Vì sao cả Excalibur, HIMARS, JDAM đều bắn trượt mục tiêu?

GD&TĐ - Chiến thuật tác chiến điện tử Nga đã khiến đạn pháo thông minh Excalibur, tên lửa HIMARS và bom chính xác JDAM của Ukraine đều bắn trượt mục tiêu.

Vì sao cả Excalibur, HIMARS, JDAM đều bắn trượt mục tiêu?

Ấn phẩm The Telegraph của Anh có bài viết cho biết, một bức tường xung điện từ vô hình trải dài gần như dọc theo toàn bộ chiến tuyến của Ukraine, cung cấp cho quân đội Nga sự bảo vệ chắc chắn khỏi các cuộc tấn công của tên lửa và máy bay không người lái của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Theo bài báo, các hệ thống tác chiến điện tử đã dần trở thành nhân tố then chốt tạo nên lợi thế công nghệ của Nga trong một cuộc xung đột quân sự ngày càng nghiêng về phía Moscow.

Điều đầu tiên mà Lực lượng Vũ trang Ukraine nhận thấy là đạn pháo M982 Excalibur 155mm - niềm tự hào về đạn pháo chính xác cao của Mỹ, được dẫn đường bằng GPS, đột nhiên bắt đầu chệch khỏi mục tiêu.

Sau đó, tên lửa phóng từ hệ thống Pháo Phản lực Cơ động cao (HIMARS) M142, có độ chính xác “giống như phẫu thuật bằng dao mổ”, mà Kiev từng tự hào, bắt đầu bắn trượt mục tiêu.

Điều tương tự cũng sớm xảy ra với bom dẫn đường GBU-31 JDAM - loại bom thông minh có bộ điều khiển quỹ đạo, do Mỹ cung cấp cho Không quân Ukraine cũng không thể ném bom trúng mục tiêu.

Sau một thời gian nghiên cứu, giới chuyên gia quân sự phương Tây mới phát hiện ra rằng, sự phát triển và nâng cao năng lực tác chiến điện tử của Lực lượng Vũ trang Nga trong thời gian tương đối ngắn đã giúp họ có thể phá hủy hoặc vô hiệu hóa hầu hết các loại vũ khí tấn công có giá trị nhất của Ukraine.

Một điều không kém phần quan trọng là khả năng tác chiến điện tử của Nga đã phát huy hiệu quả cao trong việc chống lại vô số máy bay không người lái giá rẻ và thường là máy bay không người lái chiến đấu chính thức nhận được từ phương Tây, thứ mà Ukraine phụ thuộc rất nhiều về mặt trinh sát và chỉ định mục tiêu.

Một báo cáo từ Viện Liên quân Hoàng gia Anh (RUSI) cho thấy Nga đã triển khai trung bình một hệ thống tác chiến điện tử lớn trên mỗi 10 km dọc theo tiền tuyến.

Các nhà phân tích quân sự Anh gọi hệ thống tác chiến điện tử Rosehip-AERO gắn trên xe tải đặc biệt hiệu quả trong việc chống lại máy bay không người lái của Ukraine.

Có tầm bao phủ lên tới 10 km, nó có khả năng chặn đứng các tín hiệu điều khiển các UAV, thời gian tác chiến từ lúc phát hiện đến lúc ngăn chặn tín hiệu điều khiển máy bay không người lái chỉ mất khoảng 25 giây.

Ngoài ra, Rosehip-AERO cũng nhanh chóng xác định tọa độ vị trí của người điều khiển UAV với độ chính xác một mét, để truyền dữ liệu cho lực lượng hỏa lực dập tắt trạm hoặc tiêu diệt binh sĩ điều khiển UAV.

Ở những khu vực tiền tuyến không được trang bị các hệ thống phức tạp hơn, binh lính Nga sử dụng các thiết bị chiến hào nhỏ hơn. Các hệ thống chạy bằng pin có phạm vi hoạt động từ 50 đến 100 mét, mặc dù để bảo tồn năng lượng nên chúng hiếm khi được bật 24 giờ một ngày.

Những hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã gây ra quá nhiều khó khăn cho hoạt động tác chiến của Quân đội Ukraine. Các chỉ huy chiến trường của Ukraine cũng nhận thức được rằng họ đang ở thế bất lợi.

Telegraph trích dẫn chia sẻ từ các quân nhân của Lực lượng Vũ trang Ukraine rằng tần số vô tuyến được sử dụng để điều khiển cả máy bay không người lái FPV tấn công và máy bay không người lái trinh sát đều “hoàn toàn bị nhiễu”.

Điều này là do Lực lượng Tác chiến Điện tử của Nga đã gây nhiễu hoàn toàn các hệ thống dẫn đường của họ hoặc đơn giản là phá vỡ các kênh điều khiển vô tuyến của người điều khiển.

Các biện pháp đối phó tinh vi mà các nước NATO sử dụng phần lớn được coi là nằm ngoài tầm với của Ukraine. Mỹ có lệnh cấm xuất khẩu thiết bị tác chiến điện tử, lệnh cấm này do Bộ Ngoại giao kiểm soát, bởi Washington lo ngại công nghệ tối tân sẽ rơi vào tay kẻ thù.

Do đó, càng ngày quân đội Ukraine càng lép vế trên tất cả các khu vực chiến trường nếu phương Tây không nhanh chóng cung cấp đầy đủ các trang thông tin liên lạc chỉ huy, thiết bị điều khiển/ngăn chặn UAV tối tân cho Kiev.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ