Vì môi trường học tập an toàn và bình đẳng, thân thiện và dân chủ

Vì môi trường học tập an toàn và bình đẳng, thân thiện và dân chủ
Vì môi trường học tập an toàn và bình đẳng, thân thiện và dân chủ ảnh 1
            Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo (ảnh: Xuân Nam).

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, mô hình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do UNICEF đưa ra năm 2004. Mô hình này đã được nhiều nước thực hiện. Từ đó có thể thấy, mô hình này có cơ sở khoa học, lý luận vững chắc và đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn.

Sau hai năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại Việt Nam, đã có 94% số trường học trên cả nước đăng ký tham gia. Những chuyển biến cả về lượng và chất trong nhà trường và cộng đồng đã chứng tỏ, phong trào không chỉ có sức mạnh lan tỏa một cách hình thức, mà đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, bởi phong trào đã đáp ứng được yêu cầu của một nền giáo dục dân tộc trong hội nhập và phát triển.

Vì môi trường học tập an toàn và bình đẳng, thân thiện và dân chủ ảnh 2

    Sinh hoạt văn nghệ hàng tuần của học sinh trường TH Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội ) (ảnh: Xuân Nam)

Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Tế, Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP. HCM, mô hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” không hoàn toàn mới, không tự nhiên mà có. Mô hình này không chỉ là quyết tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo mà còn là kết quả của một quá trình nghiên cứu, kết hợp lý luận và thực tiễn giáo dục trong nước với việc tiếp nhận có chọn lọc những kinh nghiệm giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Hơn thế nữa, việc hiện thực hóa mô hình này không phải chỉ đơn giản là thực hiện các nội dung của phong trào thi đua theo những tiêu chí nhất định mà còn đòi hỏi phải có những nghiên cứu lý luận và thực tiễn chuyên sâu, cụ thể để làm sáng tỏ tất cả những bình diện cơ bản của mô hình, những mối liên hệ tinh tế, phức tạp giữa các bình diện đó, cũng như các vấn đề khác có liên quan…

Vì môi trường học tập an toàn và bình đẳng, thân thiện và dân chủ ảnh 3

                  Quang cảnh sư phạm trường THCS Hồng Thượng (A Lưới, Thừa Thiên – Huế) (ảnh: Xuân Nam).

Cũng theo PGS. Tế, môi trường giáo dục thời nào cũng có những vấn đề của nó và luôn đặt ra những yêu cầu. Nhưng, một môi trường giáo dục đúng nghĩa phải là môi trường học tập an toàn và bình đẳng, thân thiện và dân chủ, tạo được hứng thú học tập cho học sinh, giúp các em cảm nhận được sự thoải mái khi việc học tập của mình vừa gắn với kiến thức cơ bản của chương trình, vừa thông qua sự thâm nhập, trải nghiệm của chính bản thân trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động tập thể vui mà học.

Thời gian qua, dư luận xã hội đã phản ánh khá nhiều những vấn đề bức xúc về cơ sở vật chất xuống cấp của nhiều trường học, vấn nạn bạo lực học đường, quan hệ căng thẳng giữa giáo viên và học sinh, tình trạng học sinh chán học, bỏ học, về phương pháp dạy học một chiều, thụ động…

“Càng ngày, chúng ta càng thấm thía một điều, môi trường giáo dục không phải là “ốc đảo”, giáo dục và đào tạo không phải chuyện riêng của một ngành, càng không phải chuyện riêng của một trường học mà là vấn đề của cả xã hội. Vì vậy, mọi hay dở, tốt, xấu, thành bại của giáo dục cấn được xã hội nhìn nhận công bằng để cùng chia sẻ, quan tâm và tháo gỡ khó khăn… Trong quyết tâm của Bộ Giáo dục – Đào tạo, triển khai mô hình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là một bước đột phá để thực hiện công cuộc xã hội hóa giáo dục nói chung, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” – PGS. TS Nguyễn Xuân Tế nhấn mạnh.

Không phải ngẫu nhiên, trong các nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học lại được đặt ra như một yêu cầu sinh tử, quyết định sự thành bại của cả mô hình. “Rõ ràng, đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học cho học sinh, làm cho việc học tập của học sinh trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả…” – PGS. TS Tế cho biết.

Vì môi trường học tập an toàn và bình đẳng, thân thiện và dân chủ ảnh 4

            Sinh hoạt ngoại khóa văn học của học sinh trường THPT Thuận Thành A (Bắc Ninh) (ảnh: Xuân Nam).

Thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là phấn đấu cho mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện. Vì vậy, phong trào này phải phát huy được những giá trị truyền thống của phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” làm cho các thành viên trong đơn vị giáo dục đều tự giác thực hiện khẩu hiệu “Kỷ cương, Tình thương, Trách nhiệm”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; mỗi học sinh đều được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, năng động, linh hoạt và có những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, qua Hội thảo, chúng ta thấy phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” có rất nhiều khía cạnh khác nhau. Các ý kiến trao đổi của các trường thể hiện phong trào đã được hưởng ứng tích cực. Một lần nữa khẳng định, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” có một cơ sở lý luận rất vững chắc, đã được các trường học vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn. Phong trào sẽ được trú trọng phát triển đến năm 2013 để sau đó “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trở thành một điều hiển nhiên, đương nhiên trong suy nghĩ và hành động của mọi người.           

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ