“Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi/Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương/Có những bài ca nghe rạo rực lòng người”. Quả thực, có những lời ca tiếng hát đã đi cùng năm tháng, quyện hòa trong hơi thở, trong đời sống của mỗi người dân Việt Nam qua bao nhiêu thế hệ.
Tôi muốn nhắc đến âm điệu và ca từ, tình cảm mãnh liệt và niềm phơi phới tin yêu mà nhạc sĩ Doãn Quang Khải (1925 - 2007) đã gửi gắm trong ca khúc “Vì nhân dân quên mình”.
Từ dòng chữ trên báo…
Nhạc sĩ Doãn Quang Khải là người con của xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, nay thuộc TP Hà Nội). Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, tròn 20 tuổi, tháng 8/1945, Doãn Quang Khải nhập ngũ.
Ông gia nhập đoàn quân Tây Tiến rồi cùng đơn vị hành quân lên Tây Bắc, đi bộ theo đường 41 (đường 6 ngày nay), bước chân lên Chợ Bờ, Suối Rút, có mặt tại Sài Khao, Mường Lát, Châu Mộc, Châu Yên…, những địa danh quen thuộc với đoàn quân Tây Tiến, để phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt - Lào, đánh tiêu hao, tiêu diệt quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như vùng Tây Bắc - Bắc Bộ trong điều kiện hoang vu và hiểm trở, núi cao, sông sâu, rừng rậm, có rất nhiều thú dữ.
Dù phải sống và chiến đấu trong điều kiện hết sức gian khổ, ốm đau không có thuốc men, chết vì sốt rét nhiều hơn là vì đánh trận, ông và những đồng đội đã sống rất lạc quan và chiến đấu dũng cảm.
Vượt lên trên mọi thử thách khắc nghiệt của chiến tranh và hoàn cảnh sống, họ vẫn giữ nguyên cốt cách hào hoa, thành lịch, rất yêu đời và cũng rất lãng mạn của những thanh niên Hà Nội như những gì mà nhà thơ Quang Dũng đã mô tả trong bài thơ Tây Tiến: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Một người lính bước vào cuộc chiến tranh với lòng vui phơi phới, bất chấp gian lao lửa đạn, đi khắp mọi miền đất nước, trải qua các chiến trường Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Việt Bắc, Bình Trị Thiên, Tây Nguyên… cộng với niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ, nên những tháng ngày chiến đấu cam go nhạc sĩ Doãn Quang Khải rất muốn sáng tác một bài hát.
Nhưng viết về cái gì, viết như thế nào thì ông chưa biết, bởi ông chưa chọn được đề tài. Đang trăn trở chưa biết làm thế nào để tránh trùng lặp với các nhạc sĩ đi trước bỗng ông nhìn thấy tờ báo Vệ Quốc Đoàn (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân ngày nay), trên tiêu chí, mục đích của tờ báo in đậm dòng chữ “Vì nhân dân phục vụ”.
Ông reo lên, rồi lẩm nhẩm: Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Quả thực, hiện thực đã cất cánh để những âm điệu mạnh mẽ, ca từ hào hùng đã ra đời chỉ trong một đêm.
Cảm hứng nào để những người lính không được đào tạo về nhạc lí mà lại sáng tác được một bài hát để đời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam hôm nay hát mãi? Chỉ có thể có được điều đó, bởi những người lính đã xác định “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh”.
Đến ca khúc bất hủ
Ra đời vào tháng 5/1951, hành khúc “Vì nhân dân quên mình” được nhạc sĩ, Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Doãn Quang Khải sáng tác trở thành một khúc ca bất diệt trong tâm hồn lớp lớp thế hệ quân và dân nước Việt Nam.
“Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh
Anh em ơi vì nhân dân
quên mình
Đoàn vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra
Được dân mến được dân tin muôn phần”.
Dạo đầu khúc ca, ta thấy được tinh thần chiến đấu bất khuất của người chiến sĩ Cộng sản: “Vì nhân dân quên mình”. “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” còn là tinh thần chiến đấu bất khuất, lấy nhiệm vụ bảo vệ đồng bào đặt lên hàng đầu để cầm súng chiến đấu chống lại quân thù, mang đến cho dân tộc độc lập, hạnh phúc.
“Anh em ơi” một tiếng gọi sao mà thân thương, gần gũi với những người đồng chí “Súng bên súng, đầu sát bên đầu” đến thế. Tiếng gọi ấy còn khiến ta gợi nhớ đến khúc hát của nhạc sĩ Doãn Nho: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng/ Như năm bông hoa nở cùng một cội/ Như năm ngón tay trên một bàn tay/ Đã xung trận là năm người như một” - những bông hoa sắc đỏ Cộng sản, những đôi bàn tay viết nên trang sử hào hùng.
“Anh em ơi vì nhân dân quên mình” là một khẩu lệnh, một mục tiêu chiến đấu ngân lên từ trong tim người chiến sĩ anh dũng với nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc.
Lời nhạc cứ thế nhịp nhàng “Đoàn vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra” nêu cao được sự gắn kết chặt chẽ của quân và dân nước Việt Nam ta, giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Chính câu hát còn cho ta hiểu được truyền thống uống nước nhớ nguồn vẫn mãi là ngọn lửa bập bùng cháy trong trái tim mỗi người con nước Việt Nam ta, như trong thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh: “Cháu chiến đấu hôm nay/Vì tình yêu Tổ quốc/Vì xóm làng thân thuộc/ Bà ơi cũng vì bà/Vì tiếng gà cục tác/Ổ trứng hồng tuổi thơ”.
Người chiến sĩ Việt Nam luôn lấy niềm hạnh phúc của đồng bào, của những con người thân thương, mong được đền đáp công ơn những người đã mang đến cho mình hình hài, nuôi lớn, chăm bẵm ta nên người, muốn được đổi máu xương vẽ nên sắc hòa bình cho dân tộc.
Song, không chỉ riêng những người chiến sĩ mong muốn cống hiến hết mình cho độc lập của Tổ quốc mà nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc luôn đặt niềm tin yêu toàn phần với Quân đội ta với những người chiến sĩ ngày đêm chiến đấu chống quân thù: “Được dân mến được dân tin muôn phần”.
Anh bộ đội bắt đầu từ những ngày “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”. Chẳng những anh bộ đội cầm súng mà toàn dân đều đồng lòng hướng tới một tương lai tươi đẹp của non sông mà đứng lên chiến đấu chống lại mọi quân thù.

Lời thề sắt son
“Thề vì dân suốt đời thề tranh đấu không ngừng
Vì đất nước thân yêu mà
hy sinh
Thề diệt hết đế quốc kia giành tự do hoà bình
Đoàn vệ quốc quên mình vì nhân dân”.
Lời thề của một người chiến sĩ yêu nước, thương dân mãi mãi không bao giờ phai nhạt. Dẫu trong thời chiến với những chiến trường mưa bom, bão lửa hay cho đến nay trong thời đại hòa bình, những người chiến sĩ khoác lên mình bộ quân phục vẫn ngày đêm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biển đảo, cứu giúp nhân dân trong đại dịch, trong bão lũ,...
“Thề diệt hết đế quốc kia giành tự do hoà bình”. Những đau thương mất mát mà giặc ngoại xâm gây ra đã tôi luyện ý chí quyết thắng, tinh thần dũng cảm cho người chiến sĩ. Nó trở thành động lực thôi thúc các anh chiến đấu giành lại toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, mang đến cho nhân dân một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Quả thực lời ngợi khen của Bác Hồ kính yêu vẫn mãi trường tồn với thời gian: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Biết bao người chiến sĩ đã tạm gác lại những hoài bão, khát vọng của tuổi xuân xanh, kiêu hãnh bước đi giữa rừng xanh bạt ngàn, giương nòng súng mà bảo vệ non sông, cũng biết bao người “Mũ sắt mờ trong sương phủ/Anh nằm yên như ngủ say” dẫu vậy, “giấc ngủ” ấy thiêng liêng, đáng quý đến nhường nào. Giấc nồng say mang hơi ấm của hạnh phúc dân tộc, giấc mơ êm đẹp về một đất nước Việt Nam hùng cường, phát triển.
“Thề noi gương Bác Hồ vì nhân dân gian lao
Trong bao năm người tranh đấu không ngừng
Người chỉ biết có dân ngày ngày lo
Sao cho toàn dân ấm toàn dân no được học hành
Người chỉ vui khi nào toàn dân hết đau thương
Người tranh đấu đem tương lai về cho dân
Đoàn vệ quốc chúng ta là con yêu của Người
Thề noi gương suốt đời vì nhân dân”.
Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người mang tình yêu đất nước, nỗi xót thương đồng bào cùng mong ước cao đẹp về ngày giải phóng, giải thoát nhân dân khỏi cảnh nô lệ lầm than suốt 30 năm ròng nơi “đất khách quê người” tìm ra lý tưởng cao đẹp, hướng đi đúng đắn cho Tổ quốc bước tới độc lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam chính tấm gương sáng chói cho tình yêu, sự hy sinh cao cả với nhân dân, với đất nước: “Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”.
Tác giả cũng như hàng triệu chiến sĩ trong gian lao của cuộc kháng chiến, đều nhớ đến Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc, người cha của lực lượng vũ trang nhân dân. Suốt cuộc đời Người đã đấu tranh vì nước, vì dân sao cho ai cũng được cơm no áo ấm, ai cũng được học hành.
Cũng chính Người đã thành lập nên Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, mang đến cho dân tộc một tương lai tươi đẹp, phát triển hùng cường, vững mạnh. “Vì nhân dân quên mình” đã khẳng định một chân lý: “Quân đội Nhân dân Việt Nam là Quân đội của dân, do dân và vì dân”.
Cũng chính từ điều đó, sáng tác của nhạc sĩ Doãn Quang Khải trở thành một ca khúc bất hủ, một ca khúc truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đất nước ta đang ở thời điểm chuyển giao sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Lớp lớp thế hệ mai sau sẽ mãi khắc ghi truyền thống cao đẹp của thế hệ cha anh, của những người chiến sĩ đang có mặt trên mọi nẻo đường Tổ quốc - những con người đã luôn “vì nhân dân hy sinh”.
Ngoài ca khúc “Vì nhân dân quên mình”, nhạc sĩ Doãn Quang Khải còn sáng tác một số ca khúc: “Đâu cũng là quê hương”, “Tiếng hát dưới trăng”, “Mùa bội thu”… Ở các ca khúc trên, người nghe vẫn bắt gặp một Doãn Quang Khải son sắt với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thiết tha với tình yêu quê hương, đất nước. Như trong ca khúc “Đâu cũng là quê hương”, lời ca của ông sôi nổi, nhiệt tình: “Nay hướng theo lời khuyên của Đảng, đi vùng kinh tế mới thoát cái nghèo từ ngày xa xưa”. Còn ở ca khúc “Tiếng hát dưới trăng” là: “Nhờ Đảng tiên phong, nay ruộng đất đã trở về…”. Trong đó ca khúc “Vì nhân dân quên mình” luôn được xem là một sản phẩm tinh thần, là “tài sản cuộc đời” được mọi người yêu mến và đồng cảm.