Trong vòng 2 tháng qua tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có 2 người tử vong sau khi hút mỡ bụng. Mới nhất là trường hợp người phụ nữ 31 tuổi, ngụ tại quận 8, sau 14 giờ hút mỡ bụng đã tử vong vào sáng 6/12.
Nạn nhân là chị N. (31 tuổi, hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh). Theo Dân trí đưa tin, tối 5/12 chị N. được một người tự xưng là bạn đưa đến bệnh viện trong tình trạng mệt, tím tái và khó thở. Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 14h chiều cùng ngày, chị N. có thực hiện phẫu thuật hút mỡ bụng tại một thẩm mỹ viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đến 22h cùng ngày thì có các dấu hiệu suy giảm sức khỏe.
Tại Bệnh viện Nhân dân 115 sau khi tiếp nhận và thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở ngoại viện.
Bệnh nhân được hồi sức tim phổi, cấp cứu tích cực, tuy nhiên tình trạng không cải thiện.
Đến hơn 3h sáng 6/12, bệnh nhân tử vong, với chẩn đoán ngưng tuần hoàn sau 14 giờ hút mỡ bụng.
Trước đó, ngày 26/10, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận được đơn của ông B.N.V (chồng người bệnh) khiếu nại đối với Bệnh viện Thẩm mỹ Gangwhoo (số 576-578 Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình) về việc vợ ông tử vong sau khi phẫu thuật hút mỡ bụng tại bệnh viện này.
Nạn nhân là bà N.T.N.T (50 tuổi; ngụ quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) đến khám tại Bệnh viện Thẩm mỹ Gangwhoo vào ngày 16/10, vì lý do béo bụng và hông, bệnh viện chẩn đoán thừa mỡ bụng và hông (BMI 31.25, nặng 80kg), sau khi có kết quả xét nghiệm cận lâm sàng trong giới hạn bình thường, người bệnh được chỉ định phẫu thuật hút mỡ bụng.
Sau khi phẫu thuật hút mỡ bụng, sáng 17/10, người bệnh khó thở, mạch 120 lần/phút, nhịp thở 26 lần/phút, SpO2 95%, được chẩn đoán khó thở chưa rõ nguyên nhân, hậu phẫu hút mỡ bụng ngày thứ 2, theo dõi thuyên tắc mỡ. Bệnh viện xử trí thở ôxy mũi, thở ôxy mask có túi dự trữ 10 lít/phút, dịch truyền, tuy nhiên tình trạng người bệnh không cải thiện nên được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, người bệnh được cho thở máy, thuốc vận mạch, lọc máu ngoài thận... nhưng tình trạng diễn tiến ngày càng nặng, không đáp ứng điều trị nên người bệnh đã tử vong lúc 21 giờ ngày 18/10 (sau nhập viện 1 ngày).
Nói về nguyên nhân các trường hợp hút mỡ tử vong, thông tin trên báo chí, TS.BS Nguyễn Huy Thọ, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật - Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật - Hàm mặt - Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nguyên nhân tử vong có thể do sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê.
Theo TS Thọ rủi ro khi làm thủ thuật này có thể liên quan đến thuốc tê. Khi hút mỡ bụng, bệnh nhân được bơm lượng thuốc tê rất nhiều vào cơ thể. Gần đây giới chuyên môn chú ý nhiều đến ngộ độc thuốc tê. Ngộ độc thuốc tê thường do dùng vượt quá liều tối đa cho phép, hay do nồng độ thuốc tê tăng cao đột ngột trong máu.
TS Thọ phân tích, hiện nay có một quan niệm khác là không phải cứ quá liều thuốc mới gọi là ngộ độc, mà ngộ độc thuốc tê giống như ngộ độc rượu- liên quan đến ngưỡng chịu đựng của từng người. Ví dụ có người uống cả chai rượu không say, nhưng có người uống vài ngụm đã say bí tí. Tương tự với thuốc tê, vấn đề này nằm ngoài dược điển, không phải chỉ đơn thuần là tính toán liều dùng trên cân nặng đã là an toàn.
Cũng theo TS Thọ, ngộ độc thuốc tế và sốc phản vệ có biểu hiện khá giống nhau nhưng cách cấp cứu lại khác nhau.
Thực tế, ở nước ta nhiều ca tai biến nghiêm trọng xảy ra liên quan đến gây tê mà nguyên nhân vẫn bị ngộ nhận là sốc phản vệ. Thực tế sốc phản vệ do thuốc tê là rất hiếm gặp. Ngộ độc thuốc tê mới là nguyên nhân chính gây ra những tai biến đó.
Cũng cho biết trên báo chí về biến chứng hút mỡ bụng, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Cảnh, Khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện 108, hút mỡ bụng ghi nhận biến chứng cao nhất là tử vong. Không loại trừ các nguyên nhân như người bệnh bị sốc phản vệ, sốc do ngộ độc thuốc, sốc do thay đổi các chất trong huyết thanh, mất máu, tắc mạch phổi,…
Đó là những nguyên nhân thông thường nhất có thể dẫn đến cái chết của nạn nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác chỉ có thể được khẳng định sau khi lực lượng chức năng giải phẫu tử thi.
Cũng theo bác sĩ Cảnh, không chỉ riêng hút mỡ bụng, các cơ sở thẩm mỹ bắt buộc phải được sự cấp phép của Sở Y tế với mỗi loại can thiệp mới được đưa chúng vào hành nghề kinh doanh. Bác sĩ tiến hành phẫu thuật cũng phải là người có chứng chỉ hành nghề về phẫu thuật đó, có kinh nghiệm thực hành mới được phép thực hiện.
Thực hiện phẫu thuật ở những cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép, không có đầy đủ trang thiết bị, đội ngũ bác sĩ không có chuyên môn sẽ gặp nguy cơ rủi ro rất lớn. Đơn cử như kỹ thuật hồi sức cấp cứu trong trường hợp gặp biến chứng, nếu là đơn vị có chuyên môn thì có thể giảm đi nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.