cho trẻ những thứ để chia sẻ với bạn bè trong một buổi đi chơi hoặc ở trường như nhãn dán, đồ ăn nhẹ cho lớp hoặc đồ chơi nhỏ. Khi thấy việc chia sẻ có thể thú vị, trẻ sẽ có nhiều khả năng tự mình thực hiện việc đó hơn.

Khi một người bạn đến chơi, hãy hỏi cha mẹ của trẻ xem họ có thể mang theo một hoặc hai món đồ chơi để chia sẻ không. Nếu trẻ thấy bạn mình đang chia sẻ đồ đạc, con có thể sẽ làm theo.

Yếu tố khác là kiên nhẫn. Thời gian là một bộ cân bằng tuyệt vời. Khi phát triển các kỹ năng xã hội và kết bạn thực sự, trẻ sẽ sớm nhận ra rằng, việc chia sẻ là niềm vui. Đồng thời, bé cũng sẽ hiểu rằng, việc chơi búp bê yêu thích của mình với một người bạn sẽ tốt hơn nhiều so với chơi một mình.

Phụ huynh cần nhớ rằng, việc chia sẻ không phải lúc nào cũng liên quan đến những điều hữu hình. Hãy ngồi xuống và chia sẻ một câu chuyện hoặc một hoạt động. Ngoài ra, hãy sử dụng từ “chia sẻ” thường xuyên trong vốn từ vựng của bản thân. Trẻ càng nghe từ chia sẻ nhiều thì nó càng trở nên phổ biến và trở thành bản chất. Cha mẹ cũng hãy chỉ ra những chia sẻ hay khi chứng kiến điều đó.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ