Người dân ở Nghệ An 'sống mòn' chờ dự án xử lý rác thải hoạt động

GD&TĐ - Hoàn thành hơn 2 năm nhưng khu xử lý rác tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) vẫn chưa đi vào hoạt động, khiến nhiều hộ dân phải chịu cảnh ô nhiễm.

Cổng vào khu xử lý rác thải tại huyện Quỳ Hợp. (Ảnh: Phạm Tâm)
Cổng vào khu xử lý rác thải tại huyện Quỳ Hợp. (Ảnh: Phạm Tâm)

Loay hoay tìm đơn vị vận hành

Tháng 2/2019, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 589/QĐ-UBND phê duyệt dự án “Bãi xử lý rác thải thị trấn Quỳ Hợp và các xã phụ cận huyện Quỳ Hợp” với diện tích hơn 6,6ha tại xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp.

Ban đầu, dự án có kinh phí 36,6 tỷ đồng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, sau đó được điều chỉnh dự toán lên 48 tỷ đồng.

Theo thiết kế, bãi xử lý rác này được xây dựng các ô chôn lấp rác; hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác; đường giao thông nội bộ và đê bao xung quanh ô chôn lấp; thoát nước mưa xung quanh bãi rác; lò đốt rác thải với công suất 700-800kg rác sinh hoạt/giờ; hệ thống điện và cấp nước cho khu xử lý…

Toàn cảnh dự án xử lý rác thải thị trấn Quỳ Hợp và các xã phụ cận huyện Quỳ Hợp. (Ảnh: Phạm Tâm)

Toàn cảnh dự án xử lý rác thải thị trấn Quỳ Hợp và các xã phụ cận huyện Quỳ Hợp. (Ảnh: Phạm Tâm)

Sau thời gian dài điều chỉnh quy hoạch và xây dựng, đến tháng 10/2021, bãi xử lý rác cơ bản hoàn thành.

Thế nhưng, kể từ đó đến nay, dự án này vẫn chưa được đưa vào hoạt động.

Năm 2022, UBND huyện Quỳ Hợp cũng gửi thư ngỏ kêu gọi nhà đầu tư, tổ chức nhiều cuộc họp xin ý kiến các sở, ngành để tìm hướng xử lý.

Hơn 1 năm trôi qua, dự án vẫn "dậm chân" tại chỗ.

Theo quan sát của PV, khu xử lý rác thải tại xã Thọ Hợp nằm cách khá xa khu dân cư, đã được xây dựng xong phần hạ tầng như các hố chôn lấp, nhà điều hành, bể nước, hệ thống đốt rác thải...

Xung quanh được đóng cọc bê tông, căn hàng rào dây thép; phía bên trong không có công nhân hay máy móc hoạt động.

Bên trong khu xử lý rác thải tại xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp. (Ảnh: Phạm Tâm)

Bên trong khu xử lý rác thải tại xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp. (Ảnh: Phạm Tâm)

Hệ thống xử lý rác vẫn nằm im lìm chưa đi vào hoạt động chính thức. (Ảnh: Phạm Tâm)

Hệ thống xử lý rác vẫn nằm im lìm chưa đi vào hoạt động chính thức. (Ảnh: Phạm Tâm)

Mong mỏi dự án đi vào hoạt động

Trong khi đó, bãi tập kết rác tại khu vực Thung Khuộc, khối 1, thị trấn Quỳ Hợp có từ hơn 20 năm nay đã quá tải.

Ngay cạnh bãi rác, có 2 hộ dân sinh sống, hằng ngày phải chịu cảnh “tra tấn” của mùi hôi thối bốc lên.

Chưa kể, đây là bãi rác lộ thiên, xử lý theo kiểu đốt thủ công, chính vì thế, mỗi khi rác cháy hoặc mưa xuống khiến người dân vô cùng bức xúc vì vấn đề ô nhiễm.

Bãi tập kết rác tại thị trấn Quỳ Hợp tồn tại từ lâu nay, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. (Ảnh: Phạm Tâm)

Bãi tập kết rác tại thị trấn Quỳ Hợp tồn tại từ lâu nay, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. (Ảnh: Phạm Tâm)

Nhà cách bãi rác chỉ hơn 20m, chị Lê Thị Thực (SN 1981, trú tại khối 1, thị trấn Quỳ Hợp) cho biết, gia đình chị ở gần bãi rác nên nhiều năm nay phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm môi trường.

Những ngày trời mưa nước từ bãi rác chảy tràn ra đường bẩn thỉu, ngày nắng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Các loài côn trùng như ruồi, nhặng bay khắp nhà.

Thậm chí, mùa hè năm 2021, bãi rác này nhiều lần bốc cháy. Dù được chính quyền địa phương xử lý nhưng ngọn lửa vẫn cháy âm ỉ hàng tuần trời.

“Cuộc sống chúng tôi bị xáo trộn hoàn toàn, ăn bữa cơm cũng không thể ngon miệng vì vừa đặt bát xuống là ruồi bu kín. Thương nhất là 2 đứa con nhỏ phải sống trong môi trường độc hại, chỉ mong chính quyền sớm giải tỏa bãi rác này”, chị Thực nói.

Gia đình chị Lê Thị Thực cùng gia đình em trai, bố mẹ bị bãi rác "tra tấn" nhiều năm nay. (Ảnh: Phạm Tâm)

Gia đình chị Lê Thị Thực cùng gia đình em trai, bố mẹ bị bãi rác "tra tấn" nhiều năm nay. (Ảnh: Phạm Tâm)

Ông Nguyễn Tiến Sửu, Chủ tịch UBND thị trấn Quỳ Hợp cho biết, do khu xử lý rác mới chưa vận hành chính thức nên lượng rác của thị trấn và những vùng lân cận đều đưa về bãi rác cũ xử lý, gây quá tải và ô nhiễm.

Một tháng trước chính quyền đã đóng cửa bãi rác cũ, dùng các biện pháp như san ủi, chôn lấp một số rác thải tràn xuống đường. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần bãi rác mới đi vào hoạt động để giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Trong khi đó, ông Trương Văn Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án xây dựng cơ bản huyện Quỳ Hợp cho biết, theo hướng dẫn của các sở, ngành, giữa tháng 12, huyện đồng ý cho một doanh nghiệp ở TP Vinh vận hành thử khu xử lý rác mới của huyện trong 3 tháng.

Sau thời gian này, ngành chuyên môn sẽ làm quan trắc môi trường để đánh giá các yếu tố liên quan rồi thông báo để doanh nghiệp nộp hồ sơ đấu thầu.

Sau 3 tháng vận hành thử, huyện sẽ tổ chức đấu thầu tập trung.

“Thời gian tới hy vọng sẽ có doanh nghiệp đủ năng lực tiếp quản khu xử lý rác, đưa dự án vào hoạt động chính thức để gỡ vướng cho chính quyền cũng như người dân”, ông Nam nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.