Vì sao chưa giải phóng các hộ dân trên hành lang đường Hồ Chí Minh ở Thanh Hoá?

GD&TĐ - Sở GTVT Thanh Hoá vừa lý giải việc chưa bồi thường, thu hồi diện tích đất còn lại của các hộ trong phạm vi hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh.

Căn nhà sàn xây hàng chục năm chỉ chực sập của gia đình anh Phạm Văn Cảnh (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc). (Ảnh: NT)
Căn nhà sàn xây hàng chục năm chỉ chực sập của gia đình anh Phạm Văn Cảnh (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc). (Ảnh: NT)

Sở Giao thông vận tải Thanh Hoá (GTVT) vừa có văn bản trả lời Báo GD&TĐ liên quan thông tin hàng nghìn hộ dân Thanh Hoá sống khổ trên hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh.

Theo Sở GTVT Thanh Hoá, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hoá có chiều dài khoảng 130km do Khu Quản lý đường bộ II quản lý. Tuyến đường được đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2008.

Tại thời điểm đầu tư xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh, các hộ gia đình mới được thu hồi và bồi thường phần đất nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng để phục vụ đầu tư xây dựng dự án.

Phần diện tích đất còn lại của các hộ gia đình nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ tuyến đường Hồ Chí Minh nhưng do không nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án nên chưa có cơ sở để được bồi thường, thu hồi.

Cũng theo Sở GTVT Thanh Hoá, Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Thạch Quảng đến Tân Kỳ dài 173km được quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.

Hiện nay, dự án tuyến đường Hồ Chí Minh (quy hoạch là đường cao tốc) chưa được triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch, nên việc giải phóng mặt bằng, bồi thường đối với hộ gia đình và các tổ chức khác dọc hai bên đường Hồ Chí Minh chưa có cơ sở để triển khai thực hiện.

Phần diện tích đất còn lại của hộ gia đình hiện nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ của đường Hồ Chí Minh sẽ được bồi thường, hỗ trợ khi cấp thẩm quyền phê duyệt phạm vi giải phóng mặt bằng trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh.

Sở GTVT Thanh Hoá cũng cho biết, phần đất có nhà ở và công trình của các hộ gia đình sinh sống nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ của tuyến đường Hồ Chí Minh chưa được bồi thường, được tạm thời tồn tại nhưng phải giữ nguyên hiện trạng không được cơi nới, mở rộng.

Trường hợp có nhu cầu sửa chữa, cải tạo thì thống nhất với UBND cấp xã và cơ quan quản lý tuyến đường trước khi triển khai thực hiện; phải ký cam kết với UBND xã và đơn vị trực tiếp quản lý tuyến đường về việc không cơi nới, mở rộng.

Khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thu hồi đất để đầu tư xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh, chủ đầu tư dự án sẽ bồi thường, hỗ trợ phần đất thu hồi và công trình trên đất cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng theo quy định của pháp luật.

Trước đó, như Báo GD&TĐ đã thông tin, gần 20 năm qua, Nhà nước vẫn chưa có phương án đền bù khiến hàng nghìn hộ dân ở Thanh Hóa nằm trong giới hạn hành lang “đi không được, ở không xong”.

Không chỉ không thể sửa chữa, xây mới hay cơi nới, các hộ dân sinh sống trong hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh cũng không được tách hộ… kể từ khi dự án được phê duyệt quy hoạch xây dựng vào năm 2004 đến nay, họ không thể làm gì khác trên chính mảnh đất của mình.

Theo chính quyền địa phương, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các hộ dân đã nhiều lần phản ánh việc cắm mốc hành lang đường Hồ Chí Minh quá rộng đã gây khó khăn và ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Người dân cũng mong muốn Nhà nước thay đổi lại quy hoạch để người dân được an cư; trong điều kiện dự án chưa được triển khai, tạo điều kiện để người dân sửa chữa nhà cửa, vì nhiều gia đình nhà đã xuống cấp và có nhu cầu tách hộ cho các con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ