Kết thúc việc triển khai song song cùng lúc 2 chương trình, cũng đồng nghĩa việc không còn học sinh một trường nhưng được đánh giá theo 2 quy định khác nhau (Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 và được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 với học sinh trung học học Chương trình GDPT 2006; Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 với học sinh trung học học Chương trình GDPT 2018).
Sau 3 năm các trường trung học triển khai đồng thời 2 cách đánh giá, những khác biệt được thầy cô nhận thấy rõ. Khác biệt lớn nhất là học sinh học Chương trình GDPT 2018 được chú trọng đánh giá vì sự tiến bộ trong học tập, rèn luyện.
Các em không bị giới hạn bởi số lần kiểm tra thường xuyên, có cơ hội phấn đấu để đạt điểm cao hơn, từ đó khích lệ sự cố gắng của người học. Hình thức đánh giá đa dạng, có tính mở; cách thức kiểm tra, đánh giá cũng linh hoạt hơn.
Ngày càng nhiều thầy cô áp dụng hình thức kiểm tra, đánh giá qua sản phẩm, dự án học tập, bài thực hành… giúp học sinh phát triển năng lực, không chỉ qua bài kiểm tra trên giấy truyền thống. Điều này ngoài mang lại lợi ích cho học sinh còn giúp giáo viên có động lực đổi mới, sáng tạo, phát triển chuyên môn. Đặc biệt, giảm số lượng bài kiểm tra, đánh giá định kỳ đã giúp giảm áp lực kiểm tra và điểm số.
Kết quả đánh giá cũng thay đổi. Nhiều thầy cô chia sẻ, áp dụng quy định đánh giá dành cho học sinh học Chương trình GDPT 2018, số em được khen thưởng giảm hẳn, không còn “lạm phát” giấy khen, hướng đến dạy và học thực chất hơn.
Cũng sau thời gian 3 năm, nhà trường, giáo viên ngày càng nhuần nhuyễn hơn khi triển khai cách đánh giá mới. Sự lúng túng, quá tải bước đầu khi giáo viên vừa đánh giá bằng điểm số, vừa đánh giá bằng nhận xét dần được khắc phục. Kiểm tra, đánh giá với môn tích hợp cần sự phối hợp của 2 đến 3 giáo viên cùng dạy môn học ngày càng khoa học, nhịp nhàng. Học sinh đã quen với cấu trúc bài học sách giáo khoa, phương pháp học tập mới và cấu trúc dạng đề kiểm tra…
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cần khắc phục. Một số hình thức kiểm tra, đánh giá mới như dự án, sản phẩm học tập… dù ngày càng được quan tâm nhưng không phải thầy cô, trường nào cũng thực hiện được và tốt, do hạn chế về điều kiện triển khai, năng lực giáo viên.
Ngại đổi mới, nhiều thầy cô trung thành với cách kiểm tra truyền thống là cho học sinh làm bài trên giấy vì dễ làm, dễ hình dung trình độ học sinh qua điểm số. Còn không ít giáo viên chưa sử dụng hiệu quả công cụ đánh giá trên lớp. Nhiều lớp học sĩ số quá đông, thiếu các mô hình, kỹ thuật hỗ trợ đánh giá… cũng là khó khăn gặp phải.
Quy định đã tiến bộ, nhưng để học sinh thụ hưởng trọn vẹn điều đó, vai trò người thầy vô cùng quan trọng. Bên cạnh đầu tư thời gian, tâm huyết, nỗ lực tự học để phát triển chuyên môn, thầy cô cần được tập huấn kỹ lưỡng, tạo điều kiện và khích lệ nhiều hơn để triển khai cách đánh giá mới.
Việc cụ thể hóa quy định về đánh giá học sinh trong kế hoạch giáo dục nhà trường cần thiết để mỗi giáo viên dễ hình dung, thực hiện. Đây cũng là nội dung cần được quan tâm đưa ra trao đổi tại các cuộc sinh hoạt tổ chuyên môn; nhìn nhận, phân tích những gì đã và chưa làm được, vấn đề còn hạn chế, khó khăn và thống nhất định hướng thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu mới.