Vì sao cần cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo?

GD&TĐ - Cấp giấy chứng nhận hay giấy phép hành nghề phù hợp với chính sách đổi mới giáo dục và mang lại lợi ích cho giáo viên, học sinh.

Lợi ích của việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp là nếu làm bài bản có thể cải thiện cơ hội việc làm của giáo viên, có cơ hội tiềm năng nâng cao mức lương, uy tín nghề nghiệp.
Lợi ích của việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp là nếu làm bài bản có thể cải thiện cơ hội việc làm của giáo viên, có cơ hội tiềm năng nâng cao mức lương, uy tín nghề nghiệp.

Hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo do Bộ GD&ĐT tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh có nội dung đáng chú ý là đề xuất cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo. Việc này nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội với những ý kiến trái chiều. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

Mang lại lợi ích cho cả giáo viên và học sinh

- Thưa ông, với kinh nghiệm và góc nhìn cá nhân, ông nhìn nhận như thế nào đề xuất cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo dự kiến sẽ được Bộ GD&ĐT đưa vào Luật Nhà giáo?

Ở hầu hết các quốc gia, cần phải có giấy phép hoặc chứng nhận để trở thành giáo viên, đặc biệt là ở các trường công. Việc cấp phép này đảm bảo rằng giáo viên đáp ứng các tiêu chí giáo dục và đào tạo cụ thể, chứng tỏ họ có khả năng giảng dạy và quản lý lớp học. Giấy chứng nhận này phản ánh trình độ học vấn, kinh nghiệm thực hành giảng dạy, năng lực chuyên môn theo vị trí chức danh nghề dạy học, việc nâng cao năng lực qua các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ. Đôi khi giáo viên muốn có giấy chứng nhận này phải vượt qua các kỳ thi cấp giấy phép.

Tuy nhiên, khi đề xuất này được đưa ra, dư luận đã có phản ứng khá gay gắt về vấn đề này và có ý kiến cho rằng bộ phận soạn thảo vẽ ra các thủ tục hành chính, giấy phép con và vì mục tiêu vụ lợi... Cá nhân tôi cho rằng, sở dĩ dư luận có phản ứng như vậy là do những người tham gia soạn thảo nội dung này chưa thật sự làm rõ được mục đích, ý nghĩa và giá trị của giấy phép này.

- Vậy theo ông, việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo có ý nghĩa như thế nào đối với nhà giáo nói riêng và mục tiêu đổi mới giáo dục nói chung trong bối cảnh hiện nay?

Mục đích và vai trò của việc cấp giấy chứng nhận hay giấy phép hành nghề phù hợp với chính sách đổi mới giáo dục và mang lại lợi ích cho cả giáo viên và học sinh. Giấy phép giảng dạy giúp đảm bảo rằng những người bước vào nghề có kiến thức và kỹ năng cần thiết để giáo dục học sinh một cách hiệu quả qua khả năng hiểu biết về môn học, phương pháp giảng dạy và kỹ năng quản lý lớp học góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, giấy chứng nhận này gắn với một bộ tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức mà các nhà giáo dục phải tuân thủ. Thể hiện mức độ chuyên nghiệp theo chức danh và sự cam kết của nhà giáo trong một lĩnh vực quan trọng và ảnh hưởng lớn như giáo dục.

Việc nhận được giấy chứng nhận nghề nghiệp, giáo viên cho thấy bản thân đáp ứng những kỹ năng và kiến thức cụ thể cần thiết để dạy những môn học đó, nâng cao trách nhiệm giải trình và niềm tin của xã hội vào chuyên môn đạo đức của của người làm nghề dạy học.

Đặc biệt, tiêu chuẩn thống nhất để có thể nhận được giấy chứng nhận giáo viên có trình độ, giúp đảm bảo một hệ thống giáo dục công bằng hơn, nơi tất cả học sinh, bất kể họ được dạy ở đâu, đều được tiếp cận với những giáo viên có năng lực và được đào tạo bài bản.

TS Hoàng Ngọc Vinh.

TS Hoàng Ngọc Vinh.

“Thà đau một lần còn hơn ốm vặt”

- Hiện có nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo là không cần thiết vì sẽ thêm việc, tạo thêm áp lực cho nhà giáo, tốn kém cho xã hội. Theo ông những băn khoăn, lo ngại trên liệu có cơ sở?

Vấn đề ở đây là hiện đang có một số ý kiến băn khoăn, thắc mắc vì sao hầu hết giáo viên tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng sư phạm, nghĩa là những người đã được đào tạo chuyên sâu về giáo dục lại được yêu cầu phải có giấy phép, điều này ban đầu có vẻ dư thừa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy luôn tồn tại khoảng cách tiềm ẩn giữa năng lực đầu ra của người tốt nghiệp về mặt học thuật và kỹ năng giảng dạy thực tế.

Nhiều kỹ năng thực hành sư phạm, ứng dụng công nghệ trong thiết kế bài giảng, giảng dạy... quản lý lớp học, ứng xử với học sinh và đồng nghiệp giáo sinh ra trường còn thiếu hụt so với yêu cầu dạy học với sự đa dạng về cách học của học sinh, về nhu cầu vùng miền cụ thể.

Cùng với đó, những thay đổi về công nghệ, nhu cầu và tác động của xã hội đến hành vi của giáo viên; và giáo viên luôn phải cập nhật kiến thức, kỹ năng, trau dồi kỹ năng mềm còn thiếu. Ngoài ra, bên cạnh kỹ năng và kiến thức giảng dạy, các nhà giáo dục cũng cần nhận thức được về mặt pháp lý và đạo đức trong nghề nghiệp của mình.

Việc tốn kém có thể xảy ra thà đau một lần còn hơn ốm vặt mà làm kiểu chắp vá cũng do thiếu thực tiễn và tầm nhìn xa từ nhiều năm trước. Vi phạm đạo đức nhà giáo, giáo viên chuyên môn kém, tuyển dụng thì bị sách nhiễu..., giáo viên chẳng có quyền được pháp luật bảo vệ - là hậu quả của việc thiếu cơ chế đúng, mạnh để xử lý. Đương nhiên cách làm thế nào thì cơ quan quản lý giáo dục phải xử lý cho thỏa đáng.

- Đối với đội ngũ giáo viên, lợi ích thiết thực nhất mà giấy chứng nhận nghề nghiệp có thể mang lại cho họ là gì thưa ông?

Lợi ích của việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp là nếu làm bài bản có thể cải thiện cơ hội việc làm của giáo viên, có cơ hội tiềm năng nâng cao mức lương, uy tín nghề nghiệp, công việc ổn định không dễ bị gây khó khăn sách nhiễu bởi cơ quan tuyển dụng và sử dụng; được bảo trợ pháp lý và tác động tích cực đến học sinh cùng cơ hội thăng tiến tốt hơn trong công việc.

Kinh nghiệm nhiều quốc gia là giấy chứng nhận cần bao gồm các thành phần nhằm đảm bảo giáo viên hiểu rõ trách nhiệm của họ cũng như khuôn khổ pháp lý và đạo đức mà họ phải hoạt động trong đó. Nói cách khác giấy chứng nhận nghề nghiệp góp phần củng cố cầu nối giữa lý thuyết và thực hành, đảm bảo năng lực được tiêu chuẩn hóa và chuẩn bị cho các nhà giáo những yêu cầu và thách thức cụ thể mà họ sẽ gặp phải trong sự nghiệp chuyên môn của mình.

Kinh nghiệm thế giới

- Việc thực hiện cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được các quốc gia trên thế giới thực hiện thế nào? Theo ông, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo sẽ do cơ quan nào cấp? Việc phân cấp thực hiện ra sao, liệu có xung đột với các chức danh, học hàm, học vị hiện nay hay không?

Nhìn chung thủ tục cấp giấy phép hành nghề dạy học hay còn gọi là giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo gồm một số bước và tùy theo quy định của mỗi quốc gia.

Yêu cầu ứng viên phải tốt nghiệp trình độ giáo dục về sư phạm hoặc ở ngành học khác thì phải có chứng chỉ công nhận hoàn thành các chương trình bổ sung. Sau đó phải tham gia vào một chương trình giảng dạy học sinh, bao gồm làm việc dưới sự giám sát của một giáo viên giàu kinh nghiệm để có được trải nghiệm thực tế trong lớp học. Đồng thời phải vượt qua một kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hoặc được công nhận qua các chứng chỉ bồi dưỡng liên quan đến nghề dạy học đã học trước đây.

Bước này kiểm tra kiến thức cơ bản, kiến thức môn học định dạy, có thể yêu cầu đánh giá phương pháp và chiến lược dạy học. Sau đó, gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gồm đơn đề nghị đến cơ quan chịu trách nhiệm, hồ sơ gồm bảng điểm, điểm kiểm tra, bằng chứng hoàn thành chương trình chuẩn bị cho giáo viên và bất kỳ tài liệu cần thiết nào khác, và kiểm tra lý lịch để đảm bảo an toàn cho học sinh. Cuối cùng, tham gia vào giáo dục thường xuyên hoặc phát triển chuyên môn. Ở một số quốc gia giấy phép yêu cầu gia hạn định kỳ với bằng chứng về việc học tập liên tục và đăng ký gia hạn.

Thực tế ở hầu hết các quốc gia hiện nay, giảng viên đại học gồm cả PGS và GS không cần phải có giấy chứng nhận giống như giáo viên dạy tiểu học và trung học. Sở dĩ như vậy là vì việc kiểm soát nghiêm ngặt việc cấp giấy chứng nhận sẽ ảnh hưởng đến tự do học thuật, nguyên tắc cốt lõi của GDĐH. Ngoài ra có thể không phù hợp với nhiều môn học và phương pháp giảng dạy đa dạng được sử dụng ở bậc đại học.

Nhiều nhà giáo trong GDĐH có bằng cấp cao, việc yêu cầu cấp giấy phép có thể là dư thừa. Tuy nhiên, một số trường đại học cung cấp chứng chỉ giảng dạy tùy chọn hoặc chương trình phát triển chuyên môn cho các nhà giáo dục muốn nâng cao kỹ năng giảng dạy của mình. Điều này có thể được quy định trong Luật Nhà giáo.

- Xin cảm ơn ông!

Việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp giáo viên là cần thiết vì để đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, đảm bảo năng lực chuyên môn, đạo đức ứng xử chuyên nghiệp, xây dựng niềm tin của xã hội, giáo viên có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm tại các địa phương khác làm hài hòa cung và cầu giáo viên trong hệ thống, buộc giáo viên phải thường xuyên nâng cao năng lực, và đó là cách bảo vệ lợi ích của người học.

TS Hoàng Ngọc Vinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.