Công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh

GD&TĐ - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Dự thảo Quy chế gồm 4 chương, 27 điều - quy định những nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình, quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non cho các hình thức đào tạo; quy định cụ thể về tổ chức thi phục vụ tuyển sinh do các cơ sở đào tạo thực hiện và xét tuyển đào tạo hình thức chính quy.

Ngoài những điểm mới dự kiến điều chỉnh đã được Bộ GD&ĐT thông tin trước đó, dự thảo quy định về tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm. Cụ thể: Cơ sở đào tạo có kế hoạch xét tuyển sớm đối với một số phương thức tuyển sinh tổ chức cho thí sinh đăng ký dự tuyển bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo.

Cơ sở đào tạo thực hiện quy trình xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung. Cơ sở đào tạo công bố và tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung, hoàn thành trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh đã dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Trường hợp thí sinh đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác).

Trường hợp không đủ điều kiện trúng tuyển vào một ngành đào tạo theo nguyện vọng, thí sinh vẫn có thể tiếp tục đăng ký ngành đào tạo đó theo phương thức tuyển sinh khác trên hệ thống.

Về thông báo kết quả và xác nhận nhập học, dự thảo quy định: Cơ sở đào tạo gửi giấy thông báo cho những thí sinh trúng tuyển nhập học, trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học và phương thức nhập học của thí sinh.

Việc xác nhận nhập học phải được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống. Trong trường hợp cơ sở đào tạo quy định thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức khác (qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo hoặc có thể kết hợp trong quy trình nhập học), cơ sở đào tạo phải thực hiện việc xác nhận nhập học cho thí sinh trên hệ thống.

Đối với những thí sinh không xác nhận nhập học trong thời hạn quy định: Nếu không có lý do chính đáng thì coi như thí sinh từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận;

Nếu do ốm đau, tai nạn, có giấy xác nhận của bệnh viện quận, huyện trở lên hoặc do thiên tai có xác nhận của UBND quận, huyện trở lên, cơ sở đào tạo xem xét quyết định tiếp nhận thí sinh vào học hoặc bảo lưu kết quả tuyển sinh để thí sinh vào học sau;

Nếu do sai sót, nhầm lẫn của cá nhân, tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh hoặc cá nhân thí sinh gây ra, cơ sở đào tạo chủ động phối hợp với các cá nhân, tổ chức liên quan xem xét các minh chứng và quyết định việc tiếp nhận thí sinh vào học hoặc bảo lưu kết quả tuyển sinh để thí sinh vào học sau.

Thí sinh đã xác nhận nhập học tại một cơ sở đào tạo thì không được tham gia xét tuyển ở nơi khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được cơ sở đào tạo cho phép.

Dự thảo dành 1 chương để quy định về tổ chức thi tuyển sinh đối với các cơ sở đào tạo. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định về đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung; xét tuyển và xử lý nguyện vọng theo kế hoạch chung cùng nhiều quy định khác.

>>>> XEM CHI TIẾT DỰ THẢO TẠI ĐÂY

Điều 3 của Dự thảo quy định: Yêu cầu chung trong tuyển sinh. Cụ thể: Cơ sở đào tạo thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong công tác tuyển sinh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Mỗi cơ sở đào tạo thực hiện tất cả biện pháp cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội bình đẳng cho mọi thí sinh; tuyển chọn được những thí sinh có nguyện vọng và năng lực phù hợp nhất với yêu cầu của chương trình và ngành đào tạo.

Các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ dưới sự hỗ trợ, giám sát của Bộ GD&ĐT nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và liên thông trong hệ thống; giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyển sinh của mỗi cơ sở đào tạo và của toàn hệ thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ