Vì sao "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi còn gọi là "An Nam vũ cống"?

GD&TĐ - Bộ sách “Ức Trai di tập Nam Việt dư địa chí” của Nguyễn Trãi, ngoài việc được gọi bằng tên khác như “Đại Việt địa dư chí”, còn được gọi là “An Nam vũ cống”, “Nam Quốc vũ cống”.

Vì sao lại gọi là “Vũ cống”? Đó là vì thiên “Vũ cống”, là thiên thứ 6 trong “Kinh Thư” của Khổng Tử, hay còn gọi là “Thượng Thư”, viết về việc vua Vũ trị thủy và phép cống phú của nhà Hạ, trong đó ghi chép về địa lý và sản vật của từng địa phương ở Trung Quốc thời cổ đại.

Thiên này cho biết, nhà Hạ chia Trung nguyên của Trung Quốc làm 9 châu, mô tả chi tiết về sông núi đất đai, sản vật các châu thời vua Vũ và định lệ cống cho các châu, vì vậy có tên gọi là “Vũ cống” (Vua Vũ là vua đầu tiên của nhà Hạ). Theo “Sử ký” của Tư Mã Thiên thì từ thời Hạ, chế độ cống thuế của các chư hầu đã được hoàn bị.

Dù các học giả Trung Quốc suy đoán thiên “Vũ cống” do thời sau của Khổng Tử viết, nhưng tất cả đều công nhận giá trị của tác phẩm trong việc nghiên cứu địa lý Trung Quốc cổ đại.

Phương pháp soạn thiên “Vũ cống”, là chép các tên sông núi đặc biệt của từng châu, đánh giá chất đất vùng đó tốt hay xấu, hạng đất cao thấp và các sản vật của địa phương phải cống tiến cho nhà vua. Ví dụ: “Sông Tế, sông Hoàng Hà ở về Duyện châu... Đất đen, màu mỡ, cỏ tươi tốt, cây dài lớn, ruộng vào hạng trung hạ... Đồ cống có sơn, tơ và gấm đựng vào giỏ tre”.

Nguyễn Trãi đã phỏng theo hình thức đó để chép về các đạo thời Lê sơ. “Nay, thần vâng thánh chỉ, đã nói về bang, sư (tên nước ta ở các đời và kinh đô), lại xét thổ sản các nơi, để định việc cống phú”, ông viết trong phần mở đầu cuốn sách.

Ông cũng chia chất đất của từng vùng ra làm 9 hạng, từ thượng thượng, trung thượng, hạ thượng đến thượng hạ, trung hạ, hạ hạ.

Ví dụ, về xứ Hải Dương, tức vùng Hải Dương, Hải Phòng ngày nay, ông viết: “Vùng này đất thì trắng, mềm, hợp với việc trồng thuốc hút; ruộng thì vào hạng thượng thượng. Gỗ có tùng, bách, hòe, liễu. Nửa lộ sản dừa, cau. Ngải Môn (huyện Đồng Lại, nay là huyện Ninh Giang, Hải Dương) và Dương Áo (huyện Tiên Minh, tức Tiên Lãng, Hải Phòng ngày nay) sản vật có nhiều thứ. Đường Hào (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên ngày nay, nhưng chú thích trong sách nói Đường Hào là tên sông, có thể là sông Thái Bình) có cá đuối. Hai huyện An (An Dương và An Lão) có gà chọi. Đồng Lại có cam đường. Núi Hoa Triều (huyện Đông Triều), núi Kính Chủ (nay thuộc thị xã Kinh Môn, Hải Dương) sản đá hoa. Ấp Mao Điền (huyện Cẩm Giàng), ấp Bất Bể, ấp Hội Am (huyện Đồng Lại) dệt vải nhỏ”.

Nguyễn Trãi và cuốn “Dư địa chí”.

Nguyễn Trãi và cuốn “Dư địa chí”.

Hoặc phần ghi chép về đạo Sơn Tây: “Đà Dương (sông Đà), Tản Viên ở về Sơn Tây, ở vùng này, đất thì trắng, mềm, hợp với bãi trồng dầu; ruộng thì vào hạng thượng trung. Huyện Tiên Phong (vùng Ba Vì ngày nay) có lụa. Huyện Bất Bạt có dầu, rào chắn (có thể là công cụ đi săn), gai, đay và đồ nhung liệu. Huyện Mỹ Lương (Chương Mỹ) có ngà voi, sừng tê. Huyện Tam Nộng có chè tai mèo, sáp vàng, sáp trắng...”.

“Dư địa chí” dày dặn và nhiều thông tin do không phải chỉ một mình Nguyễn Trãi soạn, mà là một công trình tập thể. Ngoài phần ghi chép sơ lược của Nguyễn Trãi theo phong cách của thiên “Vũ cống” là ngắn gọn, súc tích, nội dung còn được làm rõ hơn nhờ phần “tập chú” của Nguyễn Thiên Túng, lời “cẩn án” của Nguyễn Thiên Tích và lời “thông luận” của Lý Tử Tấn. Đây là ba danh sĩ đồng thời với Nguyễn Trãi.

Lời “tập chú” của Nguyễn Thiên Túng chú giải thêm những câu của Nguyễn Trãi, chú thích rõ hơn về các địa danh (sông, núi), định rõ vị trí các đạo (bốn mặt giáp các địa phương nào), số lượng các phủ, huyện, châu của từng đạo, hay giải thích các danh từ.

Lời “cẩn án” của Nguyễn Thiên Tích chép rõ tên các phủ, huyện châu của đạo và số xã, thôn, phường, trang, bãi, động, sách... Phần “thông luận” của Lý Tử Tấn là những lời nhận xét về tính chất nhân dân hay về vị trí của đạo.

“Dư địa chí” là tác phẩm địa lý đầy đủ đầu tiên của Việt Nam. Trước khi có “Dư địa chí”, để tìm hiểu về địa lý Việt Nam, chỉ có thể tìm đọc trong các phần “Địa lý chí” trong chính sử Trung Quốc như “Hán thư”, “Tùy thư”, “Đường thư” và các sách địa lý như “Thủy kinh chú” (thời Bắc Ngụy), “Nguyên Hòa quận huyện chí” (thời Đường), “Thái bình hoàn vũ ký” (thời Tống).

Nguyễn Trãi viết trong sách là ông soạn sách chỉ trong “một tuần” (một tuần thời xưa là 10 ngày), nhưng có lẽ ông đã chuẩn bị công phu tài liệu từ nhiều năm trước đó. Theo Lý Tử Tấn viết trong sách, khi Nguyễn Trãi đem dâng sách này vào năm 1435, vua Thái Tông khen ngợi, sai thợ khắc ván in để phổ biến. Nhưng đến năm 1442, khi vua Lê Thái Tông tuần hành tỉnh Đông bị chết đột ngột trong gia trang của Nguyễn Trãi, triều đình cho là bà Nguyễn Thị Lộ vợ Nguyễn Trãi giết vua, đã tru di cả ba họ nhà Nguyễn Trãi, thì quan Đại Tư đồ Lê Liệt (tức Đinh Liệt) sai thợ hủy bản sách ấy đi.

Đến thời vua Lê Nhân Tông, khi vua vào Bí thư các, xem các sách vở, thấy bản sách của Nguyễn Trãi còn sót lại, bảo quần thần rằng: “Nguyễn Trãi trung thành, giúp đức Thái Tổ vũ trang dẹp giặc, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng triều ta không ai bằng được. Không may chỉ vì một người đàn bà gây biến, mà người lương thiện bị tội oan, thật đáng thương!”. Vua Nhân Tông bèn đem “Dư địa chí” để trong phòng ngủ làm sách giúp cho việc hành chính.

“Dư địa chí” trở thành công cụ tra cứu và quản lý hành chính hữu hiệu cho nhà vua và triều đình. Về sau, các sách địa chí, tập bản đồ của các triều Lê, Nguyễn đều tham khảo thông tin từ đây. Sách không chỉ có giá trị về mặt địa lý học, và còn có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa và dân tộc học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.