Lãng phí hàng trăm trụ sở
Chủ trương sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động là một hướng đi đúng đắn của Nhà nước. Tuy nhiên, sau quá trình này, tỉnh Nghệ An có hàng trăm trụ sở làm việc, cơ sở sự nghiệp bỏ không hoặc sử dụng kém hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng lãng phí, nguy cơ thất thoát tài sản công đáng lo ngại.
Nhiều năm qua, người dân phường Đông Vĩnh (TP Vinh) bức xúc trước thực trạng trên địa bàn không có trường THCS. Đặc biệt, mỗi dịp vào năm học mới, vấn đề lại trở nên “nóng” đối với các gia đình có con em sắp tốt nghiệp bậc tiểu học.
Trước đây, phường Đông Vĩnh từng có trường THCS với một dãy phòng học 2 tầng và nhà hiệu bộ được đầu tư rộng rãi, khang trang. Tuy nhiên, do nhà trường đóng gần một số nhà máy, lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường cho con em mình, nhiều phụ huynh xin chuyển trường.
Vì thế, số lượng học sinh Trường THCS Đông Vĩnh ngày càng giảm mạnh. Đỉnh điểm vào năm học 2008 - 2009, khối lớp 6 của nhà trường chỉ còn 1 lớp với 43 học sinh.
Cùng thời điểm này, khi có chủ trương sáp nhập những trường học không đủ số lượng học sinh, Trường THCS Đông Vĩnh được sáp nhập vào Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (phường Hưng Đông). Kể từ đó, ngôi trường này bị “xóa sổ”, phường Đông Vĩnh không còn trường cấp 2.
Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, khuôn viên Trường THCS Đông Vĩnh nằm ở vị trí đẹp, trung tâm của phường, thuận tiện đi lại. Phía trong, dãy phòng học 2 tầng và nhà hiệu bộ xuống cấp nghiêm trọng. Những bức tường rêu phong, cũ nát, các phòng học tan hoang. Trong khuôn viên trường, nhiều nơi cỏ dại mọc um tùm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Văn Toàn - Chủ tịch UBND phường Đông Vĩnh cho biết, việc con em phải đi học xa trở thành vấn đề nóng mà nhân dân, cử tri trên địa bàn đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, vào mùa tuyển sinh, người dân rất bức xúc khi con em học cấp 1 nhưng không biết học cấp 2 ở đâu.
Theo ông Toàn, hiện Sở GD&ĐT đang có chủ trương, đề án thành lập trường THCS mới trên địa bàn phường Đông Vĩnh. Quy hoạch được UBND TP Vinh chấp thuận, vị trí trường mới nằm ở phía Nam của phường với diện tích khoảng 1,6ha.
Tuy nhiên, người dân nơi đây chưa biết đến bao giờ ngôi trường này mới được xây dựng. Trước mắt, học sinh vẫn phải di chuyển một quãng đường xa để đến trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông.
Cách đó hơn 2km, trụ sở làm việc của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS nằm ở phường Quán Bàu, TP Vinh rộng hàng nghìn m2 cũng bị bỏ hoang. Bên trong, dãy nhà làm việc được xây dựng hình chữ U cao 3 tầng với tổng cộng hơn 50 phòng làm việc.
Năm 2019, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS được quy hoạch, sáp nhập về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An. Cũng kể từ đó, trụ sở làm việc rộng hàng nghìn m2 của trung tâm này bị bỏ hoang, “cửa đóng then cài”. Chứng kiến tòa nhà bị hoang phế, nhiều người dân địa phương không khỏi tiếc nuối.
Do bỏ hoang lâu năm, một số hạng mục đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Tường đã bị bong tróc từng mảng lớn, xuất hiện nhiều vết nứt. Trong thời gian chờ đợi, Sở Tài chính Nghệ An phải thuê bảo vệ thay phiên nhau túc trực ở trụ sở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS bảo vệ tài sản.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều “khối tài sản ngủ quên” trên địa bàn tỉnh, đặt ra bài toán nan giải về việc quản lý và tái sử dụng hiệu quả nguồn lực công.

Truy cứu trách nhiệm nếu để xảy ra lãng phí
Theo báo cáo của Sở Tài chính Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 278 cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích.
Điều đáng nói, 278 cơ sở này có tổng diện tích đất không sử dụng lên tới hơn 636.000m2. Trong đó, chủ yếu là nhà, đất từ các đơn vị như: Kho bạc, ngân hàng, Bảo hiểm xã hội, trụ sở UBND xã, trường mầm non… Đây là những trụ sở dôi dư từ các giai đoạn sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, huyện từ năm 2025 trở về trước.
Để giải quyết tình trạng này, ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký ban hành Kế hoạch 224/KH-UBND nhằm xử lý 278 cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không để lãng phí, thất thoát tài sản công.
Đối với 12 cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị Trung ương có quyết định chuyển giao về tỉnh Nghệ An quản lý, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định, trình phương án xử lý.

Đối với 190 cơ sở nhà, đất thuộc cấp huyện quản lý có thể đề xuất điều chỉnh phương án xử lý như: Giữ lại tiếp tục sử dụng; bán tài sản trên đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, điều chuyển, chuyển giao về địa phương quản lý…
Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ “thường xuyên, liên tục”, UBND tỉnh Nghệ An sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí nguồn lực.
Với động thái quyết liệt từ chính quyền, người dân Nghệ An kỳ vọng rằng, những khối tài sản đang “ngủ quên” sẽ sớm được “đánh thức”, tái sử dụng một cách hợp lý, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc truy cứu trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lãng phí là cần thiết để răn đe và đảm bảo kỷ luật trong quản lý tài sản công.