Vì sao hơn trăm hộ dân ở Kon Tum phải mòn mỏi chờ cấp sổ đỏ?

GD&TĐ - Nhiều năm trôi qua, người dân ở làng Kon Trang Long Loi và Khu tái định cư thôn Pa Cheng (Đăk Hà) chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hàng chục hộ dân ở xóm 5 (làng Kon Trang Long Loi) chưa được cấp sổ đỏ để ổn định cuộc sống.
Hàng chục hộ dân ở xóm 5 (làng Kon Trang Long Loi) chưa được cấp sổ đỏ để ổn định cuộc sống.

Chờ đợi mòn mỏi

Gần 20 năm về sinh sống ở xóm 5 (làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), hàng chục người dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ để ổn định cuộc sống.

Năm 2004, mấy người trong gia đình ông A Manh (46 tuổi) cùng hơn chục hộ dân khác chuyển về xóm 5 sinh sống. Gia đình ông được UBND thị trấn Đăk Hà hỗ trợ 400m2 đất và 7 triệu đồng để làm nhà.

Tuy nhiên, 19 năm trôi qua, dù đã ổn định cuộc sống ở nơi này nhưng ông Manh cùng nhiều hộ dân khác vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

“Không có sổ đỏ chúng tôi gặp nhiều bất tiện vì chẳng thể mua bán, hay tặng nhà lại cho con cái. Không những vậy, gia đình cũng chẳng thể thế chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư vào nương rẫy phát triển kinh tế”, ông Manh nói.

Tương tự, năm 2004, bà Y Hlăk (40 tuổi) được cấp hơn 400m2 đất ở và 1 căn nhà với diện tích gần 30m2. Sinh sống hàng chục năm ở nơi này nhưng bà Hlăk vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Theo bà Hlăk, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương mong muốn sớm được cấp sổ đỏ. Mặc dù có cán bộ xuống đo đạc, lấy ý kiến người dân nhưng đến nay gia đình bà Hlăk cùng nhiều gia đình khác vẫn sống trên mảnh đất chưa có giấy tờ.

Không chỉ ở làng Kon Trang Long Loi, tại Khu tái định cư thôn Pa Cheng (xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) có 85 hộ dân chưa được cấp sổ đỏ.

Năm 2009, UBND huyện Đăk Hà lập Dự án “Quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Hring” (nay là xã Đăk Long) để đảm bảo đất sản xuất và đất ở cho các hộ dân tại khu vực lòng hồ thủy điện Plei Krông di dời đến nơi ở mới.

Theo mục tiêu của dự án, 300 hộ dân/1.500 nhân khẩu sẽ được hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất tại khu tái định cư Pa Cheng.

Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2009 và kết thúc vào năm 2018 với tổng kinh phí trên 134 tỷ đồng. Tuy nhiên có 35 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã Đăk Mar và thị trấn Đăk Hà không lên ở ổn định vì thiếu đất sản xuất và chưa nhận được các khoản hỗ trợ như mục tiêu của dự án. Không những vậy, có 85 hộ dân chưa được cấp sổ đỏ.

Dù có 5 sào đất canh tác đã được cấp sổ đỏ, nhưng nhà ở của bà Y Panh (43 tuổi, thôn Pa Cheng) vẫn chưa có sổ đỏ. Điều này khiến gia đình bà Y Panh khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng để đầu tư vào rẫy cà phê, nâng cao sản lượng cây trồng.

“Chúng tôi mong muốn các cơ quan ban ngành xem xét, sớm cấp sổ đỏ cho bà con để mọi người yên tâm sinh sống, sản xuất”, bà Y Panh nói.

Bà Y Hlăk mong muốn sớm được cấp sổ đỏ để vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế.

Bà Y Hlăk mong muốn sớm được cấp sổ đỏ để vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế.

Sớm hoàn thiện pháp lý về đất đai cho người dân

Về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Tiến - Trưởng phòng TN&MT huyện Đăk Hà cho biết, đối với 85 hộ dân ở thôn Pa Cheng (xã Đăk Long) trong quý I/2024 sẽ tổ chức đo đạc, thống kê đăng ký để quản lý, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho bà con. UBND huyện sẽ có văn bản báo cáo, xin ý kiến của UBND tỉnh để tổ chức thực hiện.

Riêng với 25 hộ dân ở xóm 5 (làng Kon Trang Long Loi) chưa cấp sổ đỏ, ông Tiến cho hay: Đây thuộc trường hợp được UBND thị trấn Đăk Hà bố trí đất ở trái thẩm quyền từ năm 2004. Tuy nhiên đến năm 2022 UBND thị trấn mới báo cáo, đề xuất với UBND huyện để xin ý kiến.

“Tại thời điểm bố trí đất trái thẩm quyền, UBND thị trấn Đăk Hà không tiến hành xác lập hồ sơ địa chính để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giao đất, cấp sổ đỏ cho bà con”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, hiện 5/25 hộ dân đã được cấp sổ đỏ. Còn lại những hộ chưa được cấp thì có 19 trường hợp thuộc diện hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Do đó, địa phương chưa hướng dẫn người dân đăng ký đề nghị công nhận và cấp sổ đỏ vì 100% những hộ này đều là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn nên không đủ khả năng tài chính nộp tiền sử dụng đất. Thời gian tới Phòng TN&MT huyện sẽ tính đến phương án hỗ trợ để cho bà con nợ tiền thuế sử dụng đất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Để không xa chất lượng

GD&TĐ - Về pháp lý, bằng tốt nghiệp đại học hệ đào tạo từ xa được công nhận có giá trị tương đương so với bằng đại học chính quy.