Thêm một “thành trì thất thủ”
Sáng ngày 7/5, Bệnh viện K (Tân Triều, Hà Nội) ghi nhận 6 trường hợp người bệnh và 4 người nhà bệnh nhân dương tính với Covid-19. Các trường hợp này đều điều trị hoặc chăm sóc người nhà tại một phòng bệnh ở Khoa Ngoại gan - mật - tụy.
Theo thông tin dịch tễ, có một người trong số này từng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung. Người này sau đó được chuyển về Bệnh viện K điều trị từ ngày 27/4. Khoa Ngoại gan - mật - tụy đã được phong tỏa từ ngày 5/5.
Chia sẻ về chùm ca bệnh tại Bệnh viện K, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, nhằm ngăn chặn kịp thời để phòng, chống dịch, bệnh viện đã tạm dừng tiếp đón bệnh nhân.
“Chúng ta biết rằng trong đợt dịch này, chủng virus được tìm thấy ở một số trường hợp mắc đều có tốc độ lây lan rất nhanh. Với tinh thần cảnh giác cao nhất, Bộ Y tế cho rằng, chúng ta không được chủ quan và phải đặt ở mức độ: Dịch và số lượng bệnh nhân có chiều hướng gia tăng phức tạp tại Bệnh viện K, để chủ động các biện pháp phòng ngừa”, PGS Khuê nhấn mạnh.
Để ngăn chặn làn sóng dịch tràn vào bệnh viện, ông Khuê cho biết, hiện tại, các bệnh viện và cơ sở y tế đã tổ chức kiểm soát và tổ chức cách ly theo quyết định tiêu chí Bệnh viện an toàn. Tuy nhiên, khi xuất hiện những ca bệnh, với tính chất diễn biến phức tạp, các tỉnh/thành phố cần tích cực nâng lên một mức cảnh báo.
Đồng thời, tiến hành các biện pháp chủ động ngăn ngừa. Ngoài ra, các bệnh viện có xuất hiện ca bệnh Covid-19 sẽ dừng tiếp nhận bệnh nhân. Nhờ đó, có thể sàng lọc và phát hiện sớm các ca nhiễm trong bệnh viện.
Đánh giá về tình hình đợt dịch này, PGS Khuê cảnh báo: “Theo như Bộ trưởng Bộ Y tế đã nói, đợt dịch này và diễn biến trong đợt dịch sẽ phức tạp hơn, với chiều hướng khó khăn hơn các đợt dịch trước”.
Phản ứng “domino”
Những ngày qua, Việt Nam ghi nhận nhiều cụm ca bệnh trong cộng đồng tại các địa phương. Đặc biệt, các biến chủng mới của virus xuất hiện, gây lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng làm tình trạng bệnh nặng lên.
Nhận định về tình hình dịch bệnh sau kỳ nghỉ lễ dài, TS.DS Phạm Đức Hùng - Bệnh viện Cincinaty (Mỹ) cho biết, khoảng 40% người mắc Covid-19 sẽ không phát triệu chứng trong vài ngày đầu tiên.
Do đó, những bệnh nhân này có thể sinh hoạt như người bình thường và lây nhiễm cho người khác một cách âm thầm.
Chuyên gia này dẫn chứng, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, 60% ca mắc Covid-19 trên thế giới là do số người không triệu chứng này lan truyền.
TS Hùng cho rằng, dù không thể dự đoán chính xác số ca bệnh sau kỳ nghỉ lễ, song, khả năng bùng phát đại dịch do phản ứng domino lan truyền là vô cùng đáng lo ngại.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, cần yêu cầu giãn cách xã hội tại Hà Nội. Nhờ đó, giúp các cơ quan chức năng truy vết, khoanh vùng. Đồng thời, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, bảo vệ bản thân cũng như gia đình.
“Tuy nhiên, đợt giãn cách có thể ngắn ngày, phụ thuộc vào khả năng của y tế và các lực lượng vũ trang. Khi đã khoanh được vùng, có thể bỏ giãn cách để trở lại trạng thái bình thường mới”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhận định.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), vắc-xin là “lá chắn” hiệu quả nhất để chống lại đại dịch. Bởi, dù không thể bảo vệ 100%, nhưng vắc-xin sẽ giúp giảm nhiều nguy cơ nhiễm bệnh.