Singapore: Sôi động… dạy thêm – học thêm

GD&TĐ - Năm 2014, câu chuyện 1 đứa trẻ 3 tuổi học thêm 3 buổi/tuần được dư luận Singapore đặc biệt quan tâm. 

Singapore: Sôi động… dạy thêm – học thêm

Bé Grabriel Tan ngoài giờ học ở trường mẫu giáo, còn học thêm tiếng Trung, làm toán bằng bàn tính, piano và khiêu vũ. Mẹ của bé cho rằng học vậy thì con trai mới có thể “bắt kịp” khi vào học tiểu học.

Trường hợp của bé Grabriel là điển hình của “cuộc đua vũ trang giáo dục” tại Singapore – theo Christopher Gee, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore.

Nhà nhà học thêm

Năm ngoái, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá hệ thống giáo dục Singapore là tốt nhất thế giới. Mặc dù nền tảng GD phổ thông được đánh giá cao như vậy nhưng ngành “công nghiệp dạy thêm” của Singapore vẫn đang bùng nổ. Năm 2004, ngành này đạt doanh số 650 triệu SG$ (476,8 triệu USD) và đến nay đạt hơn 1 tỉ SG$ (733,5 triệu USD) hàng năm.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Nexus Link năm 2015 cho thấy 80% hộ gia đình Singapore có con học tiểu học – chi tiền học thêm cho con; tỉ lệ này ở trung học là 60% và tiền tiểu học là 40%.

Theo các chuyên gia giáo dục, hiện có hàng nghìn giáo viên tự do “bơi” trong quả bong bóng dạy thêm ngoại khoá. Đứng đầu trong đội ngũ “chiến binh” này các “siêu giáo viên” với thu nhập khổng lồ. Ít nhất có 10 người trong nhóm “siêu giáo viên” có thu nhập vượt quá 1 triệu SG$ (721.000 USD), theo tạp chí Straits Times.

Nếu như ở nhiều quốc gia, bùng nổ học thêm được cho là do hệ thống GD công lập không cung cấp đủ kiến thức thì với Singapore lại khác.

Theo các chuyên gia GD Singapore thì cuộc đua tranh của phụ huynh cho con vào trường tốt ở cấp học cao hơn là nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp dạy thêm tăng trưởng thần kì. Bên cạnh đó, Singapore có ít tài nguyên tự nhiên và chủ yếu dựa vào nguồn lực con người để cạnh tranh trên trường quốc tế…

Bỏ việc để dạy thêm

Anthony Fok là một trong những siêu giáo viên. Ở độ tuổi 30, Fok đang theo học Tiến sĩ. Fok là một kế toán có mức lương cao tại một công ty kiểm toán thuộc nhóm 4 ông lớn kiểm toán tại Singapore, trước khi bỏ việc năm 2007 để đi giảng dạy tự do về kinh tế học.

Mặc dù đi dạy vì “thích giao tiếp với sinh viên và chia sẻ kiến thức với người khác” nhưng dịch vụ của Fok không hề rẻ. Học phí cho gói 4 bài giảng là 308 USD.

Tuy nhiên sinh viên từ khắp Singapore đăng kí học Fok, thậm chí có nhiều sinh viên từ Malaysia sang học. Mỗi buổi học dài khoảng 1,5 giờ với mỗi lớp có từ 30 đến 50 học viên.

Gary Ang, 37 tuổi, một siêu giáo viên khác, có thu nhập 5 con số hàng tháng. Ang thực hiện 24 tiết dạy Toán mỗi tuần, xen giữa chương trình học thạc sĩ về Toán.

Học phí cho mỗi tiết học 2 giờ là 62 USD và mỗi lớp khoảng 15 học viên từ 15 đến 18 tuổi. Ang thu hút học viên nhờ khả năng khai thác khả năng Toán học tiềm ẩn của học sinh.

Mặc dù Fok nhấn mạnh rằng “không giáo viên dạy thêm nào có thể bảo đảm thành công” nhưng thực tế hơn 60% trong 200 – 300 học viên của Fok có kết quả nổi trội trong kì thi A-level và O-level hàng năm.

Fok chia sẻ, ngoài phương pháp dạy, mỗi giáo viên dạy thêm cũng có những chiêu thức “chăm sóc khách hàng” khác nhau. “Tôi lưu số điện thoại cá nhân của toàn bộ học viên và các em có thể nhắn tin và gọi hỏi các thắc mắc sau giờ học. Nhiều học sinh nhắn tin cho tôi vào nửa đêm và tôi vẫn trả lời” – Fok cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ