Lần đầu tiên, Bộ đưa quy định các nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh thành một điều riêng, với 3 nội dung cốt lõi: Công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch đối với xã hội. Đặc biệt, trong đó yếu tố công bằng với thí sinh được thể hiện rõ trong nhiều điểm.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã bổ sung quy định các cơ sở đào tạo đưa ra phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có lộ trình hợp lý, tổ hợp sử dụng trong năm trước giảm không quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo. Bộ sẽ ban hành kế hoạch chung cho công tác xét tuyển đợt 1 để các cơ sở đào tạo phối hợp triển khai các quy trình đăng ký xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ và Cổng dịch vụ công quốc gia. Cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh, tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.
Thời gian qua, cùng với việc thực hiện tự chủ đại học, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngày càng có nhiều đổi mới theo hướng khoa học hơn, rộng cơ hội hơn cho thí sinh. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực đáng ghi nhận, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng vẫn còn những bất cập.
Mùa tuyển sinh 2021, việc các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành, nhưng phân bổ chỉ tiêu không hợp lý hoặc tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu công bằng, gây hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Biểu hiện là điểm trúng tuyển cao bất thường, có thí sinh 30 điểm vẫn không đỗ vào ngành học đã lựa chọn, khiến nhiều người bức xúc.
Bên cạnh đó, các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau nhưng lại không có biện pháp bảo đảm công bằng giữa các thí sinh, tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo lớn. Các trường cũng chưa tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên nhất, có năng lực nhất, chưa kiểm soát được điều kiện sơ tuyển, do vậy thí sinh không đủ điều kiện vẫn trúng tuyển và phải xử lý vấn đề sau khi thí sinh tiến hành nhập học, đã theo học…
Để bảo đảm công bằng đối với thí sinh, chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2022, Bộ GD&ĐT đã nỗ lực cải tiến nhằm khắc phục những bất cập trong năm trước và phát huy những ưu điểm trong công tác tuyển sinh.
Những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo lần này được đặt ra với kỳ vọng không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ ngành đào tạo thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng có quy định riêng); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém. Song song đó, thí sinh phải được đánh giá khách quan, công bằng và tin cậy về khả năng học tập và triển vọng thành công, đáp ứng yêu cầu của chương trình và ngành đào tạo; được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất và quyền xác định nguyện vọng ưu tiên trong số những ngành, chương trình đủ điều kiện trúng tuyển…
Dù chỉ là khâu khởi đầu nhưng tuyển sinh lại gắn với sự sống còn của các cơ sở đào tạo và quyền lợi của triệu thí sinh. Do đó, việc đổi mới thi cử, tuyển sinh được Bộ GD&ĐT tiến hành bài bản, khoa học chứ không thể vội vàng. Những điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong tuyển sinh năm 2022 đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, bởi điều chỉnh này không chỉ giữ ổn định theo phương án tuyển sinh trong lộ trình 2021 - 2025, tăng cường hỗ trợ cho thí sinh, mà còn đặc biệt coi trọng công bằng trong tuyển sinh - một nguyên tắc cốt lõi, góp phần bảo đảm cơ hội học tập cho mọi người, tạo sự tin cậy cho xã hội.