Vị Hương cống được các vua Nguyễn trọng dụng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chỉ là một Hương cống nhưng Hà Duy Phiên giỏi tài điều hành nên được triều Nguyễn trọng dụng, tin tưởng giao các chức vụ quan trọng hàng đầu.

Nhà thờ Thượng thư Hà Duy Phiên tại xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa - Thanh Hóa).
Nhà thờ Thượng thư Hà Duy Phiên tại xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa - Thanh Hóa).

Hà Duy Phiên (1791 - 1852), tự là Đức Ninh, sinh năm Tân Hợi (1791) tại làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa - Thanh Hóa). Cha của ông là Hà Nguyễn Huân (tự Thanh Nhã, đỗ Hương cống khoa Canh Tý - 1780 triều Lê, làm tri huyện Nông Cống) và mẹ là bà Nguyễn Thị Sử.

Bề tôi tài giỏi, khí tiết

Theo Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Hà Duy Phiên vốn tên là Hà Nguyễn Phiên, đỗ Hương cống (Cử nhân) khoa Kỷ Mão, năm Gia Long thứ 15 (1819). Ông được bổ nhiệm làm quan tại các trấn gần 10 năm. Do điều hành công việc giỏi, năm 1828, ông được triệu về kinh giữ chức Lang trung Hình bộ, sau thăng Hữu thị lang Hình bộ (1830), Tả phó Đô ngự sử (1833), Thượng thư bộ Công rồi Thượng thư bộ Hộ (1838).

Làng Bột Thượng quê hương của ông còn được gọi là Cổ Quăng (Kẻ Quăng) là nơi sinh nhiều nhân tài nổi tiếng. Bia đá tại Văn chỉ của làng còn ghi: “Hình thế thì có núi Phong Châu làm án, có dòng sông Mã uốn quanh, non sông đúc kết khí thiêng, sinh trưởng nhân tài anh tuấn... kẻ sĩ nhiều người đỗ đạt, danh tiếng lẫy lừng đứng hàng đầu châu Ái và sánh chung cả nước”.

Xã Hoằng Lộc cũng là nơi có Bảng Môn Đình - một đình làng độc đáo nhất cả nước, vừa là nơi thờ Thành hoàng làng vừa là nơi dùi mài kinh sử, tôn vinh các vị khoa bảng của làng và là biểu tượng cho sự hiếu học.

Trong đó, thờ 12 Tiến sĩ cùng hàng trăm hương cống, tú tài với những vị khoa bảng nổi tiếng tài năng đức độ, như: Nguyễn Nhân Lễ, Nguyễn Sư Lộ, Nguyễn Cẩn... Bột Thượng cũng là quê hương của Trạng Quỳnh - một vị Trạng trứ danh trong dân gian.

Sinh ra trong một quê hương khoa bảng nên Hà Duy Phiên không chỉ rèn tập chữ nghĩa, mà còn noi gương tiền nhân về đức hạnh. Trở thành một vị quan tài năng, đức độ, cống hiến sức mình cho triều đình là hướng đi của Hà Duy Phiên.

Năm 1836 khi quân nổi loạn của Quách Tất Công tấn công Ninh Bình, triều đình cử Hà Duy Phiên làm Tham tán Đại thần dưới quyền chỉ huy của Đại sứ đạo Ninh Bình là Tạ Quang Cự, phối hợp với linh lược Thanh Hóa là Nguyễn Đăng Giai và Tổng đốc An Tĩnh Phạm Văn Điển đi đánh dẹp.

Trong quá trình đánh dẹp quân nổi loạn, Hà Duy Phiên đã lập được nhiều chiến tích, được vua ban thưởng bài ngọc trắng có chữ “cát tường” và gia thăng Quận công. Khi về triều được thăng chức Thượng thư bộ Công…

Sang đời Thiệu Trị, ông được giao nhiều chức vụ trọng yếu như: Gia hàm Hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư bộ Hộ, Tổng lý việc xây dựng sơn lăng. Năm 1841, lại được bổ chức Cơ mật viện đại thần. Năm 1852, vua Tự Đức khen Hà Duy Phiên là “bề tôi tài giỏi, có khí tiết”, được gia hàm Thái tử thiếu bảo.

Thượng thư Hà Duy Phiên cũng được thờ tại Bảng Môn Đình.

Thượng thư Hà Duy Phiên cũng được thờ tại Bảng Môn Đình.

Được vua Nguyễn tin tưởng

Từ một quan tri phủ, Hà Duy Phiên dần thăng lên bậc đại thần, giữ nhiều chức vụ trọng yếu, luôn làm việc công tâm, có trách nhiệm được các đời vua tin dùng.

Một số giai thoại cho biết, vua Minh Mạng có một kho tàng với “hàng ngàn rương vàng bạc, châu báu đặt vào các thạch thất”. Vào cuối năm 1838, vua Minh Mạng cho di dời Nội Vụ Phủ ra khỏi Tử Cấm Thành và thiết lập tại khu vực bên trái Hoàng thành. Vua giao cho Thống chế Mai Công Ngôn điều khiển 2.000 biền binh làm công việc dời kho này.

Cẩn thận hơn, vua Minh Mạng đã chỉ định các đại thần cao cấp nhất trong triều đình là Phạm Hữu Tâm, Nguyễn Tăng Minh, Trương Đăng Quế và Hà Duy Phiên thay nhau hàng ngày đến giám sát công việc dời kho để của kho khỏi bị bỏ sót và thất thoát.

Hầm bạc đầu tiên của vua Minh Mạng được phát hiện vào thời vua Thành Thái thứ 11 (1899), Khâm sứ đại thần Boulloche sau khi nhận được tin báo của Hoằng Trị quận vương Hồng Tố nói đời vua Minh Mạng và Thiệu Trị có chôn nhiều bạc trong Đại Nội đã phái Quan hội đồng và phát 100 phu khỏe theo nơi được chỉ đào và tìm thấy một hầm bạc ba vết.

Như vậy có thể thấy, Hà Duy Phiên dù chỉ là Hương cống, nhưng vì tài đức nên được tin dùng trọng dụng, được vua giao cho những việc tuyệt mật. Điều đó đủ thấy, sự tín nhiệm rất lớn của các vua Nguyễn đối với vị quan xứ Thanh này.

Theo các nguồn sử liệu, Hà Duy Phiên còn là đồng tác giả của hai tác phẩm sử học lớn của triều Nguyễn là “Đại Nam hội điển sự lệ” và “Đại Nam thực lục tiền biên”.

“Đại Nam hội điển sự lệ” chính là “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” do Nội các của triều đại này biên soạn. Trong đó, có lẽ Hà Duy Phiên tham gia ở phần “Chính biên” được biên soạn từ năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) đến năm Tự Đức thứ 4 (1851), gồm 262 quyển (+1 quyển Thủ) với hơn 8.000 trang bản thảo; ghi chép các chiếu chỉ, tấu sớ của triều đình Nguyễn từ năm Gia Long thứ nhất 1802 đến năm Tự Đức thứ 4 (1851).

“Đại Nam thực lục” gồm 584 quyển, viết bằng chữ Hán thể văn ngôn và ghi chép các sự kiện lịch sử tới năm 1925. Ban đầu, bộ sách mang tên “Đại Nam thật lục”. Tới đời vua Thiệu Trị, đổi thành “thực lục” vì kỵ húy với tên của chính thất vua Minh Mạng là Tá Thiên Hoàng hậu - thân mẫu của vua Thiệu Trị.

Đại Nam thực lục ghi chép các sự kiện từ khi chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến đời vua Khải Định (1925) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn.

Phần đầu của “Đại Nam thực lục” gọi là “Đại Nam thực lục tiền biên” (gồm 12 quyển) ghi chép các sự kiện lịch sử của 9 chúa Nguyễn Đàng trong từ Nguyễn Hoàng (1558) đến hết đời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1777). Phần thứ hai là “Đại Nam thực lục chính biên” (gồm 587 quyển), viết về triều đại các vua nhà Nguyễn, là phần chính yếu của bộ biên niên sử này.

Theo giới nghiên cứu lịch sử, cả hai phần “Tiền biên” và “Chính biên” của bộ sử “Đại Nam thực lục” được soạn bắt đầu từ năm 1821 (năm Minh Mạng thứ 2), sau 88 năm đến năm 1909 mới cơ bản hoàn thành. Và Hà Duy Phiên là người đóng góp rất đắc lực vào các biên soạn ở phần “Tiền biên” để hình thành bộ sử liệu quan trọng nhất của triều Nguyễn.

Con giỏi, cha mẹ hưởng phúc

'Đại Nam thực lục tiền biên' ghi đậm dấu ấn của Thượng thư Hà Duy Phiên.

'Đại Nam thực lục tiền biên' ghi đậm dấu ấn của Thượng thư Hà Duy Phiên.

Để tri ân công đức tiền nhân, tại Bình Mỹ (Củ Chi - TPHCM) có con đường mang tên Hà Duy Phiên nối dài đường Đặng Thúc Vịnh và Tỉnh lộ 8; một con đường ở xã Mỹ Hạnh Nam (Đức Hòa - Long An) nối đường ĐT824 và khu đô thị Phúc An City mở rộng và một con đường ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) nối đường Phan Văn Đáng và đường Đinh Gia Trinh.

Theo Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, do có những công lao to lớn, ngày mùng 4/8/1838 vua Minh Mệnh đã ban chế cho cha mẹ ông. Cha ông được tặng phong là: Gia Nghị Đại phu Thiêm sự phủ Thiêm sự, ban tên thụy: Hiến Mục và ban cho cáo mệnh. Mẹ ông cũng được tặng cho hai chữ “Thục nhân”, ban cho cáo mệnh.

Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), Hà Duy Phiên được thăng Hiệp biện Đại học sĩ, sung Cơ mật viện đại thần kiêm Phó Tổng tài Quốc Sử Quán. Đến đời Tự Đức, ông vẫn tiếp tục giữ các chức vụ trên. Ngày 26/10/1849 (thời vua Tự Đức năm thứ 2) nhà vua lại một lần nữa ban chế cho cha, mẹ ông, gia tặng cho cha ông làm: Trung phụng Đại phu Đô sát viện hữu Phó đô Ngự sử, tên thụy là Trang Khải và ban cho cáo mệnh. Và đặc biệt tặng mẹ ông: Tòng Nhị phẩm Phu nhân, ban cho cáo mệnh.

Sau khi Hà Duy Phiên mất (1852), nghĩ đến những đóng góp, cống hiến hết sức to lớn với đất nước, ngày 24/3/1853 vua Tự Đức tiếp tục ban chế truy tặng cho ông, bản chế được dịch nghĩa như sau:

“Vâng mệnh trời mở vận nước, Hoàng đế xuống chế rằng: Trẫm nghĩ: Lòng trung giúp rập của bề tôi, trước sau chớ đổi; ân điển đối đãi của vua chúa, còn mất chẳng chia.

Nên đoái xét: Thái tử Thiếu bảo Hiệp biện Đại học sĩ, lĩnh Thượng thư bộ Hộ sung Cơ mật viện Đại thần, tặng hàm Thiếu bảo [vốn tên] Hà Duy Phiên. Chí hơn đời, anh tài hữu dụng cho quốc gia. Từng giữ nhiều chức vụ trọng yếu từ triều đến quận, nức tiếng quản lí lão luyện; hằng phò tá những kế hoạch lớn từ Bắc vào Nam, mọi việc đều không trễ nải.

Ngươi dẫn dắt quan lại địa phương cấp dưới, dìu đỡ để họ làm nên; trợ giúp những cơ quan quan trọng ở triều đình, nêu mưu lớn đúng khi ban bố. Phép tắc lễ độ đúng với câu lo trước vui sau, dấu ấn hành trạng vừa với điều chức cao lòng kính.

Phụng sự trải suốt ba triều, luôn nêu cao một nhân cách lớn. 30 năm dồn sức vóc, nào biết tấm lòng của kẻ đầu bạc; 12 tháng dãi gió sương, bỗng chạm cảm tình của người gảy tiếng tơ. Công cũ còn nhiều, từng ban thêm ơn phúng tế; hành trạng phô dày, nên cấp nhiều ân điển tuyên dương.

Nay truy tặng ngươi là: Đặc tiến Vinh Lộc Đại phu, Văn minh điện Đại học sĩ, ban tên thụy là: Văn Thận và ban tặng cho cáo mệnh.

Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, các bản chế có kích thước dài từ 131 – 154cm, rộng từ 38,5 – 51,5cm được viết trên chất liệu vải lụa mềm bóng, màu vàng nhạt – là loại chất liệu quý, hiếm gặp ở tất cả sắc phong. Xung quanh mỗi bản chế được thêu 5 cặp hoa văn hình rồng cách điệu bằng chỉ nhiều màu. Đây là một nét riêng trong việc ban sắc của triều Nguyễn so với các triều đại khác.

Những bản chế này, có bản tuy đã rách nhiều, có bản đã phai màu mực và có bản dấu triện không còn nhìn rõ nhưng đây là những hiện vật gốc, độc bản, là nguồn thư tịch cổ, quý hiếm, cung cấp những thông tin chính xác về Thượng thư Hà Duy Phiên và các cụ thân sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ