Kĩ năng tư duy giúp học sinh Singapore đứng đầu thế giới

GD&TĐ - Theo kết quả khảo sát Xu hướng học Toán và Khoa học quốc tế (TIMSS) được công bố mới đây, học sinh năm thứ 4 tiểu học và năm thứ 2 THCS Singapore đứng đầu thế giới cả ở 2 lĩnh vực. Kĩ năng tư duy được coi là chìa khóa mang tới thành công.

Kĩ năng tư duy giúp học sinh Singapore đứng đầu thế giới

Đứng đầu thế giới

Hiệp hội Đánh giá Thành tựu Giáo dục Quốc tế (IEA) thực hiện khảo sát Xu hướng học Toán và Khoa học quốc tế (TIMSS). Khảo sát này được thực hiện 4 năm một lần. Tổng cộng 582.000 học sinh thuộc 63 hệ thống giáo dục trên toàn cầu được khảo sát. Riêng ở Singapore có khoảng 12.600 học sinh tham gia nghiên cứu (gồm 179 trường tiểu học và 167 trường trung học cơ sở).

Không chỉ đạt điểm cao ở Toán và Khoa học, khảo sát cũng đánh giá học sinh Singapore có thái độ học tập tích cực hơn và môi trường học tập sáng tạo hơn.

Khoảng 6.500 học sinh năm 4 tiểu học và 6.100 học sinh năm 2 THCS – được chọn ngẫu nhiên từ tất cả các trường học tại Singapore – tham gia trong khảo sát mới nhất (khảo sát được thực hiện 4 năm/lần kể từ năm 1995).

Ở lớp 4 tiểu học, đối với Toán, học sinh đạt điểm trung bình cao nhất là 618. Hồng Kông đứng thứ hai với 615 điểm, tiếp theo là Hàn Quốc 608 điểm. Tương tự đối với Khoa học, điểm trung bình cao nhất là 590, xếp trên Hàn Quốc (589) và Nhật Bản (569).

Cũng theo kết quả khảo sát TIMSS, tỉ lệ học sinh năm 4 tiểu học và năm 2 THCS không đạt điểm “sàn” quốc tế rất thấp ở cả 2 môn, và dưới mức trung bình quốc tế.

Chỉ có 1% học sinh năm 4 tiểu học không đạt “sàn” ở môn Toán, tỉ lệ này ở Khoa học là 3%. Tỉ lệ trung bình quốc tế lần lượt là 7% và 5%.

Đối với học sinh năm 2 THCS, chỉ 1% không đạt “sàn” quốc tế ở môn Toán và 3% không đạt ở môn Khoa học. Tỉ lệ trung bình quốc tế là 16% cho cả 2 môn.

Chìa khóa thành công

Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự tiến bộ của học sinh Singapore trong nhiều năm, đặc biệt là ở kĩ năng tư duy bậc cao.

Đại diện Bộ Giáo dục Singapore (MOE) đánh giá: “Kết quả này phản ánh chương trình của chúng tôi đã chuyển đổi theo hướng nhấn mạnh tới kĩ năng tư duy như vậy trong nhiều năm. Trong thời gian tới, MOE sẽ hướng nhiều hơn vào kĩ năng tư duy trong các kì thi. Không phải bằng cách nâng mức độ khó của bài thi mà là dùng bài thi để kiểm tra kĩ năng mà chúng tôi định hướng phát triển ở học sinh”.

Tiến sĩ Ridzuan Abd Rahim, chuyên gia hàng đầu về chương trình giảng dạy môn Toán, cho biết: “Trong các lớp học Toán của Singapore, bạn có thể thấy cảnh học sinh trao đổi và lý luận rất phổ biến. Các em được yêu cầu lập luận ý kiến và kết luận của mình. Khi học sinh bộc lộ kiến thức nhiều hơn, giáo viên có thể biết rõ mức độ hiểu bài của các em”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Chin Tan Ying, cũng là một chuyên gia hàng đầu về chương trình giảng dạy môn Khoa học, nhấn mạnh rằng ở Singapore đã có dịch chuyển dần về xu hướng khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, thu thập chứng cứ, giải thích các vấn đề. Cách dạy này cho phép học sinh đóng một vai trò rất tích cực trong quá trình học.

Bà Chin cũng cho biết, phương pháp học kiểu này giảm yêu cầu ghi nhớ sự kiện. Một số sự kiện vẫn có thể được đưa ra trong câu hỏi thi, nhưng những thông tin kiểu này có thể tra cứu trên Google. “Do vậy, chúng tôi khuyến khích học sinh suy nghĩ sâu hơn dựa trên thông tin được đưa ra” – TS Chin nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.