Cọc giới mục nát vẫn chưa được cấp sổ đỏ

Cọc giới mục nát vẫn chưa được cấp sổ đỏ
c
Anh Lương Trọng Tuyến đang chỉ vào vị trí cột mốc được cắm từ lâu trên đất nhà mình nay đã mục nát nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ

(GD&TĐ) - Năm 2006, những hộ dân đầu tiên của huyện Tương Dương rời nơi “chôn nhau cắt rốn” di dân về tái định cư tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) theo chương trình nhường đất cho dự án thuỷ điện Bản Vẽ. 7 năm đã trôi qua với biết bao khó khăn, vất vả nơi vùng đất mới. Và khi người dân đã bắt đầu ổn định cuộc sống để bước vào “công cuộc” phát triển kinh tế, xây dựng bản làng... thì nhiều hệ luỵ đã bắt đầu nảy sinh từ việc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi nôm na là sổ đỏ). Tuy nhiên giải quyết vấn đề này lại là điều không hề dễ dàng.                             

Không chỉ “sống tạm”...

Bản Thanh Hoà, xã Thanh Sơn (H.Thanh Chương) hiện có 81 hộ với gần 400 nhân khẩu. Đây là một trong những bản có nhiều hộ dân xuống sớm nhất. Nhưng hiện nay 100% số hộ của bản vẫn chưa được cấp sổ đỏ. 

Ông Moong Đức Thắng - một trong những hộ đầu tiên di dời từ huyện Tương Dương về tái định cư tại huyện Thanh Chương hiện ở bản Thanh Hoà, xã Thanh Sơn phản ánh: “Nhà ta trước ở xã Kim Đa nhưng chuyển xuống đây từ năm 2006. Ở bản ni cũng có nhiều hộ chuyển về lúc đó.

7 năm rồi mà nhà nước đã cấp bìa đỏ đâu, dân bản lo lắm. Ở trên Tương Dương, nhà ta có bìa đỏ rồi, nay chưa có bìa đỏ thấy bất tiện lắm; muốn cho ai, bán hay chia tách làm nhà cho con cũng khó... không có bìa nên chưa làm được. Thật lòng là thấy như đang sống tạm vậy!”.

Rồi ông Thắng băn khoăn: “Khi mô cấp bìa đỏ, Nhà nước có bắt ta đóng tiền không. Nhà nước phải hứa và nói cho dân biết khi mô có bìa đỏ chứ”.

Không chỉ có tâm lý sống tạm do đã ở lâu mà vẫn chưa được cấp sổ đỏ, ở một số bản của xã Thanh Sơn cũng đã xảy ra tình trạng tranh chấp đất ở do người dân không xác định được ranh giới đất của nhà mình.

 Điển hình cho những vụ việc này là ở bản Xốp Lằm đã từng xảy ra 2 vụ tranh chấp đất, vụ của anh Lương Trọng Tuyến và Lô Văn Mạnh, vụ của anh Lô Văn Hùng và Lương Văn Thái.  Anh Lô Văn Dương - anh trai của Lô Văn Mạnh, nhà ở lô đất số 28, thay Mạnh giải quyết việc tranh chấp đất với anh Tuyến cũng rất phân vân: “Tôi không biết phải làm sao. Ranh giới cọc mốc thì không thấy mô cả, lâu ngày hắn mục rồi.

Tôi cũng đã nói với anh Tuyến là từ từ rồi giải quyết sau, giờ không xác định được”. Cả anh Tuyến và anh Dương đều kiến nghị: “Chúng tôi về đã hơn 4 năm, cảm thấy rất bất bình. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ mất hết tình cảm làng xóm. Chúng tôi đề nghị cần sớm đo lại đất để cấp bìa cho dân”. 

Tại xã Ngọc Lâm, những hệ luỵ do chưa có sổ đỏ cũng đã tác động lớn đến cuộc sống của bà con, nhất là trong việc phát triển kinh tế. Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm (H.Thanh Chương) - Lô Hoài Dung cho rằng: “Cả xã có 1.378 hộ 5.753 khẩu ở 14 bản. Nhiều bản chuyển về từ 3/2006.

Nhưng hiện nay đất ở và đất vườn liền kề vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Ở quê cũ, chúng tôi đã có sổ đỏ nhưng họ chưa thu hồi. Về dưới này họ chưa cân đối để bà con biết được sử dụng bao nhiêu rồi cấn trừ còn thừa thiếu như thế nào.

Chưa có sổ đỏ nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của bà con. Nhân dân muốn vay vốn, phát triển sản xuất cũng khó”. 

Chờ đủ vốn mới giải quyết

Theo số liệu từ phòng TNMT huyện Thanh Chương, hiện 2 xã Tái định cư Thanh Sơn và Ngọc Lâm có khoảng 2.600 hộ, trong đó xã Thanh Sơn có 1.137 hộ với 4.906 nhân khẩu, xã Ngọc Lâm có 1.378 hộ với 5.753 nhân khẩu.

 Ông Trần Xuân Ngân - Trưởng phòng TNMT huyện Thanh Chương thừa nhận: “Thẩm quyền cấp sổ đỏ là của huyện nhưng ai xử lý, lập hồ sơ để huyện cấp. Theo quy định thì giao đất và cấp sổ đỏ là phải thu tiền nhưng số tiền ấy ai nộp, người dân hay Ban II nộp và nộp như thế nào”.

 Cũng theo ông Ngân, hiện bản đồ địa chính trích đo đất ở của 2 xã hiện đã được sở TNMT phê duyệt. Nhưng quá trình triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc nên UBND huyện đã xin chủ trương và ngày 16/5/2013 UBND tỉnh có công văn 3188 về việc lập hồ sơ giao đất, cấp sổ đỏ khu Tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ tại Thanh Chương. 

Công văn này đã nêu rõ trách nhiệm của Tập đoàn điện lực Việt Nam (chủ đầu tư dự án) là cơ quan quyết định đầu tư kinh phí, làm chủ đầu tư để ký kết hợp đồng với các đơn vị tư vấn thực hiện lập thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình, nộp tiền sử dụng đất cho các hộ dân; UBND huyện Thanh Chương lập và phê duyệt phương án xác định số tiền sử dụng đất của từng hộ phải nộp tại nơi đến và lập hồ sơ giao đất, cấp sổ đỏ; Khi lập phương án bồi thường hỗ trợ di dân TĐC phải tính toán tiền sử dụng đất tại nơi đi nơi đến, số tiền dân còn thừa thì chủ đầu tư tiếp tục trả và nếu thiếu thì dân không phải nộp.

Ông Ngân cũng cho biết thêm, đơn vị tư vấn phải lập hồ sơ chính xác đến xã lập danh sách xét duyệt để cơ sở trình lên đây. Và danh sách ấy có bao nhiêu hộ đề nghị cấp giấy thì chúng tôi căn cứ vào danh sách đó mới soát xét và căn cứ vào bảng giá đất của tỉnh mới cân đối rồi tính ra tiền. Có hồ sơ trình lên thì chúng tôi tính toán được ngay.

Trao đổi với chúng tôi về hệ lụy khi chưa cấp sổ đỏ cho các hộ dân của các xã nói trên, ông Phan Đình Hà - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng: “Huyện không thể nộp tiền thay được. Huyện không có tiền, nếu Ban II không có tiền và để huyện tự lo thì huyện không làm được.

Chậm cấp sổ đỏ gây thiệt thòi quyền lợi của dân là có vì khi có đất đai thì có nhiều quyền, có sổ đỏ thì mới có những quyền đó. Thiệt thòi về quyền lợi là rõ, nhưng thực tế vẫn chưa quá nặng nề vì họ phần lớn là hộ nghèo nên họ vay vốn qua ngân hàng chính sách và không phải thế chấp. Việc xảy ra tranh chấp cũng chưa đến mức độ đâu”.

Thanh  Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ