Ngày 7/6, CLB Thanh Hoá xác nhận chia tay huấn luyện viên trưởng Fabio Lopez người Italy. Người thay thế là Nguyễn Thành Công, HLV nội là con trai của chiến lược gia kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh và là cựu HLV trưởng CLB Sài Gòn.
Trước khi sa thải ông Fabio, CLB Thanh Hóa từng nói lời chia tay 2 HLV ngoại khác là Ljupko Petrovic và Marian Mihail. Mùa này, HAGL và Lee Tae-hoon đang đứng trước nguy cơ đường ai nấy đi sau chuỗi trận nhạt nhoà.
Câu chuyện về các HLV ngoại trên đây chỉ là ví dụ cho bức tranh rộng hơn ở V.League: Các HLV nước ngoài rất khó trụ lại lâu dài trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Đâu là nguyên nhân cho hiện tượng này?
Lịch sử không ủng hộ
Đầu tiên, bản thân V.League từ khi lên chuyên nghiệp vốn đã không phải mảnh đất lành dành cho HLV ngoại. Khi lịch sử không ủng hộ, các HLV ngoại đến sau không có tiền đề tốt để thành công.
Tính đến năm 2015, trong tổng cộng 40 HLV ngoại đến từ 16 quốc gia trên thế giới đến cầm quân ở V.League, vỏn vẹn đúng 2 người ghi dấu ấn là Arjhan Somgamsak (vô địch V.League 2003, 2004 cùng HAGL), Henrique Calisto (vô địch V.League 2005, 2006 cùng Long An). Những người còn lại đều ra đi trong im lặng và không để lại nhiều ấn tượng với người hâm mộ.
Khi V.League hết thời “sính ngoại” trong khoảng một thập niên trở lại đây, số ít HLV ngoại ở V.League cũng đều không thành công với đội bóng họ dẫn dắt. Trong 23 HLV người nước ngoài đến V.League, có tới 16 người không thể trụ lại quá một mùa giải. Những người thành công ít ỏi là Ljupko Petrovic (Thanh Hoá - á quân V.League 2017) và Chung Hae-seong (TP.HCM - á quân V.League 2019).
HLV ngoại có giỏi hơn HLV nội?
Thông thường, các HLV ngoại muốn thành công ở giải VĐQG phải thực sự có đẳng cấp khác biệt so với HLV nội, sự ủng hộ tuyệt đối của lãnh đạo CLB và cái “uy” với cầu thủ.
Đa số HLV ngoại đều không thể hiện được sự vượt trội ấy, bất chấp sự thật là họ từng thành công ở các quốc gia khác trước khi đến Việt Nam.
Trong hầu hết mùa giải, HLV nội mới là những người ghi dấu ấn trong chức vô địch của các CLB. Những ví dụ tiêu biểu là Nguyễn Hữu Thắng (SLNA - 2011), Lê Huỳnh Đức (CLB Đà Nẵng - 2012) hay Lê Thụy Hải (CLB Bình Dương - 2014). 2 trong 3 mùa giải gần nhất, vinh quang thuộc về HLV Chu Đình Nghiêm (CLB Nội - 2018, 2019).
Các HLV nội hiện nay đa số là cựu cầu thủ nổi tiếng khi còn thi đấu. Họ là những người từng trải qua môi trường bóng đá khắc nghiệt ở Việt Nam nên thấu hiểu tâm lý thế hệ đi sau. Chưa kể, họ lại là những người biết cách “làm mới mình”.
Nhiều người đã xây dựng mục tiêu theo đuổi sự nghiệp huấn luyện từ khi còn thi đấu. Họ ra nước ngoài học tập, trau dồi kinh nghiệm để khi trở về là những chiến lược gia có thực tế sân cỏ, ngoại ngữ và trình độ. Họ gần gũi với cầu thủ và quan trọng là "có uy" với cầu thủ. Không phải các HLV ngoại, HLV nội mới là những người có tầm ảnh hưởng lớn hơn trên bàn cân so sánh.
Việc sử dụng HLV nội cũng giúp các đội bóng tiết kiệm được lượng lớn ngân sách trả lương so với khi thuê HLV ngoại. Điều này khiến nhiều CLB chuyển hướng sang chọn những HLV nội thay vì thuê HLV ngoại trong những năm qua.
Rào cản ngôn ngữ, văn hoá
Việc các HLV ngoại không thành công cũng đến từ những yếu tố như: Rào cản ngôn ngữ, văn hóa, chậm thích nghi với bóng đá Việt Nam dẫn đến cách thức huấn luyện và giáo án chiến thuật không phù hợp. Từ đó nảy sinh các vấn đề bất đồng quan điểm. Fabio Lopez của CLB Thanh Hoá là ví dụ.
Nguồn tin của Zing cho biết ông Fabio có mâu thuẫn lớn về phương thức làm việc, bất đồng văn hóa với ban lãnh đạo đội và cầu thủ Thanh Hóa. Ví dụ nhỏ là việc thường xuyên tổ chức các buổi tập vào khung 8-10h, khi thời tiết nắng gắt, ảnh hưởng tới sức khỏe của cầu thủ.
“Con người ông Fabio cũng tốt, nhưng do bất đồng ngôn ngữ và chưa hiểu hết văn hóa Việt Nam nên có những mâu thuẫn với các cầu thủ”, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch CLB Thanh Hoá nhận xét về chiến lược gia người Italy.
Lee Tae-hoon, Chung Hae-seong là số ít HLV ngoại có chỗ đứng ở V.League trong 2 mùa gần đây. Họ là những người hiểu rõ văn hoá, lối sống của cầu thủ Việt Nam. Quan trọng nhất, họ có tiền đề là thành công mà HLV Park Hang-seo mang lại cho đội tuyển quốc gia Việt Nam.