Dưới đây là 5 cách để giúp cha mẹ trở nên kiên nhẫn hơn:
1. Tìm ra điểm giới hạn của bản thân và biện pháp khắc phục
Cho dù bạn có một đứa con hay tám đứa, tất cả chúng ta có một cái “nút” nóng nảy khó kiềm chế, và con cái chúng ta lại thường hiểu khá rõ cách tìm ra cái “nút” ấy và ấn nó, đặc biệt là trong thời điểm căng thẳng như khoảng thời gian ngay trước bữa ăn tối hoặc khi chúng ta đang phải lặn ngụp trong một núi quần áo bẩn.
Hãy dành vài phút ở một mình (dĩ nhiên là không có đứa trẻ nào xung quanh) và làm một bản tự đánh giá nhỏ về những thời điểm nhạy cảm và điểm giới hạn trong một ngày của mình. Thông thường sẽ có một khuôn mẫu. Ví dụ, đối với tôi là khoảng thời gian chuẩn bị cho lũ trẻ đến trường và bản thân đi làm đúng giờ vào buổi sáng. Vì có nhiều con với quá nhiều thứ cần được chuẩn bị sẵn sàng, có nghĩa là tôi không có không một phút nào rảnh rỗi nếu tôi cần làm gì đó cho riêng bản thân mình. Tôi đã từng cáu kỉnh và vội vàng cho đến khi tôi nhận ra thực tế rằng những đứa trẻ sẽ không thay đổi trừ khi tôi sắp xếp kế hoạch cho các hoạt động cho gia đình chúng tôi mỗi sáng một cách hợp lý và hiệu quả.
Khi tôi dậy sớm hơn 45 phút so với các thành viên khác trong gia đình, tôi đã có thêm thời gian cho các nhu cầu của riêng mình và không cần phải vội vàng khi các thành viên khác trong gia đình thức dậy. Biện pháp này khiến tôi thoải mái và giúp tôi có thể kiên nhẫn nhiều hơn với các yêu cầu của cả gia đình.
2. Coi như có ai đó đang theo dõi từng cử động của mình
Tôi là người có tính cách thoải mái, vì vậy sẽ đáng chú ý nếu như tôi phải nổi cáu vì điều gì đó. Mặc dù tôi là tuýp người điềm tĩnh nhưng vẫn có nhiều lúc ở cùng lũ trẻ tôi chỉ muốn giơ tay lên trời và kêu lên: "Tôi đầu hàng!". Thật dễ bị mất kiểm soát khi mà lũ trẻ cứ mải chơi hoặc đánh nhau hoặc cư xử thiếu tôn trọng và không giúp đỡ việc nhà sau khi tôi đã yêu cầu nhiều lần.
Nhưng nếu một người nào đó bên ngoài như giáo viên của con mình, bác sĩ nhi, đồng nghiệp hay một người bạn thân nào đó chứng kiến bạn mất bình tĩnh với con mình, có thể bạn sẽ cảm thấy ngượng ngùng và cố gắng bình tĩnh lại càng nhanh càng tốt. Vì vậy, tại sao không tạo thói quen giả vờ rằng có ai đó đang quan sát bạn? Bạn sẽ ít phản ứng thái quá với con nếu ai đó đang theo dõi từng cử động của bạn.
3. Phương pháp tưởng tượng và thiền tĩnh tâm
Tôi có một mục tiêu ghi trong cuốn sổ những việc cần làm trong nhiều năm là học thiền. Tuy nhiên, dù có cố gắng bao nhiêu lần tôi vẫn không thể làm cho tâm trí mình tĩnh lại dù chỉ vài giây, vậy nên tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ làm được. Rồi một ngày tôi cùng con gái 2 tuổi đi bộ đến bờ biển và nhìn ra biển. Mặt nước thật yên tĩnh với những gợn sóng nhỏ xô nhau cuộn vào bờ.
Tôi bắt đầu hình dung rằng mỗi lần sóng xô vào bờ và quay lại biển khơi nó sẽ mang theo những lo lắng và căng thẳng của tôi đi thật xa. Điều đó ngay lập tức khiến tôi bình tâm lại, và tôi đã sử dụng cách thức này từ đó. Tôi đã sử dụng biện pháp này để hình dung kết quả cuối cùng có thể xảy ra.
Ví dụ như con trai tôi mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và thực sự đánh vật để có thể hoàn thành bài tập về nhà mỗi tối. Tôi phải tốn nhiều công sức để giúp con trai mình hoàn thành các bài tập. Khi tôi đi bộ trên biển, tôi hình dung ra cảnh chúng tôi đang bình tĩnh cùng làm các bài tập của con trai mình - những phần khó sẽ bị cuốn trôi ra biển và khả năng con trai tôi giải quyết các bài tập khó sẽ được đưa trở lại theo thủy triều.
Hãy hít một hơi thật sâu khi căng thẳng bắt đầu là một cách hiệu quả giúp bạn thư giãn và thêm kiên nhẫn hơn trong cuộc sống bận rộn của mình.
4. Chăm sóc các nhu cầu của bản thân
Việc chăm sóc và nuôi dạy con luôn bận rộn, hỗn loạn và không có bất kỳ thời gian nào để nghỉ ngơi dù rất ngắn. Một phần quan trọng để duy trì sự kiên nhẫn là đảm bảo rằng bạn đang chăm sóc bản thân mình giống như chăm sóc tất cả các thành viên khác.
Đã bao nhiêu lần bạn nghe người khác rao giảng về việc duy trì bản thân đầy năng lượng để có thể chăm sóc cho gia đình của bạn tốt hơn? Dành thời gian để làm những điều bạn thích, các hoạt động bên ngoài, một tối riêng tư với người bạn đời của mình, hoặc dành thời gian để thư giãn trong một bồn tắm nóng, không chỉ giúp “sạc” lại năng lượng cho bạn, mà còn là ví dụ tuyệt vời để con bạn hiểu rằng tự chăm sóc bản thân là điều cần thiết và có lợi cho cả gia đình.
Tôi thích môn thể thao đấm bốc cũng như việc làm vườn và đã sắp xếp hai hoạt động này trong lịch hàng tuần của mình. Khi tôi chăm sóc tốt cho bản thân mình, tôi cảm thấy tỉnh táo và có thêm nhiều kiên nhẫn để giải quyết các tình huống trong gia đình mà không trở nên cáu kỉnh.
5. Rèn luyện sự kiên nhẫn hàng ngày
Kiên nhẫn cần rất nhiều sự rèn luyện. Giống như những thói quen khác, bạn cần thường xuyên luyện tập sự kiên nhẫn để nó trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày của mình. Tìm một câu “thần chú” cho bản thân mà bạn có thể nhẩm thuộc lòng khi bạn cảm thấy bực bội. Tôi cũng có câu thần chú của riêng mình. Hãy chọn một thời điểm trong ngày mà bạn muốn mình kiên nhẫn hơn, chẳng hạn như thời điểm trước bữa tối. Lũ trẻ thường tìm tòi khám phá trong thời điểm này bởi vì chúng cảm thấy mệt mỏi sau một ngày dài ở trường; hoặc chúng có thể rất đói; hoặc rất hiếu động.
Hãy liên tục nhắc nhở bản thân không phản ứng thái quá với con nếu chúng cứ nì nèo đòi bánh quy trước khi ăn tối hoặc muốn bạn ra ngoài làm cho chúng một điều gì đó, ví dụ như mua cho chúng một quả bóng đá mới để tập luyện vào cuối tuần. Thay vì kêu lên với lũ trẻ rằng bạn đang bận và không thể làm việc đó cho đến khi bạn chuẩn bị xong bữa tối, hãy dừng lại một lúc và tập trung chú ý vào con mình để ít nhất con bạn cảm nhận được bạn quan tâm và không bị đẩy ra cho đến khi bạn hết bận rộn.
Khi bạn có thể tập luyện được sự kiên nhẫn, bạn sẽ thấy tự hào về bản thân và nhận ra rằng bạn có thể tiếp tục kiên nhẫn được và thay vì phản ứng với thái độ tức giận, hãy phản ứng bằng tình yêu thương và nụ cười. Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn về cách bạn tương tác với con mình, ngay cả khi chúng đang làm bạn bực bội bạn vẫn dạy được cho con của bạn luyện tập tính kiên nhẫn cho bản thân chúng.
Theo Afamily