Sử dụng tiền Nhà nước vô tội vạ
Resco có 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TPHCM. Resco được xem là doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực bất động sản khi tham gia nhiều dự án (DA) lớn của TP. Như chương trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chương trình chỉnh trang đô thị giải tỏa rạch Ụ Cây, các chương trình nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, chương trình nhà ở tái định cư, xây dựng lại các chung cư xuống cấp, hư hỏng… Resco còn là chủ đầu tư, tham gia nhiều công trình cao ốc văn phòng, khu dân cư thương mại có vị trí đắc địa trên địa bàn TPHCM.
Kết luận của Thanh tra TPHCM đã chỉ ra những yếu kém trong công tác quản lý, thực hiện các DA, thậm chí là sử dụng ngân sách một cách vô tội vạ của Resco.
Trong giai đoạn 2017 - 2018, Resco còn số công nợ năm 2018 chưa thu lên đến hơn 1.473 tỷ đồng. Trong đó có hơn 304 tỷ đồng là cổ tức, lợi nhuận được chia nhưng đến tháng 5/2019 vẫn chưa thu. Đơn vị này cũng từng bị Cục Thuế TPHCM phạt chậm nộp thuế số tiền hơn 10 tỷ đồng và bị ban hành 6 quyết định cưỡng chế nộp ngân sách Nhà nước. Thanh tra cũng đã phải ban hành quyết định thu hồi hơn 54 tỷ đồng là số lợi nhuận còn lại mà Resco “quên” nộp ngân sách Nhà nước năm 2018 sau khi trích lập các quỹ theo quy định.
Resco là chủ của hàng chục dự án lớn với quy mô hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lại thiếu sổ sách kế toán. Nó khiến cơ quan thanh tra gặp khó khăn trong công tác tiếp cận hồ sơ.
Đặc biệt, về hoạt động đầu tư - kinh doanh, chi phí quản lý thực hiện trong 2 năm 2017 - 2018 đều vượt so với kế hoạch được UBND TPHCM giao. Cụ thể, năm 2017 tăng 141,34%. Năm 2018 tăng tiếp 158,42%. Điều đó khiến hiệu quả doanh thu hoạt động kinh doanh chỉ hơn 76% (năm 2017) và năm 2018 lại tiếp tục giảm xuống chỉ còn hơn 72% so với kế hoạch năm. Trong khi đó, Quỹ đầu tư phát triển của Resco còn dư đến hơn 545 tỷ đồng...
Ban Giám đốc Resco dành đặc quyền cho đối tác mà quên trách nhiệm thực thi pháp luật và bảo toàn nguồn vốn Nhà nước tại đơn vị. Theo Thanh tra TPHCM, việc Resco tùy tiện chi hơn 55 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân dù chưa hề được thủ trưởng đơn vị ký duyệt là “tạo điều kiện cho các đơn vị khác chiếm dụng vốn”. Có tới 355 phiếu chi (trị giá gần 55 tỷ đồng) phát sinh từ ngày 15/11 đến 13/12/2017 không có chữ ký duyệt và đóng dấu của các lãnh đạo đơn vị.
Sự tùy tiện trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Resco còn thể hiện qua DA hợp tác với Công ty CP địa ốc Ngân Hiệp về chung cư Nguyễn Kim - khu B (Quận 10). Resco đã dùng vốn Nhà nước chi trả các chi phí thực hiện DA thay cho đối tác. Mãi đến ngày 31/12/2018, Công ty CP địa ốc Ngân Hiệp thực hiện góp vốn hơn 398 tỷ đồng và góp bằng tiền thu từ chia tiền bán sàn thương mại khu B - chung cư Nguyễn Kim hơn 32 tỷ đồng. Kiểm soát viên của Resco chưa kịp thời kiểm tra, xử lý, báo cáo xin ý kiến chủ sở hữu để kịp thời chỉ đạo, xử lý.
Bao giờ sai phạm được xử lý?
Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Resco được Thanh tra TPHCM chỉ ra trong giai đoạn 2017 - 2018. Tuy nhiên, điều đáng nói là suốt thời gian dài vừa qua, công tác chấn chỉnh, xử lý các sai phạm tại Resco vẫn chưa được báo cáo.
Đáng chú ý, ngay từ tháng 10/2019, khi Thanh tra TPHCM báo cáo các sai phạm tại Resco, Văn phòng UBND TPHCM đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo xử lý các sai phạm tại Resco. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Resco nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước theo đúng quy định; thu hồi công nợ, giảm chi phí. Đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp tránh lãng phí, thất thoát, cắt giảm những chi phí không hợp lý, tăng lợi nhuận cho tổng công ty và thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay sau gần 7 tháng mọi thứ vẫn chưa thực sự minh bạch.
Chủ tịch TPHCM cũng yêu cầu Resco ngay lập tức chấm dứt việc sử dụng tiền (tài sản Nhà nước) chi hộ nộp tiền thuê đất, thuế đất cho các Công ty CP Hùng Vương, CP địa ốc 7 và CP địa ốc Ngân Hiệp. Xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp quy định.
Tại báo cáo kết quả thanh tra tại Resco mới đây, cơ quan chức năng cũng nêu rõ các sai phạm tại Resco trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Các sai phạm làm lợi cho đối tác, mang tính rủi ro cao. Có sự tùy tiện trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và chưa phù hợp quy định luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…
Kết luận các sai phạm tại Resco thời gian qua là sự buông lỏng quản lý, tùy tiện trong công tác kế toán thu, chi tiền. Vì thế, dễ dẫn đến việc thất thoát tài sản Nhà nước và phát sinh tham ô, tham nhũng. Thanh tra TPHCM kiến nghị Resco khẩn trương hoàn tất việc đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu. Nghiêm túc thực hiện báo cáo về tình hình công nợ hàng năm theo đúng chỉ đạo của UBND TPHCM.