'Cách tân' hay phá hỏng các ca khúc truyền thống

GD&TĐ - Mới đây, tiết mục biểu diễn ca khúc 'Áo mới Cà Mau' (nhạc sĩ Thanh Sơn) với sự góp mặt của NSND Thanh Lam nhận về các luồng ý kiến trái chiều.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nhiều người hết lời khen ngợi giọng ca đầy nội lực của Thanh Lam cùng lối biểu diễn trẻ trung, phóng khoáng của các nghệ sĩ khi kết hợp giữa âm nhạc truyền thống với các điệu nhảy hip hop sôi động, rực rỡ.

Song cũng không ít người phê phán, cho rằng các nghệ sĩ có trang phục và vũ đạo không phù hợp với văn hóa, nhất là chi tiết Thanh Lam được các vũ công nâng lên cao, thực hiện động tác xoạc chân.

Đây không phải lần đầu tiên Thanh Lam nhận những phản ứng của dư luận. Vấn đề sâu xa hơn ở màn trình diễn này chính là quan niệm về “cách tân” truyền thống.

Theo dõi đời sống nghệ thuật trong nước những năm qua, chúng ta đã quen với những cụm từ như: “Sáng tạo”, “làm mới”, “đổi mới”, “cách tân trên nền truyền thống”. Những làn điệu chèo cách tân. Tuồng cải biên. Vở diễn sân khấu trộn giữa chèo, cải lương, hát xẩm, hát văn. Xiếc kết hợp cải lương…

Và còn gì nữa? Múa dân gian đương đại. Ca khúc dân gian đương đại. Nhạc truyền thống mix với nhạc điện tử. Rồi đương đại hóa tranh dân gian, đương đại hóa kiến trúc dân gian.

Rất nhiều, rất nhiều.

Và người ta gọi chung là đổi mới, là kế thừa, là phát huy truyền thống, là hướng tới khán giả trẻ, là nuôi dưỡng nghệ thuật truyền thống tiếp nối trong lòng đương đại.

Nếu coi “truyền thống” là một nhân vật của văn học nghệ thuật thì có lẽ đây chính là nhân vật bị tiếng oan nhiều nhất, oan mà không thể cất lời.

Thi thoảng cũng có những ý kiến đầy trách nhiệm của nhà chuyên môn cảnh báo về việc lạm dụng hai từ truyền thống, về sự thận trọng khi kế thừa và phát huy di sản tinh thần của cha ông. Nhưng những tiếng nói ấy ít được lắng nghe một cách nghiêm túc, cầu thị.

Đã là truyền thống, xin hãy giữ gìn nguyên bản. Nếu có đổi mới, cách tân, thử nghiệm cũng cần phải rạch ròi. Trong cơn hứng khởi, thậm chí “lên đồng” của các nghệ sĩ thì vai trò của nhà nghiên cứu phê bình vô cùng quan trọng. Những ý kiến nhìn nhận đó sẽ điều chỉnh cảm xúc, hành vi của nghệ sĩ và khán giả.

Song rất tiếc, địa hạt này hầu như bỏ ngỏ. Và truyền thống vẫn cứ bị mượn áo mượn mũ, khán giả vẫn bị lôi kéo vào “công cuộc” cách tân càng ngày càng rầm rộ này.

Điều gì sẽ xảy ra khi những chuẩn mực không còn được lưu giữ, truyền dạy đúng khuôn thước, mẫu mực? Những mất mát của ca trù hiện nay là một dẫn chứng điển hình và chua xót. Bao nhiêu làn điệu xẩm, bao nhiêu làn điệu chèo cổ đã bị phôi pha? Nghệ sĩ được phong danh hiệu NSƯT, NSND hiện nay, liệu còn mấy người giữ được cách lấy hơi, nhả chữ, luyến láy các làn điệu của dân gian?

Thế nên, nỗi buồn vẫn còn dài dằng dặc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ