Vì sao học đại học ở Mỹ ngày càng đắt đỏ?

GD&TĐ - Theo US News & World Report, học phí trung bình tại các trường đại học tư thục Mỹ tăng khoảng 4% trong năm 2022 lên gần 40.000 USD một năm.

Nhiều sinh viên Mỹ lo lắng khi chi phí đại học tăng.
Nhiều sinh viên Mỹ lo lắng khi chi phí đại học tăng.

Theo dữ liệu mới đây của US News & World Report, học phí trung bình tại các trường đại học tư thục Mỹ đã tăng khoảng 4% trong năm 2022 lên gần 40.000 USD một năm. Đối với các trường công lập bang, mức tăng hàng năm là 0,8% đối với sinh viên trong bang và khoảng 1% với sinh viên ngoài bang.

Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân đằng sau mức tăng phi mã này. Đầu tiên, chi phí học đại học tăng cao vì chi phí giảng viên cao. Bà Catharine Hill, nhà kinh tế tại tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Ithaka S&R, nhấn mạnh hiện nay chi phí tuyển dụng giảng viên, giáo sư đại học rất cao.

Chất lượng giáo dục đại học chủ yếu được xây dựng bởi những người lao động lành nghề như giảng viên, giáo sư và chi phí tuyển dụng họ tăng theo nền kinh tế.

Một số ngành nghề có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn lao động nhờ trí tuệ nhân tạo hay người máy nhưng nghề giáo không giống vậy. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, bằng cấp, nhất là bằng sư phạm, càng được khẳng định vị thế.

Để giảm mức chi phí này, nhiều trường đại học đã tuyển dụng giảng viên hợp đồng với mức lương thấp, không được hưởng phúc lợi như giảng viên chính thức. Ước tính, gần 70% giảng viên Mỹ làm việc hợp đồng.

Thứ hai, việc cạnh tranh giữa các gia đình khá giả đã đẩy chi phí giáo dục đại học. Từ những năm 1970, bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ ngày càng rõ rệt và đến nay, khoảng cách giàu - nghèo vô cùng lớn. Năm 2021, ước tính tốp 10% người Mỹ nắm giữ gần 70% tài sản đất nước.

Điều này đồng nghĩa dù chi phí đại học cao, nhiều gia đình vẫn sẵn sàng chi trả những khoản phí này. Từ đó, các trường đại học danh tiếng bắt đầu cạnh tranh để thu hút sinh viên đến từ các gia đình giàu có và thu về những khoản tiền kếch xù. Để thu hút được tầng lớp này, các trường đại học tăng cường đầu tư cho các dịch vụ xa xỉ như ký túc xá đẹp hơn, thư viện hiện đại hơn...

Một nguyên nhân phổ biến khác là trợ cấp nhà nước dành cho đại học giảm. Chính quyền bang cũng chi ít ngân sách hơn cho giáo dục công cộng. Theo một phân tích gần đây của NEA, từ năm 2020 đến năm 2021, tài trợ của bang dành cho giáo dục đại học đã giảm trung bình 6% ở 37 tiểu bang.

Trước đây, nhiều sinh viên đến từ các trường đại học hàng đầu đủ tiêu chuẩn có thể nhận được nguồn hỗ trợ tài chính dồi dào, giúp giảm đáng kể học phí đại học. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng sinh viên nhận được học bổng hay trợ cấp tài chính đã thu hẹp.

Các chuyên gia cảnh báo học phí đại học tăng đồng nghĩa khả năng tiếp cận giáo dục đại học tại Mỹ sẽ hạn chế, nợ sinh viên tăng. Nhiều người trẻ có thể bỏ hoặc không học đại học.

Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng khi vào cuối tháng trước, Tòa án Tối cao Mỹ đã công bố huỷ bỏ chương trình xoá nợ sinh viên của Tổng thống Joe Biden. Ước tính, tổng số nợ sinh viên tại Mỹ hiện là 1,6 nghìn tỷ USD.

Tại các trường tốp đầu, mức tăng lên cao đáng kể. Cụ thể, học phí và lệ phí xét tuyển tại ĐH Harvard là 57.246 USD/năm. Nếu tính thêm chi phí nhà ở, sinh hoạt và đồ dùng học tập, sinh viên sẽ phải trả khoảng 95.438 USD/năm (khoảng 2,2 tỷ đồng).

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.